Câu chuyện nhường sự sống cứu 5 người của anh Trần Hữu Hiệp (25 tuổi, trú xã Thạch Long, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) trong vụ chìm tàu chở 30 người khiến 9 người bị mất tích đã gây xúc động với người dân trên cả nước.
Bố anh Hiệp xót xa nói về người con dũng cảm nhường sự sống cho người khác. |
Khi canô bị chìm, anh Trần Hữu Hiệp lúc đó còn khỏe, lại đang mặc áo phao, thấy nhiều người còn trôi nổi giữa biển, Hiệp đã kéo được 4 người về phía phần nổi của chiếc ca nô.
Đến người thứ 5, khi đã đuối sức, Hiệp bèn cởi chiếc áo phao đang mặc nhường cho người phụ nữ mang thai. Ngay lúc đó, một cơn sóng đánh anh văng ra xa. Hiệp lấy sức bơi vào, thêm một đợt sóng nữa, cơn sóng này đã cuốn anh đi xa mãi.
Ông Nguyễn Duy Kiên cho hay: "Đương nhiên phải phong danh hiệu liệt sĩ cho anh Hiệp. Đó là hành động dũng cảm mà trong quy chế đã quy định rất rõ. Cục sẵn sàng hướng dẫn địa phương hoàn tất thủ tục để sớm xét tặng danh hiệu liệt sĩ cho anh Hiệp".
Ông Kiên nói thêm, về việc có truy tặng danh hiệu anh hùng cho anh Hiệp không thì phải phụ thuộc vào đề xuất của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có danh hiệu anh hùng trong lực lượng vũ trang nhân dân; anh hùng công an nhân dân; anh hùng lao động... chứ chưa có danh hiệu anh hùng nào khác.
Trong trường hợp của anh Hiệp, ông Kiên cho biết có thể đề xuất phong tặng huy chương hoặc huân chương dũng cảm cứu người.
Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định rõ tại: Khoản 1 Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau: “1. Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công" thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu; b) Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch; c) Hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh; d) Làm nghĩa vụ quốc tế; đ) Đấu tranh chống tội phạm; e) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân; g) Do ốm đau, tai nạn khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; h) Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao; i) Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm; k) Thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 của Pháp lệnh này chết vì vết thương tái phát; I) Người mất tin, mất tích trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản này.” |
Theo Đất Việt