Dưới cơn mưa tầm tã sau bão Jebi, bên ấm nước chè nóng trong ngôi nhà ở ngõ 444 Thụy Khuê (Tây Hồ), ông Nguyễn Thế Đoán thong thả kể về nghề làm giấy của dòng họ. Theo nghệ nhân sinh năm 1935 này, tổ tiên của ông bắt đầu làm giấy tiến vua từ thời Hậu Lê đầu thế kỷ 15. Thời đó, mọi sách sử, ghi chép đều phải do người trong hoàng thân nắm giữ, đảm bảo bí mật quốc gia.
Ông Nguyễn Thế Đoán kể về nghề giấy tiến vua đầy tự hào. Ảnh: Nguyễn Hòa |
Với kỹ nghệ làm giấy từ trước đó ở làng giấy truyền thống Yên Thái, lại là dòng dõi quan thần của triều đình nên dòng họ Lê Thế được giao nhiệm vụ làm giấy cho hoàng cung dùng. "Hết thời vua Lê Trang Tông, đến thời kỳ nhà Nguyễn lên ngôi, dòng họ tôi từ bỏ nghề làm giấy cung tiến vua và phải đổi tên thành Nguyễn Thế”, ông Đoán kể về lý do đổi sang họ Nguyễn Thế và duy trì cho đến bây giờ.
Ông Đoán cho biết, giấy này chỉ người trong dòng họ mới nắm rõ bí quyết và chỉ cháu đích tôn mới được truyền nghề. Tuy nhiên, ông cũng nói sơ qua một số kỹ năng làm nghề. Công đoạn đầu tiên là phải chọn được cây tốt làm giấy.
6 loại cây có thể dùng để sản xuất giấy Yên Thái là: dó, bo, cãnh, dướng, canh, mộc. Trong đó, cãnh là tốt nhất vì sẽ cho sợi óng, mịn và dai như tơ tằm. Loại cây này mọc ở vùng rừng núi, cây càng nhỏ chất lượng càng tốt.
Nguyên liệu cãnh không phong phú bằng dó nên người thợ dùng dó thay thế mà chất lượng vẫn đảm bảo độ bền, dai. Tuy nhiên, nếu dùng dó thì phải phân lớp, dùng từ lớp vỏ thứ ba trở vào. Nếu tận dụng hai lớp vỏ ngoài, mẻ giấy sẽ hỏng. Vỏ cây dó được ngâm vào nước cho đến khi những tạp chất mục nát, sau đó vớt ra và ngâm tiếp với nước vôi loãng khoảng nửa buổi.
Sau quá trình ngâm, sợi vỏ cây sẽ được cho vào cối đá to, giã liên tục cho thật nhuyễn thành thứ bột quánh mịn, rồi cho vào đồ hoặc hấp, luộc. Ông Đoán khẳng định, việc đồ vỏ cây là tốt nhất, vì “tránh được hiện tượng dưới nhão, trên khô. Hơi sẽ xâm nhập đều đến các tế bào vỏ cây”.
Tiếp đó những khối bột được thả vào tàu xeo giấy. Đây là bể nước có pha sẵn loại keo bằng nhựa cây mò lấy từ vùng Phú Thọ, Thái Nguyên. Nhựa cây này sẽ tạo ra độ bóng và trơn rất đặc biệt cho giấy. Nếu vò nhàu giấy có nhựa cây này thì khi vuốt ra sẽ phẳng phiu. Người xeo giấy phải đảm bảo tờ giấy mỏng đều, mịn và mặt phải trơn. Điều này đòi hỏi bàn tay tài hoa của nghệ nhân, mà theo ông Đoán “làm dâu Nguyễn Thế là phải giỏi việc này”.
Khi hoàn thành, tờ giấy trông như tấm lụa màu hanh vàng, các sợi tơ dài và óng đan xen nhau tạo ra độ bền và chắc. Giấy rất nhẹ, không mục nát, không bị mối mọt và độ ẩm rất thấp.
"Đến giờ những chiếc quạt giấy ở làng nghề Thạch Thất vẫn còn dư lại chứng tích làm giấy xưa. Với 4-5 lần quét keo lên mặt, một chiếc quạt giấy có thể dùng được đến hết đời người. Hoặc những sách kinh vẫn còn được lưu truyền trong các nhà chùa”, ông Đoán khẳng định sức sống mãnh liệt của giấy làng nghề.
Do không đủ nước làm giấy, cây cãnh, nguyên liệu làm giấy được dòng họ Nguyễn Thế ưa chuộng nhất, giờ chỉ xếp một xó. Ảnh: Nguyễn Hòa. |
Quá trình làm giấy đòi hỏi nhiều nước. Thường thì làng Yên Thái lấy nước ở sông Hồng, bên kia đê chợ Bưởi. "Vì thế để theo nhà vua, các cụ chuyển từ Thanh Hóa ra và mua đất ở đây làm giấy. Không phải ngẫu nhiên dòng họ cũng như làng Yên Thái chọn địa điểm làng Bưởi để nuôi nghề. Lý do quan trọng nhất chính là ở gần các con sông lớn”, ông Đoán giải thích.
Nghệ nhân cho biết thêm, tất cả sử sách thời Hậu Lê đều do dòng họ Nguyễn Thế đảm nhiệm. "Số lượng cung tiến giấy khá nhiều, cả đời những người Lê Thế dưới thời Hậu Lê chỉ làm mỗi việc ấy mà không được nghỉ ngơi là bao”, ông cho biết thêm.
Đến thời nhà Nguyễn, dòng họ không làm giấy cho vua nữa, những trưởng lão định cư ở làng Bưởi và truyền nghề cho lớp con cháu. Ông Đoán là người duy nhất được nắm giữ bí quyết pha chế làm giấy.
Năm 1971, ông Đoán làm cho Xí nghiệp in của báo Hà Nội mới. Với bàn tay khéo léo, ông có thể cắt giấy bằng dao xén rất thẳng mà không cần đến máy cắt. Đến năm 1991, ông nghỉ hưu, ấp ủ hy vọng thắp sáng nghề làm giấy truyền thống. Lúc đầu ông định hợp tác với Cục di sản văn hóa, sau đó ông đổi ý làm tại nhà để cung tiến giấy cho các chùa chép kinh.
Ông đã đi nhiều nơi mua nguyên, vật liệu nhưng không thể triển khai. Lý do nước sông ô nhiễm, nước giếng khoan của gia đình không đủ để ngâm nguyên liệu. Những cây cãnh nhỏ như cây rơm phải tìm ngược tìm xuôi đành xếp một chỗ làm kỷ niệm.
“Nghề này vất vả lắm, giới trẻ giờ chẳng ai muốn làm. Hồn giấy Yên Thái có lẽ cũng chỉ còn nằm trong thơ ca lưu truyền mà thôi”, người nghệ nhân cuối cùng của làng nghề giấy Yên Thái nói với giọng trầm buồn.
Theo VNE