Bộ Giao thông lập tổ điều tra đặc biệt vụ tàu bị chìm

Thứ ba, 06/08/2013, 10:05
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, tổ điều tra đặc biệt do Thứ trưởng Nguyễn Văn Công lãnh đạo có nhiệm vụ làm rõ nguyên nhân vụ chìm tàu làm 9 người thiệt mạng và các đơn vị liên quan phải báo cáo vụ việc chậm nhất là 20/8.

Ngày 5/8, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan chức năng về công tác tìm kiếm cứu nạn và nguyên nhân vụ chìm tàu H29 BP vào 20h ngày 2/8 trên vùng biển Cần Giờ, TP.HCM.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Thăng chỉ đạo điều tra làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của các cơ quan có liên quan nhằm rút kinh nghiệm để không xảy ra tai nạn tương tự. Người đứng đầu ngành giao thông đã quyết định thành lập ngay một Tổ điều tra đặc biệt do Thứ trưởng Nguyễn Văn Công làm Tổ trưởng để điều tra vụ việc.

Bộ trưởng Thăng yêu cầu các cơ quan báo cáo kiểm điểm trách nhiệm cung cấp thông tin khi có sự cố xảy ra; điều tra làm rõ nguyên nhân tai nạn liên quan đến công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, điều tra làm rõ trách nhiệm của 2 lái tàu cùng xuất bến khi biết có báo hiệu tàu H29 BP bị nạn mà không dừng lại ứng cứu.

Các cơ quan, đơn vị có liên quan đến vụ tai nạn phải báo cáo vụ việc chậm nhất đến ngày 20/8/2013.

chìm tàu, Cần Giờ
Cứu nạn tàu bị chìm trên biển Cần Giờ. Ảnh: PV

Theo đánh giá của Bộ giao thông, nguyên nhân vụ tai nạn do phương tiện chở quá số lượng người cho phép và hành trình trong điều kiện thời tiết xấu do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam.

Về trách nhiệm để xảy ra vụ việc là do đơn vị sửa chữa tàu là Công ty Cổ phần Việt – Séc đã tự ý đưa phương tiện vào chở khách, không làm các thủ tục khai báo xin phép cho tàu xuất bến với các cơ quan chức năng theo quy định.  

Ngoài ra, Công ty CP sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam tự ý tiếp nhận phương tiện vào bến thuỷ nội địa để đưa đón cán bộ công nhân viên của Công ty về Vũng Tàu không thông báo cho các cơ quan chức năng.

Bộ GTVT xác định tàu H29 BP được đăng kiểm Hải quân cấp giấy chứng nhận. Theo quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế,  tàu biển phải được thiết kế và đóng theo tiêu chuẩn và quy phạm được công nhận; trong đó đặc biệt quan trọng là tiêu chuẩn về vật liệu và quy cách kết cấu thân tàu. Nhưng đối với tàu composite hiện chưa có tiêu chuẩn này.

Đối với vật liệu PPC là vật liệu nhẹ, khác với các loạt vật liệu đóng tàu truyền thống, nên trong thiết kế tàu cần phải có sự quan tâm đặc biệt đến tính ổn định, nhất là trong điều kiện thời tiết xấu.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, tàu H29 BP thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được Phòng Đăng kiểm Hải quân cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện ngày 16/7.

Tàu dài 8,5m, rộng 2,29m, trang bị máy công suất 200HP, vỏ composite đóng năm 2013, được phép chở tối đa 12 người hoạt động trong vùng sông vịnh, được sử dụng làm công dụng tuần tra.

Theo VNE

Các tin cũ hơn