Ngoài sử dụng chế xuất hương liệu, người ta còn dùng trầm hương như một vị thuốc trong Đông y điều trị một số bệnh.
Trầm hương đang được các quý ông săn lùng để cải thiện bản lĩnh phòng the bằng cách hút trực tiếp. |
Mới đây nhất, nhiều quý ông còn truyền tai nhau về việc tăng cường sinh lực đàn ông bằng cách hút trầm hương và đua nhau tìm kiếm loại hàng xa xỉ này. Vậy trầm hương có thực sự mang lại công dụng “phòng the” như những lời đồn thổi.
Hút trầm hương tăng cường sinh lực
Thời gian gần đây, các đại gia luôn hứng thú với việc săn tìm “biệt dược phòng the” thường rỉ tai nhau về một phương pháp tăng cường “bản lĩnh đàn ông”. Đó là hút trầm hương chưa qua chế biến.
Dựa trên lời đồn thổi này, nhiều nam giới cho rằng hút trầm hương có tác dụng hơn cả Viagra, giúp người yếu sinh lý cải thiện rõ rệt khả năng đàn ông cả về số lượng lẫn chất lượng. Có người thậm chí còn khẳng định những hiếm muộn sau khi sử dụng trầm hương một thời gian sẽ có cơ hội làm cha…
Trên thực tế, công dụng “phòng the” của loại gỗ quý hơn cả vàng này đã được đồn thổi từ lâu. Các sản phẩm được chế biến từ trầm hương như cao trầm, tinh dầu trầm đã được rao bán nhiều trên mạng với công dụng phòng bệnh ung thư, làm đẹp da, sáng mắt, cường dương…
Một hãng chuyên sản xuất, mua bán các loại tinh dầu nổi tiếng còn quảng cáo rằng: “Để đạt được sự cường dương, kéo dài thời gian quan hệ tình dục thì chỉ cần nhỏ 2-3 giọt tinh dầu trầm hương và xoa vào vùng ngực.
Đối với nam giới bị xuất tinh sớm khi xoa 3 giọt vào ngực sẽ trở nên mạnh mẽ, kéo dài thời gian quan hệ lên 3-4 lần”. Tin vào công dụng kỳ diệu của loại gỗ quý, nhiều đại gia còn săn tìm trầm hương về ngâm rượu uống để tăng bản lĩnh đàn ông.
Trao đổi cùng PV về trào lưu đang rộ lên với loại “bảo bối phòng the” này, lương y Nguyễn Xuân Hướng - Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết: “Trong y học cổ truyền, trầm hương được coi là một vị thuốc đặc biệt quý, hiếm và đắt tiền.
Ngày xưa, người ta dùng trầm hương làm gối để chống đau đầu, trầm cảm; lấy trầm hương nấu nước xông hoặc tắm chữa sài giật ở trẻ em. Khói trầm hương được dùng như một chất trừ tà, uế khí. Nước trầm hương được vẩy lên xác ướp để bảo quản. Bột trầm hương chống được bọ chét, chấy, rận.
Dược liệu trầm hương có vị cay, đắng, hơi ngọt, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng bổ thận khí, trấn tĩnh, giảm đau, cầm nôn, chủ yếu được dùng trong những trường hợp đau bụng, tức ngực, lạnh lưng, nôn mửa, hen suyễn, cảm nặng, khó thở, bí tiểu tiện, nam giới tinh khí lạnh.
Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu) đã dùng trầm hương phối hợp với chỉ xác, nam mộc hương, hạt cải củ, sao vàng, sắc nước uống chữa thủy thũng, bụng đầy chướng. Hải Thượng Lãn Ông (Bách gia trân tăng) lại dùng trầm hương với mộc hương, nhục quế, bạch đàn, tán bột, làm viên uống với nước sắc lá hoắc hương để chữa nôn mửa không dứt”.
Lương y Nguyễn Xuân Hướng khẳng định trầm hương không có tác dụng trong việc tăng cường khả năng sinh lý nam giới. Ảnh: T.G |
Tuy nhiên, nói về công dụng tăng cường bản lĩnh đàn ông khi hút trầm hương trực tiếp không qua chế biến, Lương y Nguyễn Xuân Hướng khẳng định quan niệm này chỉ là… hoang đường.
Ông cho biết: “Hiện nay, các đại gia “lắm tiền, nhiều của” thường nghĩ rằng bất cứ thảo dược thiên nhiên, động vật quý hiếm nào cũng có tác dụng đối với “chuyện ấy”. Cũng giống như thời gian gần đây, một số nam giới thường gọi điện cho tôi hỏi về việc sử dụng sừng tê giác có giá cả tỷ đồng.
Trong quá trình nghiên cứu y thuật và các sách Đông y, bản thân tôi chưa từng thấy bất kỳ một tài liệu nào nói đến công dụng tăng cường bản lĩnh phái mạnh của trầm hương. Loại gỗ quý hiếm này chủ yếu được sử dụng làm nước hoa. Còn trong Đông y, trầm hương đơn thuần là một vị thuốc để giáng khí, chữa bệnh về tiêu hoá như ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng…
Ngoài ra, vì là nguyên liệu quý hiếm nên trong các bài thuốc rất ít khi sử dụng trầm hương. Có lẽ vì lợi nhuận lớn nên những người buôn bán trầm hương đã tung ra tin đồn về tác dụng tăng cường sinh lực của loại sản vật quý hiếm này để “hút” các đại gia”.
Chưa có cơ sở khoa học
Từ lâu, giá trị của trầm hương thể hiện ở chỗ đó là một nguyên liệu chất thơm quý, đặc sản của một số nước Đông Nam Á, nhất là Việt Nam.
Các sách cổ của nước ta và Trung Quốc đều ghi nhận giá trị nổi tiếng của trầm hương Việt Nam mà xưa kia vẫn thường phải đem cống nạp cho vua chúa nước láng giềng phương Bắc.
Tinh dầu cất từ trầm hương là chất định hương cao cấp cho các loại nước hoa và mỹ phẩm đắt giá điển hình của phương Đông.
Trầm được khai thác từ phần thân của cây dó bầu. Đông y phân loại trầm tốt, xấu bằng cách cho vào nước, nếu trầm chìm xuống tận đáy là trầm tốt nhất; bỏ vào nước mà lơ lửng, không chìm, không nổi là trầm loại 2; còn trầm loại 3 là loại nổi trên mặt nước.
Đông y thường dùng trầm loại 2 làm thuốc vì loại 1 có giá rất cao. Trầm loại tốt có sắc đen, bóng, nặng trịch như khối sắt. Trầm có mùi thơm hơi hắc, đặc biệt khi đốt sẽ cho mùi thơm tinh dầu rất đặc trưng, không thể lẫn lộn với một loại hương thơm nào khác.
Một điểm kỳ lạ nữa là những vật phẩm chế tác từ trầm có hương thơm gần như là mãi mãi. Tinh dầu thơm của trầm khi phối với tinh dầu xạ hương (lấy từ túi thơm của con cầy hương) sẽ tạo ra một mùi hương rất đặc biệt, rất mạnh và quyến rũ.
Ngày nay, các nhà khoa học đã bước đầu xác định được một số chất có trong trầm. Sản phẩm chưng cất và dạng chiết trầm hương có tác dụng ức chế sự co bóp tự chủ của hồi tràng chuột lang và chống co thắt cơ trơn do histamin và acetylcholin gây ra.
Trên mèo gây mê, nó có tác dụng làm giảm biên độ co bóp của ruột do tiêm acetylcholin, đồng thời làm giảm nhu động tự nhiên của ruột. Tác dụng của trầm hương chủ yếu là ở tinh dầu, nên thường được dùng dưới dạng nước mài, bột tán chứ không cho vào sắc.
Như vậy, ngoài là chất thơm quý hiếm thì chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh rằng các chất trong trầm hương có tác dụng với chuyện “phòng the” của phái mạnh, ngay cả những loại tinh dầu được quảng cáo với công năng hỗ trợ cường dương rất hấp dẫn.
Ngoài ra, việc tự ý sử dụng trầm hương không theo chỉ định của bác sĩ cũng rất nguy hiểm. Theo Bác sĩ Nguyễn Duy Thuần - Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam thì người dân phải hết sức cẩn trọng khi sử dụng trầm hương.
“Trong Đông y, người ta thường dùng trầm để làm thuốc trị một số bệnh. Trầm có có vị cay, tính ấm, hơi ngọt, có tác dụng vào 3 kinh: tỳ, vị và thận (tỳ kinh, vị kinh và thận kinh) của cơ thể.
Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, mặc dù là thuốc quý, có tác dụng thiên về bổ, nhưng khi dùng trầm hương phải hết sức thận trọng vì không phải ai cũng dùng được.
Những người âm hư hỏa vượng (người đang sốt, khô gầy), phụ nữ có thai tuyệt đối không được dùng”, bác sĩ Thuần cho biết.
Theo GD&XH