Ông Phạm Văn Mười hỏi vậy bởi loại hình “công ty” mới lạ này đang làm đau đầu các ban ngành chống tệ nạn xã hội của quận Bình Tân.
Hớt tóc cũng... lập công ty
Ông Phạm Văn Mười cho biết: “Trong bốn loại hình kinh doanh dịch vụ nhạy cảm thì karaoke và biến thể của nó là hát “ôm”, cà phê kích dục, đến cuối năm 2012 quận đã cơ bản dẹp được. Tuy vẫn còn một số hoạt động lén lút nhưng quận liên tục ra quân kiểm tra, xóa bỏ tệ nạn này. Nhưng còn loại hình hớt tóc thanh nữ, y học cổ truyền thì khó quá!”.
Cái khó ở đây là hai loại hình kinh doanh này được Sở Y tế, Sở Kế hoạch Đầu tư cấp phép, quận không có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động của các cơ sở này khi phát hiện có vi phạm hành chính, có dấu hiệu hoạt động mại dâm, kích dục.
Trước đây, khi phát hiện vi phạm tệ nạn xã hội, quận có thể đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh cá thể như tiệm hớt tóc… Nhưng lợi dụng quy định trên, các tiệm hớt tóc trá hình trên đều đăng ký xin lập… công ty TNHH hớt tóc, có giấy đăng ký kinh doanh hẳn hoi, quận không đủ thẩm quyền thu hồi giấy đăng ký kinh doanh, yêu cầu đóng cửa công ty được.
Ông Mười cho hay: “Giấy phép là sở cấp nên chúng tôi không quản được. Quận chỉ còn cách là xét kỹ điều kiện hoạt động. Vì các ngành này đều có điều kiện hoạt động, mình kiểm tra theo các điều kiện này, nếu không đáp ứng đủ các điều kiện thì có thể yêu cầu họ tạm ngưng hoạt động”.
Tuy nhiên, giải pháp này cũng chưa thực sự “trị” được tệ nạn này, bởi khi các “công ty” này hoàn thiện đủ điều kiện theo giấy phép là lại được hoạt động.
Ngoài ra, khi bị bắt quả tang hoạt động kinh doanh không lành mạnh, cơ sở chỉ bị xử phạt hành chính. Sau đó, chủ cơ sở lại dễ dàng đi sang tên, đổi chủ để tránh bị phạt tăng nặng khi tái phạm. Thủ đoạn này hết sức đơn giản nhưng cơ quan chức năng hầu như “bó tay”!
Nhờ tính “hiệu quả” trên mà mô hình công ty… hớt tóc hiện khá nở rộ tại TP.HCM. Không chỉ ở Bình Tân mà nó còn xuất hiện nhiều ở quận 1, quận 7, Bình Thạnh… Có những công ty hớt tóc hoạt động hiệu quả đến nỗi mở chi nhánh ở hầu khắp địa bàn các quận nội thành của thành phố.
UBND TP đã nhiều lần “phàn nàn” về việc đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ theo luật doanh nghiệp hiện nay quá thông thoáng và có nhiều bất cập, dẫn đến khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là mại dâm.
Mại dâm công khai tiếp thị bằng card visit
Dù không “dẹp” được các cơ sở này nhưng ông Phạm Văn Mười cho biết là cơ quan chức năng quận đã thống kê đầy đủ, chi tiết để cử người giám sát, “nhìm chằm chặp” để ngăn ngừa và xử lý kịp thời khi các cơ sở này có dấu hiệu xuất hiện tệ nạn xã hội. Dù vậy, ông cũng thừa nhận là quá khó khăn vì chủ cơ sở có đủ mánh khóe tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng.
Theo ông Mười, thủ đoạn thường dùng nhất của các đối tượng này là cho người giám sát các tổ kiểm tra liên ngành, chỉ cần thấy nhân viên chức năng di chuyển là chúng lập tức thông báo cho nhau để đối phó. Do đó, để bắt quả tang các cơ sở này là rất khó khăn. Nếu tổ chức né tránh tai mắt của các cơ sở trên thành công, “đột kích” bất ngờ vào cơ sở thì chủ cơ sở đối phó bằng cách kìm chân lực lượng chức năng, khi vào được thì nhân viên quán đã tẩu thoát bằng cửa sau.
Ông Mười cho biết: “Loại cửa sau này họ thiết kế đóng chốt từ bên ngoài, khi nhân viên của họ trốn ra ngoài hết thì đóng chốt lại, cơ quan chức năng không thể phá cửa mà đuổi theo. Khi mở được cửa thì còn gì đâu mà bắt”.
Quá khó để bắt quả tang, triệt phá cơ sở kinh doanh tệ nạn, quận Bình Tân phải áp dụng biện pháp cử nhân viên chốt trực 24/24h ngay trước cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, bị người dân tố cáo có hành vi tệ nạn. Biện pháp này nhằm mục đích cảnh cáo để cơ sở không dám hoạt động tệ nạn.
Nhưng ông Mười cũng lắc đầu ngao ngán: “Họ đối phó bằng cách cử một nhân viên trực trong quán, khi khách tới thì đưa cho khách một card visit giới thiệu đến một địa điểm giao dịch khác ở ngoài địa bàn quận. Còn cơ sở mà chúng tôi theo dõi 24/24h trở thành điểm tiếp thị của họ. Thế là chúng tôi cũng không làm được gì!”.
Theo Dantri