Từ tình trạng giảm tỷ lệ sinh ở nhiều vùng: Nhiều hệ lụy cho xã hội

Thứ tư, 07/08/2013, 08:13
Trong khi Việt Nam vẫn khuyến cáo mỗi gia đình chỉ nên có từ 1 - 2 con thì tại một số vùng, tỷ lệ sinh đã xuống đến mức báo động.

Các chuyên gia dân số lo ngại, nếu không có động thái “nhấc” tỷ lệ sinh ở các vùng này lên thì sẽ có nguy cơ “thiếu trẻ em, thừa người già”.

Không sinh con vì “sợ mất việc”

TP.Hồ Chí Minh đang có tổng tỷ suất sinh (TRF - số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) thấp nhất cả nước và vẫn đang giảm. Năm 2009, TRF của TP.Hồ Chí Minh là 1,45; đến năm 2012, trong khi nhiều nơi dân số tăng đột biến vì nhiều người cho rằng đó là năm đẹp để sinh con thì thành phố này cũng chỉ là 1,33.

“Đây là con số đáng báo động, vì theo kinh nghiệm các nước, nếu TRF xuống tới 1,3 - 1,4 thì không có biện pháp nào để “nhấc” lên được” - TS Dương Quốc Trọng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết. Ngoài ra, các tỉnh Đông - Nam Trung Bộ cũng đang có xu hướng sút giảm mức sinh. TRF ở các khu vực này hiện ở mức 1,6-1,8 và đang giảm dần.

hiem muon

Cặp vợ chồng đi khám hiếm muộn tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Vợ chồng chị Trần Thu Minh (31 tuổi) ở quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh, đã lấy nhau được 5 năm nhưng vẫn chưa muốn có con. “Hồi mới lấy nhau thì chưa có nhà, chúng tôi muốn phấn đấu có nhà xong thì mới sinh con.

Đến lúc mua được nhà thì chồng tôi có học bổng đi Pháp học 1 năm, tôi không muốn nuôi con một mình nên lại hoãn. Đến khi anh ấy về thì tôi lại vừa lên chức giám đốc chi nhánh, cần thời gian để phấn đấu, khẳng định mình... Vì thế, “công cuộc” có con lại phải đợi” - chị Minh chia sẻ.

Trong khi đó, vợ chồng chị Đặng Thị May (Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội) muốn sinh con nhưng điều kiện không cho phép. Anh chị đều là công nhân, thuê nhà ở 12m2, lương cũng chỉ đủ tiêu dùng tằn tiện, khó có điều kiện chăm nuôi một đứa trẻ... Ngoài ra, chị mới chuyển việc, công ty bắt cam kết phải 2 năm sau mới được sinh con nên chị May đang “bấm bụng” hoãn đẻ.

TS Trọng phân tích, tại một số khu đô thị, vùng kinh tế khó khăn, nhiều phụ nữ ngại đẻ. Có người sợ mất việc, sợ mất cơ hội thăng tiến khi mang bầu, nghỉ sinh. Có người sợ khó xin việc lại sau khi sinh, lại có gia đình kinh tế khó khăn, chỉ dám đẻ 1 con chứ không đủ điều kiện để đẻ cho đủ “mức sinh thay thế”.

Muốn đẻ cũng không được

TS Lê Vương Văn Vệ -Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, các ca vô sinh thứ phát (vô sinh sau khi đã từng có con) ngày càng gia tăng. Rất nhiều cặp vợ chồng sau khi sinh con đầu được 5-7 tuổi, muốn sinh thêm đứa con thứ 2 thì “phấn đấu” mãi không được.

Nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản T.Ư trên 8 vùng sinh thái của cả nước cho thấy, khoảng 7-10% các cặp vợ chồng bị hiếm muộn, vô sinh. Tại bệnh viện này, mỗi năm có khoảng 2.500-3.000 ca vô sinh đến khám và điều trị. Điều đáng ngại là tỷ lệ vô sinh ở người trẻ dưới 30 tuổi đang gia tăng, chiếm khoảng 50% các trường hợp vô sinh, hiếm muộn. Các ca vô sinh thứ phát cũng gia tăng.

Bác sĩ Hồ Sỹ Hùng – Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Phụ sản T.Ư) khẳng định, 75% các ca vô sinh ở nữ giới là do tắc vòi tử cung, chỉ 20% do rối loạn phóng noãn. Còn ở nam giới thường do lối sống không lành mạnh, do nghiện bia, rượu, thuốc lá nên “con giống” bị yếu hoặc thưa thớt... Ngoài ra, cuộc sống hiện đại cũng có rất nhiều “sát thủ” gây vô sinh như thuốc trừ sâu, trừ cỏ, hóa chất, thực phẩm có chất tăng trọng, chất cấm...

"Muốn khuyến sinh cần có các chính sách thai sản tốt, khuyến khích nam giới cùng chia sẻ gánh nặng gia đình, chăm sóc con với phụ nữ để chị em yên tâm sinh đẻ và nuôi dạy con”.

GS Nguyễn Đình Cử

GS-TS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng, TRF của Việt Nam hiện nay “khá đẹp”. Tuy nhiên, cần phải cảnh giác với xu hướng giảm sinh đã xuất hiện ở nhiều vùng miền.

Theo GS Cử, những yếu tố kinh tế xã hội và sự suy giảm sức khỏe sinh sản sẽ ngày càng ảnh hưởng nặng nề đến việc sinh sản của nhiều cặp vợ chồng. Nếu mức sinh giảm sâu thì sẽ ảnh hưởng nặng nề đến xã hội.

“Trong 10 năm qua, Việt Nam đã giảm trên 3 triệu học sinh phổ thông, điều đó đồng nghĩa với việc 5-10 năm nữa sẽ hụt mất 3 triệu lao động và số người già sẽ tăng cao. “Vì thế, cần phải có sự chuẩn bị ứng phó ngay từ bây giờ chứ không nên đợi đến khi mức sinh xuống quá thấp đến mức “bó tay” - GS Cử cho biết.

Theo Danviet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn