Đi bụi vì "ba không chấp nhận người đồng tính"

Chủ nhật, 04/08/2013, 16:01
"Ba đánh em và nói là tao không chấp nhận một thằng đồng tính trong nhà. Tao sinh ra mày là con trai đàng hoàng, tao lo cho mày như bao nhiêu đứa khác mà tại sao mày lại như vậy".

Sau hơn một tuần lang thang tại các công viên trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi đã tìm hiểu về thế giới “bí ẩn” của những thanh thiếu niên đường phố là những người đồng tính, chuyển giới, song tính và và những hiểm nguy rình rập mà hàng ngày họ phải đối mặt.

dong tinh

Nhiều thanh thiếu niên đường phố đồng tính chọn đi hát đám ma để kiếm tiền sinh sống.

Bỏ nhà đi bụi vì bị gia đình hắt hủi

Tại công viên 23/9, Q.1, khi trời vừa nhá nhem tối cũng là lúc đủ mọi thành phần trong Sài Gòn túa ra. Từ trẻ lang thang đến những những thanh niên, bà sồn sồn, nhưng những người đồng tính, chuyển giới là không thể lẫn vào đâu được trong dòng người ấy. Bởi cách ăn mặc, kiểu tóc, cử chỉ và giọng nói của họ.

Nhờ đi cùng một nhân viên thuộc một tổ chức xã hội nên chúng tôi dễ dàng bắt chuyện được với họ. T. vốn là một nam chuyển sang nữ 18 tuổi dè dặt nhớ lại: “Khi em công khai giới tính thật của mình với ba là: Cái thân của con là thân con trai nhưng cái đầu của con là con gái. Con muốn chỉnh thân hình cho phù hợp với suy nghĩ, tư tưởng của mình. Ngờ đâu, ba bảo: Được rồi, mai tao sẽ cho mày đi gặp bác sĩ tâm lý chỉnh lại cái đầu của mày.

Chỉnh không được, ba đánh em và nói là tao không chấp nhận một thằng đồng tính trong nhà. Tao sinh ra mày là con trai đàng hoàng, tao lo cho mày như bao nhiêu đứa khác mà tại sao mày lại như vậy. Ngày nào cũng thế, khi uống rượu vào ba nói nhiều hơn. Buồn quá, tuyệt vọng quá, em bỏ nhà đi bụi luôn. Giờ cũng được 2 năm rồi”.

T. cho biết thêm, từ ngày bỏ đi, T. gia nhập vào một hội những người chuyển từ nam sang nữ như mình và lang thang khắp các công viên để kiếm sống bằng nhiều cách khác nhau. T. thường chạy sô đi hát tại các đám ma hoặc có những lúc ế ẩm thì đi hát rong bán kẹo… tối thì về công viên ngủ trong tâm trạng lo âu, thấp thỏm.

Theo T., điều mà T. sợ nhất ở công viên không phải ở chỗ công viên tối tăm sẽ mất an toàn, thay vào đó là nỗi sợ bị công an bắt. Bởi trẻ em đường phố thường thiếu giấy tờ tùy thân nên trong các cuộc kiểm tra ngẫu nhiên có thể bị đưa về đồn công an.

Ngay cả khi có tiền để ngủ ở nhà nghỉ nhưng vẫn thường bị công an đi tuần nghi vào dạng mại dâm vì là người chuyển giới. Lúc này, các em sẽ buộc phải rời nhà nghỉ giữa đêm khuya. Vì thế mà trong suốt 2 năm qua, T. khó có một giấc ngủ trọn vẹn và luôn phải nghĩ trong đầu làm các nào để đối phó với những tình huống bất lợi.

"Thuốc kích thích loại nào cũng xài"

Theo tìm hiểu, các công viên như Phú Lâm, Lê Thị Riêng, Tao Đàn, Thảo Cầm Viên… là những nơi tập trung nhiều trẻ em đường phố đồng tính, chuyển giới. Cuộc sống trên đường phố hay phải thay đổi chỗ ngủ, không được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, các em còn phải thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị bạo lực, quấy rối và bóc lột cao.

Trong đó, các em đồng tính nữ và nữ chuyển giới có nguy cơ bị xâm hại và lạm dụng tình dục nhiều hơn bởi những nam giới trung niên. Thậm chí có những em do khủng hoảng tâm lý, dẫn đến tự tử, lạm dụng các chất gây nghiện hay tự làm tổn thương cơ thể…

“Em dùng thuốc kích thích, nói chung là loại nào em cũng xài hết, từ ma túy tổng hợp, thuốc uống, tiêm… em đều dùng cả. Khi cãi nhau với người yêu, em còn dùng lưỡi lam rạch vào tay mình. Chỗ này em châm thuốc lá vào do cãi nhau với bạn…”, M. 19 tuổi tại công viên Phú Lâm vừa chỉ vào những vết sẹo chằng chịt trên tay vừa nói.

Khi được hỏi “em không sợ đau à?”, M. hồn nhiên trả lời: “Lúc em buồn, tự nhiên em rạch và không cảm thấy đau gì hết. Thậm chí, thấy máu chảy em còn thấy vui. Khi đó chỉ có trong lòng em đau thôi, chứ thể xác em không thấy đau gì cả”.

TS. Lê Quang Bình, Viện trưởng viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường cho biết, phần lớn các em đồng tính, song tính và chuyển giới đường phố có dùng chất kích thích như thuốc lá, đồ uống có cồn, bồ đà và keo.

Những đồng tính nam đang hành nghề mại dâm và nhóm chuyển giới từ nam sang nữ rất có ý thức giữ gìn sức khỏe và vẻ đẹp cơ thể. Còn các em đồng tính nữ lại ít quan tâm đến hình thể và sức khỏe của mình. Một phần do các em phải vật lộn với những mối lo cụ thể hàng ngày như bữa nay ăn gì, tối nay ngủ ở đâu?

Cũng theo ông Bình, ở tuổi dậy thì và những năm đầu của tuổi trẻ, họ chưa làm quen được với những áp lực từ gia đình, nhà trường và xã hội nên thường có ý nghĩ tiêu cực. Nhất là ngay trong gia đình đã không chấp nhận các em dẫn đến bỏ nhà đi bụi rồi vướng vào những tệ nạn xã hội.

Một bà mẹ có con là người đồng tính xót lòng nói: “Con trai tôi học giỏi nhất lớp và thường học chung với một thằng bạn thân. Thấy nó ngoan nên tôi không để ý gì đến, nhưng một ngày tôi tình cờ phát hiện 2 đứa có hành vi bất thường. Sợ quá, tôi đến nói với ba mẹ bạn con và nhờ cả cô giáo chủ nhiệm can thiệp.

Từ đó, con tôi như người mất hồn vì bạn nó không chơi với nó nữa. Rồi nó học sút hẳn, cuối cùng bỏ học và bỏ nhà đi bụi. Giờ không biết nó sống ở đâu, sống thế nào. Tôi chỉ sợ nó dính vào tệ nạn xã hội, bệnh tật. Giờ tôi chỉ mong con tôi về nhà thôi”.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn