Chìm tàu ở Cần Giờ - chuyện kể của một người sống sót

Thứ năm, 08/08/2013, 13:14
“Lúc đó tay chân rã rời, tê cứng, miệng khô đắng, cơ thể lạnh run, chung quanh tối đen, em chịu hết nổi, nhưng em quyết phải sống. Em cố dồn hết sức lực vào đôi bàn tay, bấu chặt vào đáy tàu.

Nếu tàu cứu hộ đến trễ chừng 15 phút, tay chân em sẽ hết cảm giác, người sẽ tự trôi ra biển…”. Khuôn mặt chưa hết bàng hoàng, giọng nói run run, cô gái kể lại những giờ phút kinh hoàng trên lằn ranh sống chết.

Đúng như những lời đùa

Bốn ngày sau khi xảy ra sự cố đắm tàu làm chết 9 người ở biển Cần Giờ, tôi đến thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) - nơi con tàu xuất phát.

Bên bờ sông vừa diễn ra đám đưa tang cô gái mới 20 tuổi Trần Thị Kim Hoàng - nạn nhân trẻ nhất trong vụ chìm tàu. Cách nhà Kim Hoàng chừng vài trăm mét là nhà của một cô gái khác, cũng có mặt trên chuyến tàu định mệnh nói trên, nhưng đã may mắn thoát khỏi bàn tay tử thần trở về với gia đình.

chim tau
Cô Bình với những vết lở loét trên 2 tay.

Cô tên Nguyễn Thị Bình, tuổi ngoài 30, làm ở bộ phận phục vụ ăn uống trong Cty CP sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam. Tôi đến nhà khi cô Bình vừa đi khám bệnh về. Kết quả chẩn đoán: Phổi có nước; bị lở loét nhiều nơi ngoài da; chấn thương phần mềm 2 chân... Bình chưa đi viếng đám tang người bạn đồng nghiệp xấu số Kim Hoàng được vì chân còn yếu, trên người còn nhiều vết thương...

Bà Nguyễn Thị Thơi - mẹ cô Bình - kể, do gia đình nghèo, Bình phải nghỉ học sớm để đi làm phụ cha mẹ kiếm sống. Những công việc nặng nhọc ở cảng cá Vàm Láng đều từng qua tay cô gái, kể cả bốc vác. Cách đây vài năm, cô xin được vào làm ở Cty CP sản xuất ống thép dầu khí ở gần đó, công việc ít vất vả hơn, thu nhập cũng khá hơn.

Dù nhà ở Vám Láng, cách Vũng Tàu chỉ vài chục cây số, nhưng Bình chưa từng được đi chơi Vũng Tàu. Vì vậy mà khi được người thợ hàn cùng công ty mời đi Vũng Tàu dự đám cưới, cô háo hức chờ ngày lên đường.

Bình kể: “Đối với dân Vàm Láng, chuyến đi biển nào cũng hệ trọng, người ra biển phải kiêng cữ đủ điều. Nhưng khi xuống canô, em thấy mọi người chẳng kiêng cữ gì. Nhiều người nói đùa như: “Chút nữa ra biển canô chết máy chắc vui lắm!”; “Ráng uống nước ngọt đi, lát nữa uống nước biển!”;... Em nghe họ nói mà phát hoảng, chẳng ngờ sau đó mọi chuyện diễn ra đúng như những lời đùa”.

Khi xuống tàu, thấy đông người đi, không đủ chỗ ngồi, cô gái thấy sờ sợ, nhưng không dám nói. Rồi người “tài cải” (phụ lái) ôm ra chưa tới 10 chiếc áo phao, trong khi trên tàu có đến 30 người, vì vậy mà áo phao chỉ ưu tiên cho phụ nữ và đôi vợ chồng người nước ngoài. Chiếc tàu rời bến Vàm Láng theo sông Soài Rạp ra biển trong tiếng cười vui của mọi người, duy chỉ có cô gái nghèo vùng biển là cảm thấy có điều gì đó bất an.

Chiến đấu với tử thần

Hai cô gái vùng biển (Bình và Kim Hoàng) được ưu tiên cho ngồi gần chỗ tài công. Vì vậy mà cô Bình thỉnh thoảng nghe người tài công già điện thoại nhờ ai đó hướng dẫn đường đi, chứng tỏ ông ta không rành đường.

Từng nghe cha mẹ kể những nguy hiểm trên đường biển từ Vàm Láng đi Vũng Tàu với những “cồn Ngựa”, “cồn Heo”, cô Bình càng thấy bất an. Trong khi trời càng lúc càng tối, mặt biển vắng tanh, sóng và gió càng lúc càng to do ảnh hưởng cơn bão xa.

Cô Bình nhớ lại: “Chiếc canô bất ngờ khựng lại, chao nghiêng. Ai đó la lên: “Bị vướng cồn rồi!”. Những người đàn ông đổ người qua 1 bên để cân bằng chiếc tàu, nhưng không kết quả. Một đợt sóng lớn ùa tới, nước tràn vào canô, có tiếng la: “Thoát ra khỏi tàu!”.

Em cùng con Hoàng lao ra khỏi tàu, cùng lúc chiếc tàu bị cơn sóng khác đánh lật úp. Rồi chiếc tàu chìm dần, chỉ còn ló lên phần đầu. Nhưng chính nhờ cái phần nổi ấy mà em sống, nhiều người được sống”.

Nhắc lại thời khắc hiểm nghèo này, cô gái tỏ ra cảm kích: Nhờ trong đoàn có nhiều người trầm tĩnh và bản lĩnh, nên dù rất hoảng sợ nhưng không hoảng loạn. Mọi người được hướng dẫn cách bám vào những gờ chịu lực trên đáy tàu, rồi được giúp cởi bỏ bớt đồ dài cho đỡ vướng.

Những phụ nữ, những người không biết bơi được ưu tiên chỗ tốt. Vợ chồng người nước ngoài cũng được ưu tiên. Sau khi một anh liên lạc được với đất liền bằng điện thoại, cả đoàn hy vọng chỉ khoảng 1 giờ là sẽ được tàu cứu hộ đến vớt.

Thế nhưng, một giờ, rồi hai giờ trôi qua, mặt biển vẫn tối om, vắng tanh. Trong khi sóng càng lúc càng mạnh. Hai cô gái vùng biển, một bơi giỏi, một không biết bơi, luôn sát cạnh bên nhau. Sau mỗi đợt sóng lớn, hầu như mọi người đều bị hất văng ra xa khỏi tàu.

Mỗi lần như vậy, Bình lại nhoài người kéo Kim Hoàng trở lại tàu. Hàng trăm đợt sóng vùi dập không thương tiếc đoàn người đã kiệt sức. Có những lúc mệt quá, Bình phải nhờ mấy anh giúp kéo Kim Hoàng vào. “Dù giỏi bơi lặn, em cũng bị uống nước đầy bụng, phải móc họng ói. Chỉ tội con Hoàng, nó không biết bơi, nên đuối rất nhanh, dù vậy vẫn kiên trì bám tàu nhiều giờ”, Bình nhắc đến cái chết của Kim Hoàng.

Có một cơn sóng lớn lại ập tới, Bình nhìn sang không thấy Kim Hoàng ngóc đầu phun nước phèo phèo nữa. Cô gái trẻ úp mặt xuống nước, tóc lỏa xỏa trên mặt biển. Vội kéo Kim Hoàng vào tàu, Bình thấy người bạn nhỏ chỉ còn thở thoi thóp, máu ứa ra mũi, tay chân buông lỏng. Rồi một, hai đợt sóng nữa, xác Kim Hoàng bị cuốn mất hút vào bóng đêm, lúc ấy khoảng nửa đêm, tức 4-5 giờ từ khi tàu bị nạn.

Những cái chết kinh hoàng, tức tưởi

Không giữ được mạng sống của người bạn nhỏ, cũng không biết số phận mình sẽ ra sao, cô Bình ôm đáy tàu khóc ròng, mặc cho các con sóng ào qua. Cô khóc vì thương bạn, vì lo cho mình, mà cũng vì tức. Trong đoàn người mệt rã rời, lúc đó đã vắng nhiều vị trí, vang lên nhiều tiếng ca thán về sự chậm trễ của lực lượng cứu hộ.

Có mặt cùng tôi trong buổi viếng thăm cô Bình, đại úy Nguyễn Hữu Nhâm - Ban chỉ huy đồn Biên phòng Kiểng Phước - bức xúc nói: “Nếu thông tin tai nạn đến được chúng tôi, chậm nhất là 1 giờ tàu chúng tôi sẽ có mặt ứng cứu, thậm chí nhanh hơn nếu chúng tôi nhờ các đồng nghiệp ở gần đó giúp. Như thế thiệt hại sẽ thấp hơn nhiều. Nhưng đến sáng chúng tôi mới nhận được tin”.

Câu chuyện giữa chúng tôi phải tạm dừng để Bình được mẹ xoa thuốc những vết thương chỗ kín. Cô gái cho biết, để thêm cơ hội sống sót trên biển, mọi người, kể cả phụ nữ, phải cởi bỏ hết đồ ngoài. “Đã có lúc em muốn buông xuôi vì quá sức chịu đựng. Đó là lúc Hiệp (Trần Hữu Hiệp, quê Thanh Hóa) chết, bị nước cuốn đi xa”, Bình thẫn thờ nhớ lại. Trẻ và khỏe, lúc đầu Hiệp rất nhiệt tình bơi ra, bơi vào cứu giúp mọi người. Nhưng thời gian kéo dài, chàng trai bắt đầu thấm mệt.

“Em kêu Hiệp bám chặt vào chiếc áo phao của em, còn em bám vào tàu. Một cơn sóng ập qua, em thấy Hiệp không ngẩng mặt lên khỏi nước, Hiệp đã chết. Lúc ấy đã quá nửa đêm, chỉ một lúc sau là tàu cứu hộ tới. Hiệp chết mà tay vẫn bám chặt vào áo phao của em và lưng anh Phước. Một lúc sau tụi em mới gỡ tay cho Hiệp trôi đi, vì không còn sức giữ xác Hiệp” - cô Bình ngậm ngùi nhớ lại.

Một người khỏe như Hiệp chết làm những người còn lại hoang mang, tâm lý buông xuôi chợt xuất hiện trong suy nghĩ của Bình. Rồi một chàng trai khác tên Sơn cũng thều thào: “Chắc em chết quá, anh Khiêm ơi!”. Sau đó Sơn cũng tắt thở, người bạn tên Khiêm cố giữ mà không được, xác của Sơn bị nước cuốn trôi ra xa!

Khuôn mặt chưa hết bàng hoàng, còn đầy những vết lở loét do sóng biển và do va chạm với thân tàu, Bình bất ngờ rạng rỡ, mắt sáng rực, như nói với chính mình: “Không còn hy vọng sống sót rồi, cái chết đang đến rồi. Bất ngờ một luồng sáng quét trên mặt biển, qua chỗ chiếc tàu chìm.

Dù đã kiệt sức, em và mọi người vẫn chồm lên, giơ tay thật cao... Lúc ấy không biết sức ở đâu mà em bơi ào ào mấy chục mét ra tàu cứu hộ. Khi lên tàu, em mới biết mình không còn đi được, tay chân đã mất hết cảm giác”.

Bà Thơi cũng rưng rưng nước mắt nhớ lại: “3 giờ sáng có người điện báo tin tàu chìm, nhiều người mất tích. Cả nhà đang hoảng thì lại được tin nó đã được tàu cứu sống. Phước đức ông bà để lại...”.

Câu chuyện giữa chúng tôi chưa dứt thì có người của công ty đến thăm và rước Bình vào công ty có việc. Sự cố dù có đau thương đến mấy rồi cũng qua, những người còn lại phải tiếp tục cuộc sống, tiếp tục sản xuất. Cô Bình cũng mong sớm được bình phục để trở lại làm việc. Cô làm cả phần việc của cô bạn nhỏ Kim Hoàng và những người xấu số đã ra đi!

Theo Laodong

Các tin cũ hơn