Mới đây, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) đã đưa ra quan điểm cá nhân của mình trong việc lựa chọn quốc hoa, rằng quốc hoa phải thể hiện được tinh thần dân tộc. Ông Thành cho biết: "Theo tôi, quốc hoa là biểu tượng tinh thần cao quý và tôi chọn hoa sen làm quốc hoa Việt Nam.
Hoa sen là biểu tượng tinh thần, biểu tượng văn hóa do hoa sen hội tụ đủ các tiêu chí làm quốc hoa chứ không phải là các tiêu chí mà người ta đòi hỏi ở một loài hoa phải có... hoa sen còn gợi cho người ta liên tưởng tới màu lá cờ Tổ quốc của mình, nó gợi được nhiều liên tưởng đẹp. Rất thanh tao, tinh khiết. Từ bùn vươn lên, như mình từ nghèo khổ, từ nô lệ mà vươn lên.
Hơn nữa, nếu tôn vinh hoa sen thì đó cũng sự khẳng định giá trị tinh thần, tình cảm của dân tộc Việt Nam với Bác Hồ: “ Tháp Mười đẹp nhất hoa sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”; nó thể hiện cốt cách của người Việt Nam: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/Nhị vàng, bông trắng lá xanh/Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn…”.
Quan điểm trên đã nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ vì cho rằng lựa chọn quốc hoa là lựa chọn loài hoa biểu tượng cho hồn cốt dân tộc Việt Nam vì vậy chỉ có loài hoa nào thể hiện được cốt cách, phong thái và tinh thần dân tộc mới xứng đáng được trao danh hiệu vinh dự này.
Có nên lựa chọn quốc hoa theo số đông?
Vấn đề đáng nói là có rất nhiều loài hoa trong danh sách đề cử đáp ứng được tiêu chí thể hiện tinh thần dân tộc. Hoa lúa thì gắn bó với nền văn minh lúa nước, gắn bó với đời sống vì Việt Nam hiện là nước xuất khẩu lúa gạo lớn trên thế giới.
Hoa tre cũng gắn bó với giếng nước, mái đình, trở thành biểu tượng quen thuộc với biết bao người Việt. Hoa xấu hổ là đại diện cho các loài hoa cỏ dại ở Việt Nam và ngay từ cái tên loài hoa này đã gợi nhắc một phẩm chất cần có của con người: lòng tự trọng. Biết xấu hổ là còn lòng tự trọng, đó là điều vô cùng cần thiết, thậm chí không thể thiếu trong xã hội hiện đại.
Tuy nhiên, ông Vi Kiến Thành cũng đưa ra ý kiến cho rằng lý do mà đến thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn chưa chọn được quốc hoa là do chưa thống nhất được ý kiến, chính vì vậy mà nên chọn quốc hoa theo số đông. "Nếu đại đa số nhân dân đồng ý chọn hoa đào hay hoa mai thì tôi nghĩ ta cũng nên theo số đông." - ông Thành cho biết.
Khi kết luận này được đưa ra, một lần nữa người dân lại rơi vào trạng thái hoang mang khi tiêu chí chọn quốc hoa đã được hạ thấp đến mức chỉ đơn giản là theo đông đảo ý kiến của người dân. Có thể bây giờ ý kiến này đưa ra cũng nhằm mục đích ủng hộ cho hoa sen, khi loài hoa này đang dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ ở nước ta.
Tuy nhiên, nếu số đông người Việt đột ngột có sự thay đổi, quay sang lựa chọn bất kỳ một loài hoa nào khác như hoa đồng tiền, xuyến chi... thì chọn quốc hoa cũng phải theo ý kiến của số đông hay sao?
Hơn nữa, trong một xã hội sẽ bao gồm rất nhiều tầng lớp với những vốn kiến thức khác nhau ở các chuyên ngành khác nhau. Có người có trình độ kiến thức cao sẽ khái quát được vấn đề, nhìn nhận một cách hợp lý để đưa ra sự lựa chọn loài hoa phù hợp với biểu tượng tinh thần dân tộc, nhưng số lượng những người như thế không nhiều, và họ chắc chắn không phải là số đông.
Với những người còn lại, chắc chắn có không ít người lựa chọn quốc hoa với lý do đơn giản hơn nhiều như theo ý thích cá nhân, loài hoa ở địa phương mình có, hay thậm chí là tiện thì chọn bừa một loại... Vậy nếu những lựa chọn đó lớn và trở thành số đông thì chúng có thật sự phù hợp để chúng ta ủng hộ và lựa chọn theo.
Mặt khác, với hai ý kiến quốc hoa thể hiện tinh thần dân tộc và lựa chọn quốc hoa phải theo số đông, nếu áp dụng quy luật bắc cầu sẽ thành tinh thần dân tộc của người Việt là theo số đông. Với một đất nước có nghìn năm văn hiến, đã trải qua biết bao cuộc chiến tranh với muôn vàn khó khăn mà vẫn hiên ngang, đứng vững và ngày càng phát triển mạnh mẽ lẽ nào lại có tinh thần dân tộc là chạy theo số đông?
Lựa chọn quốc hoa không phải là việc đơn giản, chỉ theo một ý kiến cá nhân hay cứ chạy theo số đông để làm cho xong việc. Trước những ý kiến và quan điểm khác nhau của các chuyên gia cũng như công chúng, có lẽ Việt Nam sẽ còn mất rất nhiều thời gian vào việc lựa chọn này.
Theo Phunutoday