Đây là một trong những ý kiến, băn khoăn được đưa ra tại hội thảo “Tham vấn về dự án luật Việc làm” do UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 5/8 với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước trong lĩnh vực lao động, việc làm.
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi (đứng) nhấn mạnh chính sách hỗ trợ tạo việc làm trong dự thảo luật. |
Góp ý nhiều điều khoản trong dự luật Việc làm (bản dự thảo mới nhất vừa hoàn thành sau khi chỉnh lý, tiếp thu nhiều ý kiến thảo luận từ Quốc hội trong kỳ họp thứ 5 vừa qua), Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi thẳng thắn nhận định, các quy định mới chỉ tập trung giải quyết vấn đề bảo hiểm thất nghiệp, còn điều khoản khác chỉ mang tính “tuyên ngôn”. Dự thảo luật lần này đã co hẹp dần nhiêu điều khoản cần thiết đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Ông Lợi phân tích từ vấn đề, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam qua các năm đều giảm, ngày càng thấp, dù khủng hoảng kinh tế tác động. Nhưng thực tế, số người thất nghiệp được tính theo cách loại trừ những người có công việc có thu nhập theo bất cứ hình thức nào mà pháp luật không cấm.
Theo ông Lợi, quan niệm như thế này đã loại trừ tất cả các trường hợp thất nghiệp dù sự thực, nhiều người có việc làm mà thu nhập dưới cả mức chuẩn nghèo, mức trợ cấp xã hội mà vẫn được tính là “có việc làm”.
Vậy nên mới có việc dù tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất thế giới (như năm 2013 chỉ… 2%) nhưng Việt Nam vẫn mãi là một nước nghèo. Điều đó, theo ông Lợi, chỉ có thể lý giải được là người lao động vẫn “có việc”, vẫn “làm ra tiền”, nhưng số tiền kiếm được lại dưới mức chuẩn nghèo. Thu nhập không thể nuôi sống bản thân mà gọi là “có việc làm”, ông Lợi cho là bất hợp lý.
Vấn đề bảo hiểm thất nghiệp, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng chỉ mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động có hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong vai trò một tổ chức tham vấn để xây dựng dự luật, chuyên gia việc làm của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) - bà Makiko Matsumoto cũng nhận xét chưa thấy đề cập cần có một cơ chế phối hợp liên ngành trong chương quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm.
Bà Makiko cho rằng, bản dự thảo luật nêu lên các yếu tố của chính sách việc làm nhưng không đề cập đến việc thực thi chính sách này như một nỗ lực thường xuyên trong việc phối hợp với các chính sách liên quan không thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.
Cụ thể như chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm có nêu lên các vấn đề: nguồn vốn, nhóm đối tượng thụ hưởng, điều kiện vay vốn và chi tiết cách tiếp cận tín dụng và quản lý nhưng lại “bỏ ngỏ” hướng “theo quy định của Thủ tướng”. Theo bà Makiko Matsumoto, nội dung này chưa thấy quy định điều kiện hoàn trả vốn vay; trong trường hợp không trả được nợ thì sẽ xử lý thế nào; cơ quan nào sẽ quản lý và cấp tín dụng…
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi phân tích, chính sách hỗ trợ tạo việc làm có vai trò vô cùng quan trọng, có thể coi là xương sống của dự luật. Cơ quan soạn thảo xây dựng 6 nhóm chính sách hỗ trợ tạo việc làm, bao gồm: tín dụng tạo việc làm; hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho lao động nông thôn; hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; chính sách việc làm công và hỗ trợ phát triển thị trường lao động.
Qua lần chỉnh lý, dự thảo luật lần này bổ sung thêm một số quy phạm nhằm cụ thể hóa 3 nhóm chính sách về tín dụng ưu đãi tạo việc làm, hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho người lao động khu vực nông thôn và chương trình việc làm công.
Trong đó, cơ quan soạn thảo cụ thể hóa về Quỹ quốc gia giải quyết việc làm – với tính chất là cơ chế tài chính chủ đạo có mục đích trực tiếp hỗ trợ, duy trì và tạo việc làm cho người lao động, người sử dụng lao động.
Bên cạnh đó cũng có điều khoản quy định mang tính nguyên tắc về cho vay ưu đãi tạo việc làm từ các nguồn tín dụng khác nhằm huy động rộng rãi nguồn vốn tạo việc làm.
Để khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp về đối tượng vay vốn ưu đãi giữa các chương trình tín dụng có mục đích cho vay mở rộng sản xuất, kinh doanh với nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm (có mục đích trực tiếp hỗ trợ, duy trì và tạo việc làm), dự thảo đã quy định về đối tượng vay vốn (Điều 12) và điều kiện vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm (Điều 13) theo hướng xác định rõ đối tượng được vay ưu đãi, đối tượng ưu tiên vay vốn ưu đãi, mức ưu đãi kèm theo các điều kiện c.
Dự án Luật Việc làm gồm 6 chương, 78 điều, quy định các vấn đề như: phát triển việc làm, phát triển kỹ năng nghề, dịch vụ việc làm, tuyển, đăng ký sử dụng lao động và bảo hiểm việc làm…. Luật Việc làm được xây dựng nhằm khắc phục những khoảng trống trong Bộ luật Lao động hiện hành khi mới chỉ điều chỉnh đối với khu vực có quan hệ lao động chiếm khoảng 33% lực lượng lao động làm công ăn lương. 67% số lao động còn lại vẫn… bỏ ngỏ. Trong bối cảnh mỗi năm Việt Nam có hơn 1,2 triệu người vào độ tuổi lao động, tỷ lệ lao động đang cao hơn tỷ lệ phụ thuộc là điều kiện thuận lợi, nhưng cũng là thách thức, Luật việc làm được xây dựng với mong muốn điều chỉnh đối tượng lao động ở nông thôn, khu vực lao động phi kết cấu, người giúp việc gia đình… Đây là những đối tượng yếu thế cần được quan tâm điều chỉnh. |
Theo Danviet