Xung quanh vụ Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa tổ chức tiệc cưới linh đình cho con trai diễn ra trong 2 ngày 31/7 và 1/8, tại nhà hàng Thanh Còi, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, để hiểu rõ hơn về việc này, PV có cuộc trao đổi với một cán bộ xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, người đi dự đám cưới con trai vị Chủ tịch LHPN tỉnh Thanh Hóa cho biết, tôi là người đến dự dám cưới con trai bà Nương.
Nhà hàng Thanh Còi nơi tổ chức tiệc cưới cho con trai bà Nương. ảnh Dân Việt |
"Tôi thấy trong tiệc cưới ngày hôm đó không có gì sang trọng cả, rất bình thường như bữa cơm gia đình. Tôi biết bà Nương lâu rồi, bà ấy rất giải dị, hiền lành, tốt tính. Tôi biết, bà Nương không mời rộng, chỉ mời những người thân quen. Nhưng với cương vị của Chủ tịch LHPN tỉnh, nhiều người biết đến, nên rất nhiều vị khách không được mời mà đến. Họ đến dự dám cưới con trai bà Nương vì tình cảm, không phải vì tham vọng", người này nói.
Còn một cán bộ huyện Tĩnh Gia cho biết, tiệc cưới như bữa cơm trưa, không có gì linh đình cả. Ăn xong, uống nước mọi người nói chuyện với nhau là đến giờ làm, nên bia rượu cũng không nhiều. Còn những người ở xa, không kịp uống nước là về đi làm luôn, đừng nói đến chuyện rượu, bia… trong tiệc cưới.
Số khách tới dự đám cưới đa phần là bà con và bạn bè thân thuộc, có những người trước đây từng làm ở cơ quan cũ của bà Nương chứ không phải tất cả các quan chức tỉnh Thanh Hóa như báo chí đã đưa tin.
Đám cưới cũng chỉ là phong tục tập quán địa phương, nó mang tính văn hóa cũng không quá nghiêm trọng. Bà Nương trước kia từng là Chủ tịch Hội LHPN huyện Tĩnh Gia sau đó làm trưởng ban tổ chức huyện rồi mới lên làm Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa.
Chiều ngày 5/8, trao đổi với PV bà Lê Thị Nương – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Gia đình tôi và gia đình ông bà thông gia có tổ chức đám cưới cho con trai tại nhà hàng Thanh Còi. Nhà hàng này bên cạnh nhà tôi, nên tổ chức cưới cho con ở đó. Trước khi tổ chức đám cưới cho con tôi có báo lên cấp trên, đồng thời phân công công việc cho cấp dưới lo việc cơ quan trong thời gian tôi xin nghỉ để tổ chức cưới cho con trai”.
“Tổ chức cưới cho con, tôi chỉ mời những người thân quen, nội ngoại 2 bên của gia đình tôi và những người bạn thân. Những người bạn thân từ xa đến mình phải có mâm cơm, cốc nước cho người ta ăn, uống. Không lẽ, những người bạn thân của chồng, con và tôi đến dự dám cưới nhịn đói ra về. Tổ chức cưới cho con, tôi không dám nhờ một ai ở cơ quan về tiếp khách cho gia đình.
Tôi làm việc ở huyện Tĩnh Gia 17 năm, nên tôi biết quê hương tôi nghèo lắm, nên không dám tổ chức cưới to cho con. Một tờ báo nói có rất nhiều xe công đến dự lễ cưới con trai tôi là hoàn toàn không đúng. Còn số khách phát sinh cũng khá nhiều. Trong đó có bạn bè của con trai và con dâu, nhiều cháu ở xa đến mình cũng phải làm thêm mâm cơm cho các cháu ăn, không lẽ để các cháu đói ra về”, bà Nương tâm sự.
Theo bà Nương, sau khi tổ chức cho con xong bà phải lên tỉnh để làm việc luôn nên cho đến bây giờ cũng chưa về để quyết toán được với nhà hàng. Còn về số lượng khách mời theo dự kiến ban đầu bà giao hết cho chồng lo liệu nên không nắm rõ.
Theo Kienthuc