Đó là những tâm sự của các em học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn thành phố trong buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM ngày 22/3.
Một học sinh đang chia sẻ với lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM. Ảnh TN |
Cướp giật, hút chích xâm nhập học đường
Nguyễn Thị Hồng Vân, học sinh Trường THPT Phạm Văn Sáng, huyện Hóc Môn cho biết, do trường mới xây dựng lại nằm ở vùng ngoại thành nên có rất nhiều tệ nạn xã hội. Cứ vào giờ học hay giờ ra chơi, nhìn ra ngoài cửa sổ là có thể bắt gặp các đối tượng xấu đang hút chích. Vì đang là tuổi mới lớn nên với những động tác ấy khiến học sinh bắt chước dễ dàng.
“Chưa kể, do không được mang ba lô đến trường mà phải mang cặp sách nên chúng em hay để trước giỏ xe đạp. Vì thế đã có hàng loạt các bạn nữ khi đi ngang qua các khu đường vắng thường bị giật mất cặp. Đã có nhiều bạn bị té ngã, nặng thì phải nhập viện, nhẹ cũng trầy xước cả chân tay. Tình trạng này kéo dài đến giờ vẫn chưa chấm dứt khiến chúng em rất hoang mang”, em Vân lo lắng.
Ở Trường THPT Tân Phong, Q.7 tình trạng tệ nạn xã hội cũng diễn ra khá phức tạp. Một học sinh của trường này (chúng tôi không tiện nêu tên) cho hay, đã từng chứng kiến rất nhiều vụ đánh nhau trong trường. Học sinh sẵn sàng mang hung khí tới ẩu đả sát thương như phim chưởng.
Không riêng gì học sinh mà ngay cả một số các cán bộ nhân viên tại trường Tân Phong cũng thường nói những lời lẽ không hay trong cách dạy dỗ các em.
“Một lần em đi học trễ bị giám thị bắt. Chưa cần biết học lực của em thế nào, bác ấy đã nạt: Mày học ngu như bò mà còn đi trễ nữa. Thậm chí ngay cả thầy cô cũng thường mắng: Mày học còn chưa xong theo công tác đoàn làm gì?
Hôm nay em đi trao đổi với lãnh đạo thế này, em phải bỏ 2 bài kiểm tra 1 tiết, thế nào về cũng bị chửi nữa. Hiệu trưởng trường cũng không quan tâm luôn, không bao giờ gặp được hiệu trưởng, muốn trao đổi gì phải thông qua trợ lý thanh niên…”, học sinh này bức xúc nói.
Nguy hiểm hơn, nhiều học sinh bị lôi kéo vào những “thú chơi” chết người như hút shisha. Nguyễn Minh Phú, học sinh Trường THPT Phước Long, Q.9 chia sẻ, ở xung quanh trường Phú học có rất nhiều cửa hàng phục vụ hút shisha chèo kéo giới trẻ.
Hút loại này không khác gì nghiện ma túy, giá một bình shisha chừng 110.000 – 150.000 đồng dành cho 5 – 6 người. Vì thế có những bạn trót nghiện shisha, có tháng tiêu đến bạc triệu.
Chưa kể, đêm nào cũng lang thang ở các quán shisha trong khu vực thì còn thời gian đâu mà học hành. Mặc dù tất cả đều biết hút shisha rất có hại cho sức khỏe, nhất là hại não và có thể bất tỉnh. Nguy hiểm như vậy nhưng không thấy ai cấm cả?
Sở GD-ĐT hứa sẽ trực tiếp làm việc với lãnh đạo trường
Đáng báo động hơn, tệ nạn còn xâm nhập vào trường học qua con đường sách, mạng internet. Trong khi, đây là những thứ mà học sinh luôn tiếp cận hàng ngày.
Theo Phạm Quỳnh Bảo Châu, học sinh Trường THPT Hùng Vương, Q.5, hầu hết các bạn trong trường đều sử dụng mạng internet. Song, có quá nhiều thông tin thật, giả lẫn lộn khiến học sinh luôn hoang mang và không nắm được những thông tin chính thống.
“Khó hiểu hơn là ngay cả đến sách cho học sinh học cũng còn nhiều sạn, khi có cuốn in hẳn cờ không phù hợp trong lúc vấn đề biển, đảo rất nhức nhối. Chúng em cần lắm có người giới thiệu những cuốn sách hay nói về Bác Hồ như cuốn Búp sen xanh. Và trăm nghe không bằng một thấy đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Vì thế, chúng em rất muốn có một chuyến đi ra đó để khám phá”, Hà Nam Khánh Giao, Trường THPT Lê Hồng Phong, Q.5 chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng, hiện sách tham khảo bán tràn lan, biên tập cẩu thả, chỉ in cái mác nhà xuất bản vào đó. Nhưng thực tế, nhiều nhà xuất bản còn chẳng biết nội dung trong đó ghi những gì. Vì vậy, các em cần phải chọn lọc thông tin trước khi đọc, hay có thể tham khảo ý kiến của các thầy cô, người lớn để có được những cuốn sách hay.
Ông Chương cho biết thêm, tất cả các câu hỏi, thắc mắc của học sinh sẽ được xử lí ngay bằng cách trao đổi về với lãnh đạo các trường học. Trong thời gian tới, ít nhất 1 năm hiệu trưởng mỗi trường phải có 1 lần gặp gỡ với học sinh để trao đổi, giải quyết những vướng mắc của các em.
Theo Infonet