Hiện nay, Bộ VH-TT–DL đang phát động cuộc thi thiết kế mẫu lễ phục Việt Nam. Mục đích là để tìm ra bộ lễ phục sử dụng trong các hoạt động quốc gia và quốc tế, nhằm tôn vinh, thể hiện ý thức tự hào của dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam...
Nhân dịp này, PV có cuộc trao đổi với bà Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - Đơn vị soạn thảo đề án lễ phục.
Bà Đoàn Thị Thu Hương
Vì sao Việt Nam cần có lễ phục, thưa bà?
Từ năm 1986, nước ta bắt đầu mở cửa, tham gia vào thị trường quốc tế. Lúc đó có chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa các hoạt động đối ngoại. Đồng thời, Việt Nam bắt đầu giao thoa với nước ngoài không chỉ về kinh tế mà còn về lĩnh vực văn hóa.
Năm 1998, nước ta đăng cai Hội nghị ASEAN lần thứ 6 tại Hội trường Ba Đình, kết nạp Campuchia là thành viên thứ 10. Một vấn đề đặt ra là nước mình hội nhập nhưng vẫn phải có bản sắc văn hóa riêng. Cho nên, Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa đã tổ chức may thử kiểu áo như là Batik (kiểu Indonesia) bằng vải đũi, nhưng không thành công.
Đến 2006, nước ta tổ chức Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14, nguyên thủ các nước cùng mặc chiếc áo truyền thống của Việt Nam, nhưng đó chỉ là mặc để chụp hình kỷ niệm.
Năm 2010, rất nhiều lời đề nghị từ Bộ Ngoại giao muốn có bộ quần áo để hội họp, trình quốc thư và các dịp lễ trọng đại khác... Lễ phục là nhu cầu có thật, dùng để mặc trong các buổi lễ trọng thể của đất nước nhằm thể hiện bản sắc dân tộc.
Cách đây hơn 20 năm, từ năm 1991, vấn đề tìm lễ phục cho các sự kiện quốc gia quan trọng của Việt Nam đã được Bộ VH-TT-DL thực hiện, nhưng tại sao đến nay vẫn chưa có kết quả?
Năm 1991, 5 năm sau khi đất nước mở cửa, bắt đầu có có cuộc thi thiết kế lễ phục đầu tiên. Đã có rất nhiều mẫu được chọn theo cả hai xu hướng hiện đại, truyền thống... Nhưng lúc đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt và một số quan chức thành viên chưa thống nhất ý kiến. Người thì muốn lễ phục theo hướng hiện đại, người thì muốn truyền thống... Do vậy, dù có rất nhiều mẫu tốt nhưng chưa được áp dụng.
Năm 1992, Hội đồng Nhà nước ra quy định về lễ phục cho cán bộ công nhân viên chức cũng như các cấp lãnh đạo trong Chính phủ. Theo đó, nam mặc theo kiểu âu phục, nữ mặc áo dài trong các buổi lễ, buổi họp trọng thể hay các buổi đón tiếp, ngoại giao.
Sau đó, mỗi khi có sự kiện lớn tầm quốc gia, chúng ta đều có sự chuẩn bị về trang phục riêng cho các nhà lãnh đạo, nhưng đều không thành công.
Vậy lần này, Bộ VH-TT–DL làm gì để tránh sự không đồng thuận như những lần trước?
Năm 2011, chúng tôi xây dựng lại đề án lễ phục Việt Nam. Trong đó, cố gắng tránh tối đa sự không đồng thuận – điều thường xảy ra khi chọn lễ phục. Do đó, lễ phục lần này xây dựng trên trí tuệ của những người có hiểu biết sâu về văn hóa, mỹ thuật. Bộ VH-TT–DL cũng xin ý kiến của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, chuyên gia về nhân sự, quản lý...
Từ những ý kiến đồng thuận đó, Ban tổ chức đưa ra những tiêu chí đầu bài cụ thể để các nhà thiết kế thực hiện những mẫu như vậy.
Cụ thể, Ban tổ chức yêu cầu thiết kế 4 mẫu lễ phục, gồm: mẫu lễ phục của nam và nữ theo hướng hiện đại, mẫu lễ phục của nam và nữ theo hướng truyền thống.
Các mẫu lễ phục phải mang tính biểu tượng văn hóa, có tính thời đại và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, đồng thời đẹp, thuận tiện, phù hợp trong nghi lễ quốc gia và quốc tế; phù hợp với điều kiện khí hậu và vóc dáng của người Việt Nam; khuyến khích thực hiện bằng chất liệu truyền thống, sản xuất trong nước.
Các lãnh đạo APEC trong trang phục áo dài lụa tại kỳ hội nghị ở Việt Nam năm 2006. Ảnh: AFP
Có ý kiến cho rằng, cần có lễ phục theo cả hướng hiện đại để dùng khi ngoại giao quốc tế, nhưng cũng cần có lễ phục theo hướng truyền thống để mặc trong ngày lễ lớn dân tộc, bà nghĩ sao?
Là cơ quan tham mưu cho nhà nước, chúng tôi đề xuất thiết kế 4 mẫu lễ phục, gồm: mẫu lễ phục của nam và nữ theo hướng hiện đại, mẫu lễ phục của nam và nữ theo hướng truyền thống. Chúng tôi đề xuất như vậy còn việc sử dụng thì tùy Chính phủ quyết định.
Đây là một cuộc thi thiết kế mới hoàn toàn chứ không phải là lấy cái này, cái kia đắp lên khăn đóng áo the hay áo dài truyền thống. Đây là một cuộc thiết kế nguyên vẹn theo nghĩa tạo hình đúng nghĩa của nó. Từ đó, tạo hình làm sao có bộ quần áo cho nam và cho nữ theo hướng nào cũng phải đẹp, hiện đại, phải thuận tiện, dễ sử dụng, hòa nhập, nhìn ai cũng phải thấy đẹp và muốn mặc.
Còn các nước trên thế giới thì sao, họ có mặc lễ phục không?
Các nước Đông Nam Á có lễ phục, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có lễ phục... Lễ phục của mỗi nước đều thể hiện bản sắc riêng của mình, được kết hợp từ nhiều yếu tố như: văn hóa, lịch sử, điều kiện, thói quen, thẩm mỹ...
Có một điều khá thú vị là nước có lịch sử lâu đời thì càng quan tâm đến bản sắc. Trong khi đó, một số thể chế nhà nước không có Bộ Văn hóa, bởi vì họ không biết đặt cái gì lên làm bản sắc của mình.
Vậy thì vấn đề đặt ra với nước ta là: Mình nghĩ gì về bản sắc dân tộc trong thời đại này? Bản sắc đó mình nên bảo tồn phát huy như thế nào? Làm sao để vừa thể hiện được bản sắc văn hóa của mình vừa thể hiện được tính hợp thời đại? Đó là những câu hỏi rất lớn dành cho trí tuệ của các nhà thiết kế.
Nhắc lại đề án Quốc hoa trước đây, Bộ VH-TT-DL đã tốn nhiều công sức để tìm ra sen hồng - Loài hoa được nhiều người ủng hộ làm Quốc hoa, nhưng rồi đến nay vẫn chưa có cơ quan nào công bố Quốc hoa. Vậy, với lễ phục, làm sao để không lặp lại như Quốc hoa?
Bộ VH-TT–DL thực hiện quản lý nhà nước về biểu tượng văn hóa quốc gia theo quy định của pháp luật. Do vậy, việc tổ chức lễ phục là của Bộ VH-TT–DL.
Nhận thức được điều này, Bộ cũng đề cập đến vấn đề sửa đổi Hiến pháp, trong đó Chủ tịch nước sẽ là người ký biểu tượng văn hóa của đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Theo Khampha