Hậu quả của sống thử
Do còn non trẻ nên chưa biết trang bị cho mình những kiến thức để giữ an toàn cho sức khỏe.
Lao đầu vào những cuộc nạo phá thai chui, lối sống thiếu lành mạnh, một bộ phận giới trẻ đã tự đánh mất đi khả năng sinh con đẻ cái của mình.
Tại khoa Hiếm muộn của Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, xuất hiện rất nhiều gương mặt còn non choẹt đã đi chữa…vô sinh. Một trong số đó là vợ chồng anh Diên, chị Thúy, ngụ tại Đức Trọng, Lâm Đồng.
Anh Diên sinh năm 1980, còn chị Thúy sinh năm 1988. Khi hỏi ra mới biết cả hai anh chị phải giấu gia đình, giả bộ đi công tác để về TP.HCM khám vô sinh.
“Hai bên nội ngoại thấy tụi mình nôn nóng có con quá bảo rằng vợ chồng mình mới cưới 2 năm, chưa có con cũng là bình thường. Tuy nhiên chỉ mình và bà xã mới biết rõ nguồn cơn”, anh Diên kể.
Anh và chị Thúy tuy mới kết hôn 2 năm nhưng trong quãng thời gian 5 năm tìm hiểu hai người đã quan hệ như vợ chồng. Mấy lần chị Thúy bị “dính” bầu ngoài ý muốn đã mua thuốc phá thai khẩn cấp về uống.
Tới lúc sự nghiệp của cả hai ổn định, ấn định ngày cưới, anh chị mới “thả”. Ai ngờ từ đó tới nay không dùng bất cứ biện pháp tránh thai nào nhưng chị Thúy vẫn chẳng thể có bầu.
“Đi khám bác sĩ nói bà xã bị dính vòi trứng. Có thể nguyên nhân do nạo phá thai nhiều lần”, anh Diên buồn bã nói.
Ngày, càng nhiều bà mẹ trẻ phải nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để có con - Ảnh: Thanh Huyền |
Trường hợp của cặp vợ chồng trẻ tuổi tên Hải, Thanh (SN 1990, ngụ tại Đồng Nai) còn “phức tạp” hơn…
Khi được hỏi sao còn trẻ vậy đã đi khám vô sinh, Thanh lí nhí nói: “Em hễ cứ đậu thai là bị sảy ngay. Đi khám bác sĩ cho biết tử cung yếu, không giữ nổi bào thai chị ạ”.
Ông xã của Thanh ngồi bên cạnh thở dài: “Hồi đó có bầu thì cuống lên đi phá. Giờ cưới nhau về muốn có con chẳng được. Khổ thế đấy!”.
Theo ý kiến của các chuyên gia y tế, có tới 75% ca nạo, phá thai dẫn tới sự tổn thương cổ tử cung.
Nó làm cổ tử cung mở sớm, yếu dần và cuối cùng là không thể mang nổi bào thai sau này.
Ngoài ra, sẽ có khoảng 10% phụ nữ sau phá thai bị dính vòi trứng dẫn tới vô sinh ở ngay giai đoạn đầu, 30% giai đoạn 2 và hơn 60% ở giai đoạn 3.
Nguy cơ dẫn tới vô sinh thứ phát của những phụ nữ đã từng ít nhất 1 lần phá thai cao gấp 3 – 4 lần những người phụ nữ khác.
Khoảng 25% phụ nữ phá thai ngay khi mang bầu lần thứ nhất thì phải rất lâu sau mới có thai tiếp và 5% – 10% sẽ bị vô sinh.
Khả năng chửa ngoài tử cung của họ cũng cao gấp 7 – 15 lần so bình thường.
Quý ông khỏe mạnh vẫn…vô sinh
Đâu phải lúc nào vô sinh cũng là tại phụ nữ. Nhiều thanh niên trai tráng, khỏe mạnh, đi khám mới biết mình không thể có con do sử dụng nhiều chất kích thích, sinh hoạt không lành mạnh.
Minh chứng cho điều đó là câu chuyện của anh Đức, sinh năm 1987, ngụ tại Bình Dương.
Hai vợ chồng anh lấy nhau được 3 năm nay mà vẫn chẳng được mụn con nào. Cả gia đình cứ đổ lỗi cho anh lấy phải cô vợ bị…“điếc”.
Trước áp lực nối dõi tông đường, hai vợ chồng anh đi TP.HCM khám vô sinh. Mẹ anh còn dọa đợt này không chữa được thì về phải cưới vợ khác.
Ngờ đâu, các kết quả xét nghiệm, kiểm tra cho vợ anh đều bình thường. Tới lượt anh mới ngã ngửa vì mật độ tinh trùng trong tinh dịch quá…ít.
Đến giờ này, anh Đức vẫn ngây người, lẩm bẩm: “Ngày xưa mình Nam chinh Bắc chiến, khiến bao nhiêu cô “dính” bầu. Vậy mà bây giờ lấy vợ lại không có con. Đúng là dao sắc không gọt được chuôi”.
Nguyên nhân dẫn tới suy yếu “tinh binh” của anh Đức chính là những cuộc ăn nhậu, rượu chè thâu đêm suốt sáng.
Bên cạnh đó anh còn nghiện thuốc lá nặng. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng làm bố.
Trường hợp khác, bước trong khoa Hiếm muộn ra, một đôi vợ chồng tuổi ngoài hai mươi mặt mũi thất thần.
Anh chồng cầm tờ phiếu xét nghiệm trên tay, miệng cứ lẩm bẩm: “Mỗi lần ra nhiều thế mà lại vô tinh là thế nào…?”.
Từ đó cho thấy, các bạn trẻ cần thận trọng, suy xét kỹ khi lựa chọn cách sống cho mình. Mọi thứ chúng ta làm trong quá khứ đều có hệ quả tới tương lai.
Theo Vietnamnet