Phạt xe không chính chủ: Có thật phạm luật?

Thứ ba, 26/03/2013, 09:45
"Không chuyển quyền sở hữu phương tiện", phải hiểu rõ ràng khi đã bỏ tiền ra mua lại chiếc xe của người khác, tức là quyền sở hữu đã thuộc về người mua lại xe, chứ không thuộc người bán xe nữa. Vì vậy, người mua lại xe phải thực hiện chuyển quyền sở hữu (từ người bán sang người mua).

Ngay sau khi đăng tải bài viết "Xe không chính chủ: Xử phạt là... phạm luật" (ngày 20/3), chúng tôi nhận được bài viết phản biện lại vấn đề đang được quan tâm này.

Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, chúng tôi xin đăng tải bài viết dưới đây.

Thật buồn cười thời gian vừa rồi, bốn Bộ chức năng ban hành một Thông tư liên tịch vội vàng, đòi "đè ra" phạt cả người đi mô tô, xe gắn máy đội mũ bảo hiểm dỏm. Trong khi Luật Giao thông đường bộ, Nghị định (NĐ) 34 và NĐ 71 (về chế tài phạt người vi phạm Luật Giao thông đường bộ), đều không có điều nào quy định chất lượng thật, dỏm, cấu tạo, hay tiêu chuẩn kỹ thuật của mũ bảo hiểm.

Chính vì vậy mà Thông tư liên tịch "thủ kho to hơn thủ trưởng" này, ban hành chưa ráo mực đã bị "tịch" luôn.

Xe không chính chủ
Người mua lại xe phải thực hiện chuyển quyền sở hữu

Nhưng trái lại, sang chuyện đã "rõ như ban ngày": Đó là xe cơ giới phải đăng ký, gắn biển kiểm soát và cơ quan chức năng chỉ cấp đăng ký, biển kiểm soát cho xe cơ giới có nguồn gốc hợp pháp (theo Luật Giao thông đường bộ, quy định tại điều 53, khoản 3 và điều 54, khoản 1).

Đồng thời, NĐ 71 nêu trên do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp ký, quy định chế tài phạt tiền người chủ xe "không chuyển quyền sở hữu phương tiện" tới 1.200.000 đồng (đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy, theo điều 1, khoản 8, mục 3, điểm e, NĐ 71); tới 10.000.000 đồng (đối với chủ xe xe cơ giới, theo điều 1, khoản 8, mục 6, điểm c, NĐ 71).

Đặc biệt, "không chuyển quyền sở hữu phương tiện", phải hiểu rõ ràng khi đã "bỏ tiền ra" mua lại chiếc xe của người khác, tức là quyền sở hữu đã thuộc về người mua lại xe, chứ không thuộc người bán xe nữa. Vì vậy, người mua lại xe phải thực hiện chuyển quyền sở hữu (từ người bán sang người mua).

Điều này hoàn toàn lô-gích với Luật Giao thông đường bộ (điều 53, khoản 3) quy định xe cơ giới phải đăng ký, gắn biển kiểm soát.

Trường hợp người mua lại xe (nêu trên) "không chuyển quyền sở hữu phương tiện", thì mới có thể gọi là "xe không chính chủ". Chứ không phải đi xe của gia đình (chồng, vợ, con...), hay đi xe thuê, đi xe mượn của bà con, bạn bè là "xe không chính chủ".

Tác giả bài viết mới "vớ chân voi đã tưởng cột đình".

Do đó, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phân biệt rất rạch ròi "xe không chính chủ" và phạt tiền người chủ xe "không chuyển quyền sở hữu phương tiện" là thực hiện, chấp hành đúng với NĐ 71 của Thủ tướng Chính phủ.

Mới đây, ngày 20/3, chúng tôi đã đăng bài viết: "Xe không chính chủ: Xử phạt là... phạm luật".

Đọc xong bài, tôi ngờ rằng tác giả bài viết chỉ đọc Luật Giao thông đường bộ, điều 58, khoản 2, điểm a, quy định người lái xe phải mang theo giấy đăng ký xe; mà bỏ qua, chưa đọc điều 53, khoản 3 (quy định xe cơ giới phải đăng ký, gắn biển kiểm soát), nên đã viết rằng:

"Không tìm thấy bất cứ 1 điều khoản nào của luật quy định nguời dân phải đăng ký quyền sở hữu đối với xe cơ giới"... Hay nói cách khác, tác giả bài viết này mới "vớ chân voi đã tưởng cột đình".

Đấy là còn chưa kể tác giả đã chụp mũ phạm luật. Vì việc cơ quan chức năng phạt tiền người chủ xe cơ giới "không chuyển quyền sở hữu", là thực hiện theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ trong NĐ 71.

Tóm lại, theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan chức năng chưa thể phạt người đi mô tô, xe gắn máy đội mũ bảo hiểm rởm. Và phải phạt người chủ xe cơ giới không chuyển quyền sở hữu -"xe không chính chủ".

Còn xung quanh việc tranh cãi về phạt xe "không chính chủ" thì giống như câu thành ngữ "cá ở dưới sông, vợ chồng thuyền chài cãi nhau".

Theo VNN

Các tin cũ hơn