Chính quy còn đang thất nghiệp dài…

Thứ bảy, 22/06/2013, 11:49
Trước thông tin tỉnh Nam Định tiếp tục nói “không” với các ứng viên hệ tại chức trong đợt tuyển dụng công chức năm 2013, nhiều độc giả bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối chủ trương này.
tại chức
Ảnh minh họa: Người Lao Động

Nghèo phải học tại chức chỉ là bao biện?

Những nguyên nhân đưa ra vẫn xoay xung quanh chất lượng dạy và học của hệ đào tạo tại chức. Độc giả Hoàng Thiên thẳng thắn đánh giá: “Thời buổi này sinh viên chính quy còn thất nghiệp dài dài tại sao chúng ta phải sử dụng tại chức! Có ai giỏi mà lại đi học tại chức đâu, tôi chưa bao giờ gặp cả vì học chính quy anh vẫn có thời gian đi làm thêm để học, vậy thì đừng lấy lý do nhà nghèo phải đi học tại chức ra bao biện!”.

Đồng tình với quan điểm này, độc giả Linh Chi cũng cho rằng những trường hợp hoàn cảnh khó khăn, phải học tại chức để có thời gian kiếm tiền là rất hiếm, vì thế “không thể lấy số ít để bắt số đông phải theo”.

Anh Hải Hùng hiện đang làm việc trong cơ quan Nhà nước nhận định: “Tôi hiện cũng có chút chức vụ trong cơ quan hành chính nhà nước; tôi cũng biết và hiểu rất rõ loại hình đào tạo tại chức và liên thông hiện nay. Vì vậy, không riêng gì Nam Định, nếu có quyền lựa chọn, tôi cũng không đời nào tuyển những người tốt nghiệp từ loại hình đào tạo tại chức và liên thông”.

Một độc giả khác cho rằng số người học tại chức giỏi chuyên môn là “quá ít”. Độc giả này đề xuất Bộ GD&ĐT cần chấn chỉnh lại việc đào tạo tại chức, nếu cứ để các trường đào tạo “thả cửa” và thương mại hóa như hiện nay thì không bao giờ tại chức có thể công bằng với chính quy được.

Anh Nguyễn Huy Thành – một nhà tuyển dụng chia sẻ, mặc dù chỉ tuyển công nhân nhưng doanh nghiệp của anh lúc nào cũng ưu tiên tuyển những người học nghề trước, thiếu mới tuyển đến tại chức, dân lập, cao đẳng.

“Trong thời điểm này, đó có thể là chính sách không đúng nhưng nó mang lại lợi ích lâu dài cho nguồn nhân lực, nhất là khối cơ quan nhà nước. Khi nào ngành giáo dục chấn chỉnh được tình trạng kém chất lượng của các hệ này thì mới thay đổi quan điểm tuyển dụng.

Tôi tôn trọng các lãnh đạo tỉnh có chính sách này, như thế là dám làm dám chịu. Cái quan trọng là các ông không vì lợi ích riêng mà vì lợi ích chung. Các tỉnh này, tin chắc rằng, nếu giữ vững quan điểm tuyển dụng này sau khoảng 10 năm nữa sẽ có chất lượng đội ngũ nhân lực nhà nước tốt hơn và đương nhiên kinh tế xã hội phát triển hơn và người dân được hưởng lợi” – độc giả Lan Phương phân tích.

Tại chức cũng có dăm ba loại

Tuy nhiên, ngược lại với số đông ủng hộ chủ trương này, một số độc giả vẫn cho rằng chỉ có môi trường làm việc thực tiễn mới có thể đánh giá được năng lực của người lao động một cách công bằng.

“Theo tôi, không cần biết chính quy hay tại chức, khi thi xong cho làm việc một năm, nhận xét, đánh giá, không đạt yêu cầu thì cho nghỉ. Chính quy cũng có năm bảy loại chính quy, không phải ai học tại chức cũng kém cả. Nhiều người học chính quy khá, giỏi nhưng ra thực tế có làm được việc gì đâu”.

Một số bạn đọc cho rằng từ chối tại chức không khác nào “đem con bỏ chợ”. Một khi đã được cấp phép, bằng cấp của hệ tại chức đã được công nhận thì ít nhất các cơ quan Nhà nước phải cho họ cơ hội được cạnh tranh bình đẳng với các hệ đào tạo khác.

“Các doanh nghiệp tư nhân có thể tẩy chay nhưng các cơ quan Nhà nước thì không”, tuy nhiên độc giả Nguyễn Dũng lưu ý “thi tuyển thì phải đúng nghĩa”.

Không đồng tình với chủ trương này, anh Nguyễn Trường Vũ chia sẻ: “Lỗi không phải là do người học tại chức mà do người tuyển dụng. Tôi cũng là dân tại chức, hiện làm Giám đốc của một công ty có doanh thu hàng năm khoảng 800 tỷ đồng, nhân viên của tôi cũng tại chức nhiều nhưng họ làm được nhiều việc hơn những sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm. Tôi không bênh vực ai hết tuy nhiên để chọn người tài thì phải để cho người ta thi thố mới đánh giá được”.

 

Theo VNN

Các tin cũ hơn