Đóng cửa chợ Tôn Thất Đạm

Thứ ba, 26/03/2013, 13:55
UBND quận 1 - TP.HCM ra thông báo đến ngày 15/6 sẽ chấm dứt hoạt động chợ Tôn Thất Đạm.

Từ kế hoạch của UBND quận 1 - TP.HCM, UBND phường Bến Nghé vừa có thông báo đến 215 tiểu thương có quầy sạp kinh doanh tại khu vực chợ Tôn Thất Đạm (còn gọi là chợ Cũ, nằm trên đường Tôn Thất Đạm) về việc chấm dứt kinh doanh tại chợ này vào ngày 15/6.

Chợ Tôn Thất Đạm
Các tiểu thương tại chợ Tôn Thất Đạm mong được chính quyền hỗ trợ khi chợ này đóng cửa

Tiểu thương băn khoăn

Tồn tại hơn 30 năm, nay chủ trươngdi dời chợ đã khiến không ít tiểu thương băn khoăn. Bà Nguyễn Thị Định, chủ sạp 100B, kinh doanh mặt hàng bánh kẹo và đồ hộp tại chợ Tôn Thất Đạm, lo lắng: “Nếu ngày 15/6, chợ ngưng kinh doanh có nghĩa là tụi tôi chỉ còn được buôn bán 3 tháng nữa. Thời gian quá gấp làm sao xoay xở kịp trong khi hàng hóa ở đây đều lấy số lượng lớn nên không thể bán hết trong thời gian ngắn”.

Nguyện vọng mà bà Đào mong muốn là UBND quận 1 lùi việc di dời chợ thêm một thời gian nữa để tiểu thương có kế hoạch tìm nơi mới buôn bán, thậm chí lên kế hoạch chuyển đổi ngành nghề kinh doanh.

Chỉ vào lô quần áo vừa lấy từ các đầu mối về, chị Bảo Hà (chủ sạp 67A) rầu rĩ: “Tôi vừa bỏ ra cả trăm triệu đồng để mua số hàng này. Nếu phải ngưng kinh doanh, chắc chỉ còn cách ôm hàng mà nhìn!”.

Cũng như chị Hà, ông Võ Văn Tài, kinh doanh mặt hàng quần áo tại chợ, đề nghị UBND quận 1 kéo dài thời gian di dời chợ đến năm 2015. Nếu di dời vào thời điểm này, tiểu thương sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, hầu hết tiểu thương cũng thắc mắc vì sao quận không có phương án bố trí cho họ vào kinh doanh ở các chợ khác trên địa bàn?

Sẽ có phương án hỗ trợ

Ông Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết chủ trương di dời chợ Tôn Thất Đạm đã được UBND quận 1 lên kế hoạch từ năm 2009, trên cơ sở thông báo chỉ đạo của UBND TP về việc di dời các chợ tạm đang kinh doanh, buôn bán trên lòng lề đường.

Theo ông Kiên, chợ Tôn Thất Đạm là 1 trong 3 chợ nằm trong danh sách phải giải tỏa trắng vì nằm trên lòng đường, gây mất trật tự đô thị (giai đoạn 2009 - 2015), gồm chợ Nguyễn Văn Tráng (phường Bến Thành), chợ Nancy (phường Cầu Kho) và chợ Tôn Thất Đạm (phường Bến Nghé).

Trong 3 chợ này, UBND quận 1 tổ chức giải tỏa chợ Tôn Thất Đạm trước để bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông và đặc biệt là tạo thông thoáng cho cơ sở 2 của Trường Tiểu học Hòa Bình hiện đang nằm trên tuyến đường này.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ cho tiểu thương nếu ngưng kinh doanh tại chợ, ông Kiên cho biết UBND quận 1 đã có văn bản xin UBND TP xem xét và quận đang chờ TP có ý kiến chính thức.

Theo quy định, những chợ kinh doanh mà không có nhà lồng, các hộ tự trang bị quầy sạp thì khi giải tỏa sẽ không được hỗ trợ hay bồi thường.

Tuy nhiên, do chợ Tôn Thất Đạm là chợ hoạt động lâu đời nên UBND quận 1 đã chủ động đề xuất UBND TP xem xét cho quận được xây dựng chính sách hỗ trợ khi di dời.

Cụ thể, UBND quận 1 đã xây dựng phương án hỗ trợ di dời cho tiểu thương theo Quyết định 06 của UBND TP (ngày 27/1/2007) quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí khi di dời, chấm dứt hoạt động hoặc cải tạo, đầu tư xây dựng lại chợ theo quy hoạch trên địa bàn TP.

“Chậm nhất đầu tháng 4, quận 1 sẽ thông báo cụ thể phương án hỗ trợ này đến tiểu thương nếu được UBND TP thông qua” - ông Kiên nói.

Riêng đề xuất của tiểu thương là quận phải bố trí nơi kinh doanh mới sau khi giải tỏa, ông Kiên cho biết việc này không thuộc thẩm quyền của quận, nếu tiểu thương có nhu cầu thì quận phải xin ý kiến Sở Công Thương.

Đã thông báo nhiều năm trước

Trước việc tiểu thương phản ánh thời gian di dời quá gấp, chỉ có 3 tháng kể từ ngày ra thông báo, ông Phạm Thành Kiên cho biết: “Chủ trương cũng như kế hoạch di dời chợ đã được UBND quận 1 và UBND phường Bến Nghé thông báo đến tiểu thương từ những năm trước.

Tiểu thương cũng đã vài lần xin quận cho gia hạn thời gian di dời nên việc tiểu thương nói mới nghe lần đầu thông tin di dời hay thời gian di dời quá gấp là không chính xác!”.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn