Sáng ngày 4/8 PV có mặt tại bệnh viện An Sinh, nơi 14 nạn nhân trong vụ chìm tàu tại huyện Cần Giờ được chuyển lên đây để điều trị.
Tài công không rành đường
Tại bệnh viện An Sinh, anh Nguyễn Trung Hiếu (23 tuổi, quê Vĩnh Phúc) vẻ mặt vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về chuyến đi định mệnh. Theo anh Hiếu, đoàn của Công ty Cổ phần sản xuất ống thép Dầu Khí Việt Nam gồm 65 người đi trên 3 ca nô để đi xuống Vũng Tàu dự đám cưới của một đồng nghiệp. Dự định tối ngày 2/8, khi tới Vũng Tàu mọi người sẽ đi tham quan thành phố biển rồi sang ngày thứ 7 sẽ đi đám cưới.
Trong 65 người đi Vũng Tàu được chia lên 3 tàu. Trong đó, tàu mang biển hiệu H29 – BP do tài công Phạm Duy Phúc điều khiển cùng phụ máy là Nguyễn Văn Dương chở số lượng người đông nhất. Tài công Phúc nói nhiều người lên tàu ngồi để tàu “đằm” dễ chạy nên trên tàu có tới 30 người. Chúng tôi bắt đầu hành trình xuống Vũng Tàu trước hai tàu còn lại hơn 30 phút. Vừa đi được 20 phút thì tài công Phúc gọi điện cho một người nào đó để hỏi đường đi. Cứ tưởng là lái tàu đi đường tắt nào ngờ lái tàu không rành đường đi. Cứ sau khoảng 10 phút lái tàu lại gọi điện hỏi đường. Rồi lại cho tàu dừng lại để hỏi các tàu khác đang chạy trên sông. Tôi rất lo lắng”- anh Hiếu nói.
Chị Nguyễn Thị Bình khóc kể với đồng nghiệp đến thăm rằng các anh, chị Sơn, Biên, Cường, Hoàng, Hiệu đã chết.
"Tôi có đi tàu được vài lần, những lần đó sóng cũng khá lớn tôi không thấy mệt nhưng lần này đi tôi bị “sốc” vì tài công lúc cho giảm tốc độ đột ngột, lúc lại nhanh và thắng gấp. Nhiều người trên tàu phản ứng, chạy kiểu gì mà sao “sốc” quá vậy thì lái tàu bảo là do sóng" -một nạn nhân cho biết.
Trước thời điểm xảy ra lật tàu chìm, nhiều hành khách đã một phen kinh hoàng khi vừa qua khỏi cửa sông Soài Rạp, tàu bị sóng đánh nghiêng sang một bên. Các hành khách phải dồn qua bên còn lại để lấy cân bằng. Sau đó, tàu tiếp tục hành trình về Vũng Tàu.
Khi tàu đi đến vùng biển Cồn Ngựa, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, cách biển Cần Giờ khoảng 4 hải lý, cách cửa biển Sao Mai Vũng Tàu (khoảng 6 hải lý), lái tàu chạy ngang con sóng nên tàu bị nghiêng và lật úp.
“Khi mọi người đu bám vào phần mũi tàu nổi trên mặt nước thì anh Nguyễn Văn Cương bơi vào với chiếc điện thoại giữ trên tay. Lúc này, chúng tôi yêu cầu lái tàu lấy điện thoại của anh Cương lên đứng trên mũi tàu để gọi về cho công ty nơi xuất tàu và lực lượng cứu hộ tại Vũng Tàu nhưng người này không đồng ý và nói là không biết số cứu hộ. Vì vậy, anh Cương leo lên phần tàu nổi đứng gọi điện cho người thân, bạn bè và cảnh sát 113. Lúc đó, anh Cương gọi đại chứ không biết số cứu hộ. Bản thân người lái tàu phải biết số cứu hộ, đằng này…”. Anh Hiếu bức xúc.
Theo Thượng tá Nguyễn Long Bào, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Long Hòa (Cần Giờ), cho biết: “Tàu chở 30 người gặp nạn mang số hiệu H29-BP là chiếc đóng cho lực lượng biên phòng nhưng đồn đã trả lại cơ sở đóng tàu để sửa chữa do bị lỗi. Tuy nhiên, trong thời gian này, đơn vị sản xuất đã cho khách thuê để chở khách đi chơi. Có khả năng, lái tàu đã cho tàu đi vào vùng nước xoáy và đi sai hải đồ nên gặn nạn”.
Cứu bạn quên mình
Khi tàu bị lật úp, mọi người nhanh chóng thoát ra ngoài đu bám phần mũi tàu còn nổi trên mặt nước, riêng chị Chị Nông Thị Thiên bị kẹt lại trong khoan. Nhìn qua lớp kính mờ tôi thấy chị Thiên giơ tay cầu cứu trong tuyệt vọng. Anh Hoàng Anh Tuấn nghẹn ngào cho biết.
29 con người còn lại tìm cách bám xung quanh mạn tàu và các dây neo. Nhưng vừa đu vào bám thì bị sóng đánh dạt ra xa. Khoảng 5 giây một con sóng lại ập tới, mọi người lại bị kéo ra, cứ như vậy cả trăm lần. Các đồng nghiệp nữ đã yếu đi nhiều không còn sức đu bám vào phần tàu nổi- anh Tuấn nói.
Các đồng nghiệp khóc kể về anh Hiệp người nhường áo phao và anh Sơn người làm trụ cho các đồng nghiệp bị yếu sức bám vào.
“Anh Trần Hữu Hiệp mặc áo phao trên người thấy đồng nghiệp là chị Phạm Thị Thu (22 tuổi) bị đuối nước, không còn sức nên anh liền cởi áo phao đang mặc nhường cho chị Thu. Anh Hiệp chủ động đứng trước chị Thu và các đồng nghiệp nữ để cản lại cơn sóng nhưng chỉ được một lát anh Hiệp đã bị sóng cuốn trôi. Chúng tôi với theo giữ được anh Hiệp nhưng lúc đó anh đã chết. Một con sóng nữa lại ập tới kéo xác anh Hiệp ra xa chúng tôi”- nhiều đồng nghiệp của anh Hiệp nói trong nước mắt.
Lúc đó, anh Hà Tiến Sơn là người to cao và có sức khỏe nhất trong nhóm, anh làm trụ cho mọi người bám vào. Một tay anh vừa bám vào mũi tàu, tay còn lại cầm tay em Nguyễn Thị Kiêm Hoàng để không bị sóng đánh trôi. Cầm cự được 2h thì tất cả mọi người không còn sức. Một con sóng ập vào đánh văng mọi người và anh Sơn. Khi tôi ngoi lên mặt nước thì không tìm thấy anh đâu. Em Hoàng bị sóng kéo ra xa rồi đánh dập đầu vào tàu rồi lại kéo ra. Tôi và nhiều người nghe tiếng kêu yếu ớt của Hoàng: “Cứu em với, cứu em với các anh ơi… không còn chút sức nào nhưng tôi cố gắng lao ra níu được tay Hoàng. Do không còn sức em đã ngất xỉu và được chúng tôi đưa lên phần mũi của tàu cố giữ chặt nhưng không được. Một con sóng ập tới cuốn Hoàng ra xa và mất tích”- anh Nguyễn Văn Dũng đôi mắt đỏ hoe kể lại.
Nhiều người không còn sức, chúng tôi mong đợi lực lượng cứu hộ sớm có mặt để cứu. Lúc đó, 9 người đã bị nước cuốn trôi. Chúng tôi một tay bám vào thành tàu một tay cầm chặt những người khác để sóng không bị đánh, người nào yếu cho vào đứng ở giữa. Đến hơn 1h ngày 3/8, sau hơn 6h vật lộn với biển dữ lực lượng cứu hộ có mặt và cứu sống 21 người.
Nằm trên giường bệnh anh Đặng Hồng Phương nói về hành động của anh Hiệp và anh Sơn: “Hiệp lúc đó rất yếu nhưng không mặc áo phao, quyết nhường lại cho đồng nghiệp nữ. Còn Sơn làm trụ để mọi người không còn sức bám vào người và chân. Trong công việc, anh Hiệp và Sơn luôn giúp đỡ anh em, và sống rất hòa đồng đoàn kết với mọi người”. |
Theo Khám Phá