Tin tàu chìm 9 người mất tích đã bị che giấu?

Thứ hai, 05/08/2013, 12:50
Nghi vấn đặt ra là công tác cứu hộ, cứu nạn bị chậm trễ do đơn vị mượn tàu che giấu. Từ đó dẫn đến việc cứu hộ cứu nạn cũng bị chậm và khiến nhiều người mất tích!

Chìm tàu, Cần Giờ

Tin chìm tàu bị che giấu?

Theo Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, khoảng 21h đêm 2/8, cơ quan này nhận được tin từ ông Tuấn (thuộc công ty Vũng Tàu Marine) báo có phương tiện thuỷ bị chết máy tại Cần Giờ.

Theo điều tra, ông Tuấn không nói cụ thể là phương tiện này chở bao nhiều người và đã bị lật vào lúc 19 giờ trước đó. Tức tin báo của ông Tuấn là sau 2h tàu gặp nạn và không nói rõ tình trạng cực kỳ nguy hiểm đang xảy ra.

Ngoài ra, có một nghi vấn khác mà cơ quan chức năng cần làm rõ, đó là Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu có liên lạc với tàu BP02 thuộc Bộ đội biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu thì được biết tàu này đã ra khu vực tìm kiếm từ lúc 20h đêm 2/8, tức trước khi Cảng vụ nhận được tin báo từ ông Tuấn?

Ngoài ra, cùng thời điểm 20h, đêm tàu BP 130402 của biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng được điều động đi cứu nạn tàu H29 – BP?

21h25 đêm 2/8, thông tin vụ chìm tàu mới được xác thực khi Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu nhận được tin báo từ trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 báo rằng, có một tàu chở khách bị chìm tại khu vực gần bãi tắm Cần Giờ, TP.HCM.

Lập tức các đơn vị nhận tin đã báo cho các cơ quan chức năng khác ở TP.HCM nhập cuộc.

Đến 22h30 thì mới xác định được tọa độ con tàu gặp nạn. Mãi đến 22h45 đêm 2/8, Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu mới chính thức nhận được đơn yêu cầu cứu nạn từ ông Tuấn (Công ty Vũng Tàu Marine).

Như vậy, gần 3h sau khi xảy ra tai nạn chìm tàu thì tin báo mới được xác thực. Dư luận đang đặt vấn đề, có một số đơn vị liên quan đến tàu H29 – BP có thể giấu tin báo vụ chìm tàu vì khả năng họ nghĩ có thể xử lý được?

Chìm tàu, Cần Giờ

Vị trí tàu chìm trên phác họa giao thông đường thủy

Mặc khác, điều kiện khách quan là khu vực có mưa gió phức tạp nên 6 giờ sau khi xảy ra vụ chìm tàu, tức 1h sáng 3/8, các đơn vị cứu hộ cứu nạn mới ứng cứu được các nạn nhân.

Theo ông Lê Văn Chiến – Giám đốc Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, nếu điều kiện thời tiết bình thường thì tàu cứu nạn đi khoảng 1,5 giờ là có thể đến nơi.

Tuy nhiên, trong trường hợp này tai nạn bị báo chậm nên việc cứu hộ cứu nạn cũng chậm trễ theo và có thể đó là nguyên nhân khiến nhiều nạn nhân mất tích đến như thế.

Nhận định ban đầu về nguyên nhân

Diễn biến mới nhất là Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có những thông tin xác minh ban đầu.

Văn bản ký bởi đại tá Cao Xuân Trang - phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tàu H29 – BP là một trong những con tàu đang được đơn vị này bàn giao cho công ty cổ phần công nghệ Việt – Czech để sửa chữa.

Chìm tàu, Cần Giờ

Khám nghiệm tàu H29 – BP

15h chiều 2/8 ông Quyết (GĐ Công ty cổ phần bến tàu du lịch Vũng Tàu Merine, gọi tắt là công ty Vũng Tàu Merine) đã mượn trực tiếp ông Vũ Xuân Đào (là GĐ Công ty cổ phần công nghệ Việt – Czech) 3 tàu (dạng ca nô) để đi đón công nhân đang ăn cưới ở Tiền Giang, chở về Vũng Tàu.

30 phút sau, 3 tàu khởi hành đi Tiền Giang. Trên đường về, lúc 19h tại thủy phận huyện Cần Giờ, TP.HCM, một trong 3 tàu, là tàu H29 – BP do ông Phạm Duy Phúc làm tài công, Nguyễn Văn Dương làm thợ máy, đã bị lật làm tất cả 30 người bị nạn.

Ngày 4/8 các cơ quan chức năng có liên quan đã họp bàn ở Vũng Tàu để đưa ra những thông tin ban đầu về vụ chìm tàu kinh hoàng nói trên.

Nguyên nhân là do chở quá tải (mức cho phép là 12 người, nhưng lúc gặp nạn lên đến 30 người), gặp sóng to gió lớn và không đủ nhiên liệu.

Trong ngày 4/8, khi tàu H29 – BP được lai dắt vào bờ Vũng Tàu, công tác khám nghiệm tàu của các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM đã diễn ra.

Con tàu có một lỗ thủng ở đáy, bên thân tàu rách nhiều chỗ. Tuy nhiên hầu như toàn bộ kết cấu con tàu hầu như còn nguyên vẹn.

Đáng nói, tàu H29 – BP được sản xuất theo công nghệ mới nhất của Czech, bằng các vật liệu đặc biệt, có khả năng chống chìm.

Ông Nguyễn Xuân Trạch, Chánh văn phòng Ban An toàn Gia thông, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu:

“Trách nhiệm trước hết phải thuộc về đơn vị cho mượn tàu là Công ty cổ phần Việt - Czech. Theo quy định tàu chỉ chở được 12 người, tuy nhiên con tàu này đã chở gấp 2,5 lần so với quy định. Đây là hình thức chạy lậu, sai hoàn toàn.

Tàu chưa kiểm định, chưa được phép xuất bến, các thủ tục chở hành khách liên quan như thế này cũng sai. Tàu chở người trong điều kiện không an toàn, áo phao chưa đầy đủ….

Ngoài ra có những cái sai khác là tàu vẫn đang trong quá trình sữa chữa, chưa đăng kiểm mà vẫn cho xuất bến…

Qua vụ việc này, các đơn vị liên quan cần tăng cường kiểm soát, giám sát, tuyên truyền những chủ tàu, doanh nghiệp liên quan đến vận tải đường biển phải hiểu rõ các quy định của nhà nước”.

Theo VNN

Các tin cũ hơn