Hồ Don Juan nằm ở Thung lũng khô McMurdo ở Nam Cực, hàm lượng muối của nó cao hơn 8 lần so với Biển Chết. Chính vì thế, hồ không bị đóng băng cho dù nó nằm ở một trong những nơi lạnh nhất và khô nhất trên trái đất.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng những bức ảnh time-lapse (kỹ thuật làm video giúp "rút gọn thời gian" cho người xem) để quan sát nước bốc hơi do không khí khô và muối giữ cho nước hồ không bị đóng băng.
Hồ Don Juan mặn nhất thế giới.
James Dickson, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết trên tạp chí Scientific Reports: "Chúng tôi đã chụp 16.000 bức ảnh trong suốt hai tháng. Chúng tôi so sánh hình ảnh tại những thời điểm khác nhau để quan sát dòng chảy của nước. Và hồ Don Juan đã tự kể câu chuyện riêng của mình".
Những hình ảnh cho thấy mực nước trong hồ tăng lên trùng với thời điểm nhiệt độ trong ngày tăng. Điều này có nghĩa là, nhiệt độ ấm lên vào giữa ngày khiến tuyết tan chảy vào hồ. Tuy nhiên, điều này không giải thích được tại sao trong hồ lại chứa hàm lượng muối cao đến vậy.
Nhóm nghiên cứu đã tìm một nguồn nước khác và phát hiện một khe trầm tích mềm xốp ở phía tây của hồ. Những bức ảnh cho thấy mỗi khi độ ẩm tương đối trong không khí tăng vọt, muối trong đất hấp thụ không khí ẩm. Sau đó, muối ngậm nước ngấm vào tầng đất xốp, đi tới tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở bên dưới. Quá trình tuyết tan sẽ đem muối qua khe vào hồ.
Điều đáng nói nhất là ảnh chụp ở hồ Don Juan có đặc điểm rất giống những hình ảnh được gửi về từ sao Hỏa. Thế nên, các nhà khoa học tin rằng trên hành tinh Đỏ cũng sẽ có những dòng nước muối tương tự.
"Nói chung, đặc điểm thủy văn ở hồ Don Juan tương tự như trên sao Hỏa. Rất có thể hành tinh Đỏ đã tạo ra rất nhiều những hồ nước dạng này”, Dickson cho biết.
Theo Kienthuc