Người phanh phui tiêu cực động trời tại BV Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) gây phẫn nộ dư luận cả nước những ngày qua chính là chị Hoàng Thị Nguyệt cán bộ khoa Xét nghiệm. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm và khen thưởng người dũng cảm tố cáo.
Đối đầu tiêu cực: nguy hiểm và gian khó!
Được lãnh đạo thành phố biểu dương vì dám tố cáo sai phạm của lãnh đạo bệnh viện. Hiện tại chị cảm thấy thế nào?
Tôi đi suốt đã kịp xem TV nói gì đâu, nhưng bạn bè, người thân gọi điện thông báo. Sự việc đã được làm sáng tỏ, tôi cảm thấy rất vui vì cơ quan chức năng đã tin tưởng những người như chúng tôi và vào cuộc rốt ráo. Nói thật là tôi vui đến mất ngủ.
Thành công này là món quà cho nhân dân huyện Hoài Đức, vì tôi hy vọng những sai phạm bị ngăn chặn, người dân sẽ được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh tốt và hiệu quả chứ không bị lừa dối như thời gian qua và để tôi cùng đồng nghiệp có môi trường làm việc trong sạch, tin tưởng nhau.
Chị Hoàng Thị Nguyệt (áo trắng) và gia đình nạn nhân vụ “nhân bản” xét nghiệm |
Cuộc sống của chị và gia đình có bị ảnh hưởng sau khi chị viết đơn tố cáo?
Chị em trong hội viết đơn tố cáo cùng chia sẻ với nhau, thực tế lúc đó tôi nói bác sĩ đâu có tin. Họ nghi ngờ vì một vấn đề gì đó nên mình nói xấu đồng nghiệp, dù họ thấy kết quả cũng đáng ngờ, chính họ cũng bị lừa.
Tôi không hề có mâu thuẫn với giám đốc nhưng tôi làm đơn tố cáo thì tôi sẽ đối đầu với họ. Khó khăn, gian khổ là chắc chắn. Tôi lại là phụ nữ nên thiệt thòi, khó khăn sẽ nhiều hơn. Thời gian dành cho gia đình bị rút ngắn lại nhưng tôi chấp nhận hy sinh. Lẽ ra thời gian đó tôi dành chăm chồng con, tự chăm sóc bản thân, giữ gìn sức khỏe.
Nhưng trước sự việc sai phạm đó tôi chấp nhận hy sinh vì lẽ phải, vì lương tâm nghề nghiệp. Mấy con tôi đỡ đần cho tôi nhiều, các cháu cũng ủng hộ việc làm của mẹ vì tôi tâm sự, chia sẻ với các con cũng nhiều.
Ban đầu tôi giấu chồng việc viết đơn tố cáo vì tôi nghĩ chắc anh ấy không thích tôi làm những việc đó bởi tôi là phụ nữ. Sau này khi thông tin bắt đầu lan rộng thì anh ấy biết và cũng ủng hộ tôi nhiều. Gia đình thực sự là chỗ dựa cho tôi trước sóng gió vừa qua.
Bị đồng nghiệp ghét bỏ
Thường trong những vụ việc như thế này, nhiều người sẽ “mũ ni che tai” để tránh bị liên lụy, trả thù. Chị không sợ điều đó sao?
Chắc chắn tôi đặt ra việc có thể bị trả thù. Tôi biết việc đấu tranh với sai trái trong xã hội sẽ bị đe dọa, nhưng không thể lường được sẽ nguy hiểm thế nào. Lúc bắt đầu tố cáo tôi nhận được tin nhắn là giám đốc nhiều tiền sẽ không bị sao, nghe dư luận bắn tin tới đe dọa. Không thiếu sự ghét bỏ của đồng nghiệp bị chúng tôi tố cáo. Điều đó diễn ra hằng ngày trong suốt nhiều tháng qua.
Tôi xác định điều đó sẽ có và tôi phải đương đầu. Tôi biết mình sẽ phải trả giá nhưng tôi chấp nhận và dám hy sinh để tìm lại lẽ phải bởi tôi nghĩ nếu tôi có niềm tin, cái đúng sẽ được ủng hộ, dám dũng cảm đối đầu với người sai phạm thì mình sẽ thành công. Điều đó thôi thúc tôi vượt qua mệt mỏi để chiến đấu đến cùng.
Tôi biết, có nhiều đồng nghiệp cũng ủng hộ tôi nhưng họ không dám công khai điều đó. Có những người dù sợ nhưng vẫn âm thầm ủng hộ tôi bằng ánh mắt ấm áp, sẻ chia. Đó cũng là sức mạnh để tôi vững tin đi qua những khó khăn, mệt mỏi chất chồng thời gian qua.
Chị Hoàng Thị Nguyệt trao đổi về những hệ quả của việc các mẫu xét nghiệm huyết học bị “nhân bản" |
Chị có lúc nào thấy nản không?
Tôi chưa bao giờ thấy nản, tính tôi cũng cương quyết và thẳng thắn. Tôi làm gì cũng nhiệt tình, thẳng thắn tới cùng, không phải là phụ nữ có tính cách mềm mỏng.
Dư luận xung quanh rất muốn tôi sẽ được cơ quan chức năng bảo vệ ủng hộ phanh phui sai phạm.
Họ rất muốn nhưng không tin là sẽ thành công cũng khiến tôi bị tác động, lo lắng nhiều. Nhiều lời bàn, nói không giải quyết được việc gì vì ông giám đốc ấy “mạnh” lắm. Nhưng tôi không thể chùn bước mỗi khi nhìn vào ánh mắt mong mỏi đợi chờ kết quả xét nghiệm của bệnh nhân.
Thật tội nghiệp, trong khi bệnh tật đang hành hạ họ mà lại phải cầm trong tay kết quả không đúng. Tôi đã nhiều đêm mất ngủ. Nếu không có người đấu tranh thì những người sai phạm sẽ tiếp tục trượt dài, bệnh nhân là người bị thiệt thòi nhất. Nếu tôi mệt mỏi mà nản chí, bỏ cuộc thì khác gì mình đồng lõa với cái sai của đồng nghiệp, sẽ trượt theo họ. Lương tâm tôi không cho phép nản, không được dừng lại.
Chị Hoàng Thị Nguyệt, sinh năm 1967, là cử nhân chuyên ngành xét nghiệm, có thâm niên 22 năm công tác tại BV Đa khoa Hoài Đức. Chồng chị Nguyệt là giáo viên, con trai lớn hiện là sinh viên trường ĐH Kiến trúc (Hà Nội), con gái thứ 2 học lớp 10 và con gái út học lớp 4. |
Tôi đang học liên thông, cũng mệt mỏi nhưng không vì thế mà mình có ý định bỏ cuộc. Khi được tin lãnh đạo thành phố khen, tôi rất tin tưởng và biết ơn các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí đã vào cuộc để sự thật sớm được phanh phui.
Thực ra khi quyết định đưa sự việc ra ánh sáng tôi đã rất tin là thành công. Tôi thấy các bạn phóng viên là những người có lương tâm, không quản mưa bão vẫn lao theo để đi thực tế, thẳng thắn lên tiếng. Tôi rất cảm ơn báo chí vì nếu không có các bạn thì một mình tôi chưa chắc đã thành công. Nhờ các bạn mà vụ việc được nhiều người biết và chia sẻ.
Trong vụ việc tiêu cực này có “dính” nhiều đồng nghiệp của chị. Chị có suy nghĩ gì?
Tôi có lúc cũng cảm thấy hơi băn khoăn vì dù sao họ cũng là đồng nghiệp của mình. Nếu họ bị kết tội nặng quá cũng thấy thương. Trong số các đồng nghiệp của tôi có nhiều đồng nghiệp trẻ. Các cháu còn trẻ không biết gì mà do cấp trên làm hỏng các cháu. Nhưng tôi nói các cháu không nghe. Nghĩ cũng ái ngại, cả với những đồng nghiệp lâu năm.
Thực ra tôi đã góp ý với chị trưởng khoa nhiều rồi. Góp ý thực sự gay gắt. Hầu như các cuộc giao ban tôi đều có ý kiến. Nhưng chị ấy quá tin tưởng giám đốc nên tôi nói chị ấy bỏ ngoài tai. Bây giờ thì chỉ biết chờ cơ quan chức năng xử lý.
Còn những người cùng chị tố cáo vụ việc thì sao?
Những người làm đơn chúng tôi rất phấn khởi. Mấy ngày nay đều liên lạc nhiều với nhau. Chị Đông là người tử tế hiền lành và có ý chí, tôi rất cảm kích. Chồng chị Đông và chị Định đều biết sự việc ngay từ đầu và rất ủng hộ vợ, nên các chị ấy một lòng đồng hành cùng tôi.
Thực ra trong nghề của mình có các thầy cô đều có lương tâm nghề nghiệp. Họ càng giỏi càng có lương tâm đạo đức. Hầu hết anh chị trong nghề đều tâm huyết. Đây là nghề lương thấp nhưng họ tâm huyết.