Chọn quốc hoa quá khó nên không thể nhanh

Thứ sáu, 29/03/2013, 22:53
Năm 2010, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thực hiện “Đề án nghiên cứu lựa chọn và tôn vinh Quốc hoa Việt Nam”, thời điểm đó câu chuyện quốc hoa đã làm nóng dư luận một thời gian khá dài, nhiều hội thảo, buổi lấy ý kiến được tổ chức.

Hơn 2 năm vẫn chưa chọn được một loại hoa

Trong một cuộc lấy ý kiến trên mạng Internet được công bố vào tháng 11/2011, hoa sen chiếm tới 62,2% phiếu bầu để thành quốc hoa (15% cho hoa Đào, 14% chọn hoa Mai, 4,4% hoa Ban). Ngày 11/3 vừa qua Văn phòng Chính phủ có thông báo về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ về Đề án Quốc hoa Việt Nam.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ VH-TT&DL về việc tiến hành lựa chọn Quốc hoa của Việt Nam, việc lựa chọn Quốc hoa cần có hình thức thích hợp để đông đảo nhân dân trong cả nước lựa chọn và suy tôn.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại quá trình lựa chọn quốc hoa của Việt Nam, chắc chắn sẽ có không ít người giật mình khi chúng ta đã mất hơn 2 năm mà vẫn không thể lựa chọn nổi một bông hoa. Phải chăng Bộ VH-TT&DL quá "kỹ tính" khi đặt ra những tiêu chí cao với quốc hoa để mọi người vẫn loanh quanh mãi với những đề cử sen, mai, đào...

quoc hoa

Có rất nhiều đề cử cho quốc hoa như: hoa xấu hổ, hoa gạo, hoa sen, mai đào...

Hay nguyên nhân của chậm trễ là sự chưa thống nhất về quan điểm của các nhà văn hóa, các nhà nghiên cứu khoa học? Khi tiến hành lựa chọn bất cứ việc gì, nếu để xảy ra tình trạng 9 người 10 ý chắc chắn sẽ rất khó quyết định.

Lý giải về tình trạng này, họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - cơ quan được Bộ VHTT&DL giao chủ trì xây dựng Đề án chọn quốc hoa cho biết: "nhìn tổng thể, vấn đề quan trọng nhất theo tôi là chúng ta không thống nhất được "đầu bài" để giao cho các nhà thiết kế".

Ông Thành cũng đưa ra ý kiến để tháo gỡ những vướng mắc, đẩy nhanh công cuộc lựa chọn quốc hoa đó là lựa chọn theo số đông. Theo ông Thành: "Nếu đại đa số nhân dân đồng ý chọn hoa đào hay hoa mai thì tôi nghĩ ta cũng nên theo số đông. Dẫu vậy, qua kết quả cuộc bình chọn như đã nêu trên, hoa sen có số phiếu cao nhất, người dân ủng hộ cho hoa sen là quốc hoa chứ không phải hoa đào, hoa mai".

Tuy nhiên, việc lựa chọn theo số đông chưa chắc đã khả quan vì trong một xã hội sẽ bao gồm nhiều tầng lớp với những vốn kiến thức khác nhau ở nhiều chuyên ngành. Có người có trình độ kiến thức cao sẽ khái quát được vấn đề, nhìn nhận một cách hợp lý để đưa ra sự lựa chọn loài hoa phù hợp với biểu tượng tinh thần dân tộc, nhưng số lượng những người như thế không nhiều, và họ chắc chắn không phải là số đông.

Với những người còn lại, sẽ có không ít người lựa chọn quốc hoa với lý do đơn giản hơn nhiều như theo ý thích cá nhân, loài hoa ở địa phương mình có, hay thậm chí là tiện thì chọn bừa một loại... Vậy nếu những lựa chọn đó lớn và trở thành số đông thì chúng có thật sự phù hợp để chúng ta ủng hộ và lựa chọn theo?

Cũng có ý kiến lý giải nguyên nhân của sự chậm trễ là vì yêu cầu đưa ra với quốc hoa là phải thể hiện được tinh thần dân tộc, sẽ trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc. Và để tìm được một biểu tượng cho tinh thần dân tộc Việt Nam là không hề dễ.

Trong suốt một thời gian dài, người Việt được tuyên truyền tinh thần dân tộc Việt Nam, trên một đất nước nhỏ bé là nạn nhân của chiến tranh trong một thời gian dài nhưng vẫn vô cùng yêu hòa bình, chăm chỉ, cần cù, thông minh sáng tạo... Tuy nhiên, dường như những quan niệm ấy đã trở thành quá khứ.

Trong xã hội hiện đại, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Làm sao có thể khẳng định người Việt chăm chỉ khi nạn "cắp ô" đã trở nên vô cùng phổ biến trong một bộ phận không nhỏ công chức.

Tình trạng này đã trở nên nghiêm trọng đến mức Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải lên tiếng cảnh báo: "Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào".

Làm sao để chứng minh người Việt thông minh sáng tạo khi mua sách Trung Quốc về sử dụng mà thiếu kiểm soát, không tiến hành sửa chữa dẫn đến việc phát hiện hàng loạt sách có in cờ Trung Quốc cho trẻ em trong thời gian gần đây khiến người dân đặc biệt là các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng.

Có quá nhiều khó khăn

quoc hoa

Hãy hiểu và thông cảm cho Bộ VH-TT&DL trước sự chậm trễ trong việc lựa chọn quốc hoa

Mới đây, một lãnh đạo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (VH-TT&DL) đã chia sẻ những khó khăn trong hơn 2 năm tiến hành lựa chọn quốc hoa vừa qua: "Thực ra cái này rất khó làm, với một xã hội hiện nay là dân chủ và tự do ngôn luận, ý kiến rất khác nhau. Bây giờ lấy ý kiến cả nước thế nào, rộng rãi ra làm sao… chúng tôi đang nghiên cứu xem có giải pháp nào không".

Ông này cũng đặc biệt lưu ý thời điểm lấy ý kiến hiện nay, “không khéo có thể phản tác dụng, rồi lại có ý kiến việc gì mà phải mất thời gian trong khi còn bao nhiêu việc khác, nên bọn tôi cũng đang ở thế rất khó. Mà tuyên truyền cũng phải ở mức nào đó thôi, chứ báo chí khai thác nhiều quá rồi".

Từ phát ngôn của lãnh đạo Cục mỹ thuật và những diễn biến trên thực tế xã hội, quả thật việc lựa chọn quốc hoa không phải là việc dễ dàng, nếu không muốn nói là vô cùng khó. Chính vì vậy mà trong suốt 2 năm, thậm chí là lâu hơn nữa việc lựa chọn cũng khó có thể hoàn thành.

Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng Bộ VH-TT&DL đang quá chậm trễ, thậm chí là không biết cách làm việc khi tốn hơn hai năm mà vẫn không thể lựa chọn được một bông hoa. Tuy nhiên, trên thực tế việc lựa chọn quốc hoa cho cả nước là chuyện không hề nhỏ, đây là vấn đề lựa chọn hình ảnh, đại diện cho quốc gia, dân tộc không thể lựa chọn sơ sài cho xong việc như rất nhiều vấn đề hiện nay.

Hơn nữa, việc lựa chọn quốc hoa hiện có quá nhiều ý kiến đóng góp khác nhau, không chỉ ba loại hoa phổ biến như sen, mai, đào mà còn những loại khác như hoa xấu hổ, hoa lúa, hoa gạo, hoa tre... Ở mỗi đề cử công chúng lại có những lập luận riêng chứng minh các loài hoa phù hợp với tiêu chí mà một quốc hoa cần có.

Hoa lúa thì gắn bó với nền văn minh lúa nước, gắn bó với đời sống vì Việt Nam hiện là nước xuất khẩu lúa gạo lớn trên thế giới. Hoa tre cũng gắn bó với giếng nước, mái đình, trở thành biểu tượng quen thuộc với biết bao người Việt.

Hoa xấu hổ là đại diện cho các loài hoa cỏ dại ở Việt Nam và ngay từ cái tên loài hoa này đã gợi nhắc một phẩm chất cần có của con người: lòng tự trọng. Biết xấu hổ là còn lòng tự trọng, đó là điều vô cùng cần thiết, thậm chí không thể thiếu trong xã hội hiện đại...

Chính vì vậy cho đến thời điểm hiện tại, việc lựa chọn quốc hoa vẫn chưa thể hoàn thành là điều dễ hiểu. Có lẽ công chúng cũng nên có cái nhìn rộng rãi và toàn diện hơn trước vấn đề này để thấy được những khó khăn chồng chất trong việc lựa chọn để một mặt là thông cảm cho Bộ VH-TT&DL, không đưa ra những  đánh giá cho rằng Bộ làm việc không hiệu quả hay không biết cách làm.

Mặt khác, một khi đã nhìn thấy những khó khăn lớn của hoạt động lựa chọn quốc hoa mà tích cực suy nghĩ hoặc vận động bạn bè và người thân tham gia đóng góp ý kiến cùng Bộ VH-TT&DL nhằm tháo gỡ những rắc rối và đi đến quyết định cuối cùng một cách nhanh nhất có thể.

Theo Phunutoday

Các tin cũ hơn