Thắng đến chúi nhủi
Đây chính là than phiền nhiều nhất của cánh tài xế lái xe 4 bánh và cũng là câu chuyện phổ biến, dễ gặp nhất ở TP.HCM. Đoạn đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh hướng ra Hàng Xanh) cho phép xe chạy 80 km/giờ nhưng đến đoạn lên cầu vượt ngã tư Hàng Xanh vừa đưa vào sử dụng gần đây chỉ còn 40 km/giờ mà trước đó không có biển báo giảm tốc độ.
“Do thay đổi tốc độ đột ngột, khi tôi điều khiển xe đến đây phải thắng chúi nhủi mà vẫn vượt quá tốc độ cho phép”, anh Nguyễn Văn Thanh (ngụ Q.1) nói.
Cũng giảm phân nửa tốc độ là đoạn đường dẫn Võ Văn Kiệt vào QL1. Trong khi đường Võ Văn Kiệt cho phép xe chạy với tốc độ 60 km/giờ (dù thiết kế đến 80 km/giờ) thì khi đến đường dẫn cầu vượt vào QL1 thì đột ngột giảm chỉ còn 30 km/giờ.
Cũng trên đoạn đường này, làn đường dành cho xe 2 bánh gắn máy từ hầm Thủ Thiêm đến cầu Lò Gốm không có biển báo tốc độ. Nhưng từ cầu Lò Gốm đến QL1 có biển báo 40 km/giờ, lái xe mà không chú ý là dính biên bản.
Chưa hết, đường Võ Văn Kiệt thông suốt toàn tuyến quy định tốc độ cho xe 4 bánh là 60 km/giờ. Nhưng một đoạn ngắn từ An Bình đến Huỳnh Mẫn Đạt, đường Võ Văn Kiệt (hướng QL1 về hầm Thủ Thiêm) chỉ cho chạy 40 km/giờ.
Khó chịu nhất là ở xa lộ Hà Nội dù được mở rộng từ 48 m lên 113,5 - 153,5 m (tùy đoạn) và theo thiết kế cho xe chạy đến 80 km/giờ, nhưng có đoạn, có đến cả chục làn xe nhưng biển báo chỉ cho chạy với tốc độ 30-50 km/giờ (tùy phương tiện, tùy đoạn đường).
Anh Lê Văn Thương bức xúc: “Quy định tốc độ như thế khác nào cái bẫy. Nếu chạy đúng tốc độ này thì cần gì đầu tư làm đường cho tốn tiền?”.
|
Rẽ mỗi nơi mỗi kiểu
Hiện nay, tại nhiều giao lộ ở TP.HCM, để giảm tải lượng xe ứ đọng tại các giao lộ, Sở GTVT cải tạo lại mặt đường, thiết kế các tiểu đảo tách làn xe rẽ phải cho đi vào làn đường riêng. Khi hình thành tiểu đảo, đèn tín hiệu lưu thông vẫn ở chỗ cũ tức là trên tiểu đảo và trước dòng xe rẽ phải. Tuy nhiên, việc xử phạt mỗi nơi mỗi khác.
Tại giao lộ Võ Thị Sáu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lai - Nguyễn Thái Học (Q.1), Trần Quốc Toản - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3) xe 4 bánh, 2 bánh có thể rẽ phải theo các tiểu đảo này bất kể lúc nào. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều lái xe, tại giao lộ 3 Tháng 2 - Lý Thường Kiệt, Tây Thạnh - Trường Chinh... khi đèn đỏ, xe rẽ phải vào tiểu đảo này bị thổi phạt lỗi vượt đèn đỏ.
Luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật) phân tích: Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định đèn tín hiệu, biển báo đặt bên tay phải chiều đường xe lưu thông nhằm điều khiển các luồng giao thông tính từ phạm vi cột đèn ra giao lộ.
Ở đây, các đường rẽ nhánh có vị trí rẽ trước cột đèn, vì thế lưu thông tại đường rẽ này không phụ thuộc vào cột đèn tín hiệu (chỉ hiệu lực cho xe đi thẳng).
Cơ quan chức năng mở các đường nhánh rẽ này trước khi vào giao lộ nhằm giải tỏa nhanh các phương tiện giao thông dừng khu vực này, hạn chế kẹt xe. Tuy nhiên cách hiểu và phạt của phía CSGT không đúng, làm mất ý nghĩa to lớn kia nên cũng giảm hiệu quả giải tỏa ùn ứ.
Cũng có ý kiến cho rằng, theo quy định đèn tín hiệu, biển báo đặt bên tay phải chiều đường xe lưu thông. Như vậy, trong trường hợp này đèn tín hiệu nằm bên tay phải chiều xe đi thẳng và bên tay trái làn xe rẽ phải nên không có hiệu lực với xe rẽ phải.
Cong cong nhớ xi nhan
Lỗi quên xi nhan là lỗi phổ biến mà nhiều người gặp phải. Nhưng nếu bị phạt lỗi này ở những giao lộ rõ ràng thì còn dễ hiểu; đằng này, ở một số nút giao nhau khó nhận biết "là đang đi thẳng hay rẽ", nhiều người đi đường ngơ ngác vì bị nhắc nhở, nộp phạt vì “quên xi nhan”.
Cụ thể, cầu chữ Y hướng từ Q.5 về Q.8, khi đến giữa cầu có một nhánh rẽ phải sang đường Hưng Phú. Nếu rẽ phải, bật đèn xi nhan thì bình thường.
“Nhưng đến đây đi thẳng tiếp (không rẽ phải) thì nhớ bật đèn xi nhan trái. Tương tự, chiều ngược cũng phải xi nhan chỗ khúc cong, cho dù chỉ có một nhánh thẳng tuột. Tui bị phạt ở đây một lần mới biết. Dù bị phạt nhưng tui vẫn ấm ức, có một chút cong cong như thế mà cũng bắt lỗi xi nhan”, anh Mai Văn Hậu (ngụ Q.8) nói.
Một số tài xế cảnh báo nhau ở ngã năm công viên Gia Định (Q.Gò Vấp): hướng từ Nguyễn Kiệm ra Hoàng Minh Giám, hướng Nguyễn Thái Sơn rẽ phải vào Hoàng Minh Giám phải nhớ bật đèn xi nhan dù thấy giống như là đi đường thẳng.
Ngã năm Ngô Gia Tự, Hồng Bàng, Ngô Quyền cũng vậy. Từ Ngô Gia Tự vào Hồng Bàng không mở đèn xi nhan là bị phạt ngay. Nhiều người thắc mắc hướng lưu thông này gần như là đường thẳng sao phải mở đèn thì được CSGT giải thích đây là lỗi không bật xi nhan khi đổi làn (!). Lỗi không đổi làn này nhiều người thường mắc phải, nhất là xe 2 bánh khi chuyển từ làn này sang làn khác (có vạch đứt đoạn) thường ít xi nhan nên dễ bị thổi phạt.
Một bác tài còn truyền đạt kinh nghiệm một cách hài hước là từ Nguyễn Văn Linh ra QL1, khi ôm bùng binh phải để xi nhan dài hơi như ca vọng cổ; khi trả lái xe 4 bánh, đèn xi nhan tự động tắt thì phải bật lại ngay, chỉ đến khi nào xe nhập làn, chạy ổn định rồi mới được tắt xi nhan nếu không muốn dừng xe làm việc với CSGT.
Chỉ có nước bay lên trời mới không vi phạm Đường Trường Sơn (cư xá Bắc Hải) cho phép xe trên 2 tấn lưu thông nhưng bảng chỉ dẫn không hợp lý. Cụ thể, xe tải trên 2 tấn đang chạy bon bon đến giao lộ Trường Sơn - CMT8 (Q.3, Q.Tân Bình) thì gặp ngay bảng cấm xe trên 1,5 tấn rẽ trái, rẽ phải (trước đó không có biển báo hiệu hoặc chỉ dẫn hướng đường bắt buộc cho xe tải lưu thông). Như vậy, xe tải trên 2 tấn lưu thông vào đây, đến giao lộ trên chỉ có nước bay lên trời hoặc buộc phải vi phạm luật giao thông bằng cách quay đầu (cấm rẽ trái là cấm quay đầu) tìm đường thoát thân. |
Theo Thanhnien