Những con đường đầy "ổ trâu" ở Sài Gòn

Thứ hai, 05/08/2013, 22:32
TP.HCM có những con đường đau khổ với nhiều "ổ trâu, ổ voi" và tình trạng kẹt xe. Ngoài ra, có nhiều đường là "điểm đen" của tội phạm, hay xảy ra cướp, trấn lột, tai nạn giao thông.

Đường dầy “ổ voi, ổ trâu”

Thời gian qua, TP.HCM đã đầu tư, mở rộng nhiều tuyến đường, tuy vậy vẫn còn rất nhiều đường, hẻm lớn xuống cấp chưa được sửa chữa, nhất là trên địa bàn các quận, huyện ngoại thành. Đường An Dương Vương, đoạn từ cầu Mỹ Thuận đến giáp đường Võ Văn Kiệt (giữa Q.Bình Tân và Q.8) thường xuyên bị mưa ngập, mặt đường lồi lõm, gợn sóng.

Một số tuyến đường khác như Tạ Quang Bửu, Trương Đình Hội (Q.8), Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh),… xuống cấp trầm trọng. Còn các đường nhỏ từ Quốc lộ 1A rẽ vào ở Q.Bình Tân, H.Bình Chánh lâu nay vẫn chưa được trải nhựa, bê tông nên ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì lầy lội, “ổ voi, ổ trâu” dày đặc.

o ga
o ga

Đường An Dương Vương(Q.8) nhiều nơi bị xuống cấp trầm trọng, nước đọng khi mưa, mặt đường bị lồi lõm.

o ga
o ga

Một con hẻm đầy "ổ trâu" ở Q.Bình Tân.

o ga
o ga

Xe tải cày nát các con đường ở vùng ven TP.HCM.

Biến thành sông khi mưa lớn, triều cường

Điệp khúc mưa - ngập thường xuyên diễn ra khiến người dân ở những đoạn đường này rất bức xúc. Nổi tiếng về ngập là đường Hòa Bình, Âu Cơ (Q.11), Đồng Đen, Bàu Cát (Q.Tân Bình), Nguyễn Hữu Cảnh, Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh)… Khi mưa xuống lập tức nước bùn đen hôi thối kèm rác dồn về những đoạn đường này ngập lút cả bánh xe. Người dân phải dùng bạt, bao cát, ni-lon, ván để che chắn nước tràn vào nhà.

Lâu nay, những con đường bị triều cường xâm nhập như Bến Phú Định (đang được xây bờ kè chống ngập), Phạm Thế Hiển, Hồ Ngọc Lãm (Q.8), Lương Định Của (Q.2), Kha Vạn Cân và nhiều con đường nhỏ thuộc P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức)… là nỗi kinh hoàng của người dân.

o ga
o ga

Đường Hòa Bình (Q.11), Đồng Đen (Q.Tân Bình) biến thành sông mỗi khi mưa lớn kéo dài.

Tai nạn giao thông luôn rình rập

Xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Đồng Nai đến cầu vượt Trạm 2) là con đường huyết mạch ở cửa ngõ Đông Bắc vào TP.HCM. Mật độ phương tiện giao thông tại đây rất lớn, nhiều xe container, tải nặng, xe khách; mặt đường nhiều đoạn bị trồi lún. Đường hẹp, không đủ điều kiện làm dải phân cách nên thường xuyên xảy ra tai nạn do lấn tuyến.

Đại lộ hiện đại nhất TP.HCM - Nguyễn Văn Linh dài 17,8km bị Ban An toàn giao thông TP xếp vào “danh sách đen” về nguy hiểm giao thông. Đường Kha Vạn Cân dài 8km nhưng mặt đường nhỏ, xuống cấp, nhiều chỗ gồ ghề, lắm khúc cua, mật động xe cộ đông nên rất dễ xảy ra tai nạn.

o ga
o ga

Mật độ giao thông lớn, đường hẹp, không có dải phân cách giữa ô tô và xe máy, xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Đồng Nai đến cầu vượt Trạm 2) luôn xảy ra tai nạn giao thông.

Con đường dễ gặp... cướp

Càng về khuya, những đại lộ hiện đại bậc nhất TP.HCM, những con đường rộng lớn càng vắng vẻ, nhiều đoạn tối om trở thành địa bàn lý tưởng để các băng cướp gây án.

Đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh có nhiều đoạn không có nhà cửa, nhiều cây cầu dài nên bọn tội phạm chọn điểm giữa cầu để gây án khiến nạn nhân không kịp trở tay. Trên đường, có những tấm bảng “Cảnh giác đường tối vắng” do chính quyền dựng lên để nhắc nhở người đi đường về... an ninh trật tự.

o ga

Ban đêm đường vắng, nhiều đoạn thiếu ánh sáng là điều kiện lý tưởng để các băng cướp gây án (trong ảnh: Biển “Cảnh giác đường tối vắng” trên đại lộ Võ Văn Kiệt).

Nhích từng chút một để vượt qua kẹt xe

Một số tuyến đường vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe. Đường Trường Chinh đoạn từ ngã tư Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Bình) rất đông phương tiện, lực lượng CSGT luôn túc trực, vất vả điều tiết giao thông. Tại Ngã ba Bà Quẹo (nút giao thông giữa đường Trường Chinh và Âu Cơ), mặt đường hẹp, nhiều hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, các phương tiện thường xuyên bị dồn ứ.

o ga

Các phương tiện nhích từng chút một, mất hơn 30 phút để vượt qua đoạn đường hơn 500m tại giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám.

Giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám đang xây cầu vượt, vào giờ cao điểm luôn xảy ra kẹt xe. Để vượt qua đoạn đường hơn 500m này, nhiều khi phải mất hơn 30 phút, nhích từng chút một rất khó khăn.

Bên cạnh đó còn nhiều tuyến đường cũng thường xuyên bị kẹt xe như đường Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh); giao lộ Nguyễn Tri Phương - 3/2, bùng binh Cây Gõ, đường Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận), Phạm Ngũ Lão (Q.Gò Vấp)…

Theo Infonet

Các tin cũ hơn