Theo quyết định vừa được ban hành, ban chỉ đạo này do Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đứng đầu, cùng 15 vụ trưởng các vụ quan trọng như công chức - viên chức, tổ chức - biên chế, chính quyền địa phương, pháp chế, cải cách hành chính, tiền lương...
Ban có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trong Bộ chuẩn bị các văn bản trả lời và thực hiện nội dung trả lời các kiến nghị, chất vấn; tổ chức thẩm định nội dung các văn bản trả lời, các tài liệu cần thiết theo yêu cầu; và tổng kết đánh giá việc trả lời kiến nghị, chất vấn.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình trong một lần trả lời tại QH. Ảnh: Minh Thăng |
Thông thường, các câu hỏi kiến nghị, chất vấn được phân về các vụ để chuẩn bị, được thứ trưởng phụ trách duyệt lần cuối trước khi trình Bộ trưởng. Theo quyết định này, các văn bản trả lời sau khi được các vụ chuẩn bị xong sẽ qua ban chỉ đạo thẩm định trước khi được thứ trưởng duyệt.
Như vậy, tổ chức mới này không tốn biên chế nhưng về phương thức làm việc chưa rõ có tốt hơn cách làm cũ hay không. Nhưng Bộ Nội vụ cho thấy sự quan tâm đối với việc trả lời kiến nghị, chất vấn của cử tri và Quốc hội khi lập một ban chỉ đạo riêng để lo việc này.
Được biết hiện mới có Bộ Nội vụ thành lập tổ chức này.
Đối với các thế hệ Bộ trưởng Nội vụ, câu hỏi chất vấn ở Quốc hội, Thường vụ Quốc hội thường xoay quanh chủ đề tuyển dụng, đào tạo công chức, chất lượng bộ máy chính quyền ở cơ sở, tiền lương và đặc biệt là chuyện chạy chức chạy quyền.
Tháng 3/2012, trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình từng cho biết, "có dư luận về việc chạy chức, chạy quyền nhưng chỉ ra cụ thể rất khó".
Trước đó, vào năm 2009, người tiền nhiệm của ông Bình là Bộ trưởng Trần Văn Tuấn khi bị đại biểu Quốc hội "truy" về giải pháp cho vấn nạn chạy chức, chạy quyền đã nói, khó chấm dứt tình trạng này vì "người chạy có báo đâu mà biết".
Theo VNN