Tình trạng trẻ em phạm pháp từ lăng kính các em
Các em đưa ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em chưa thành niên vi phạm pháp luật có rất nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân từ sự không nghiêm khắc với bản thân, sự thiếu quan tâm chăm sóc từ gia đình, từ phía nhà trường và xã hội.
Sản phẩm thể hiện chủ đề trẻ em vi phạm pháp luật (Ảnh Hồng Chuyên) |
Một thực tế đặt ra hiện nay là bản thân những người cha người mẹ chỉ mải lo kiếm tiền, không lo chăm sóc trẻ, đẩy việc dạy dỗ con cái cho nhà trường. Trong khi đó nhà trường hiện nay phần lớn mới chỉ thực hiện được bổn phận truyền đạt kiến thức, chưa thật sự chú ý đến việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Thiếu kiến thức, thiếu sự hiểu biết là những nguyên nhân dẫn đến trẻ dễ sa ngã.
Vụ án Lê Văn Luyện thảm sát tại tiệm vàng ở Bắc Giang hay Trần Chiến Thắng, Đào Văn Tài, Mộng Thế Xương là những ví dụ điển hình cho sự bồng bột của tuổi trẻ, cho hành vi xao nhãng sự quan tâm từ phía gia đình, nhà trường và xã hội.
Thống kê của cục cảnh sát hình sự (bộ công an) cho thấy năm 2012, cả nước phát hiện 8.820 vụ việc vi phạm pháp luật do 13.289 đối tượng là người chưa thành niên gây ra, tăng 231 vụ (2,6%) so với năm 2011. Đây là con số đáng báo động cho đối với tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật.
Các em đã cung cấp cái nhìn khá chín chắn về vấn đề trẻ em phạm pháp. Nhưng theo các em trẻ em phạm pháp cần được đối xử ưu đãi hơn vì lý do phạm tội có thể từ thể chất, tinh thần chưa phát triển đầy đủ khiến các em như vậy.
Đề xuất có tòa án riêng xét xử trẻ em phạm pháp
Đề xuất được nhấn mạnh, tại cuộc đối thoại và bản khuyến nghị là mong muốn có tòa án riêng để xét xử trẻ em vi phạm pháp luật. Để trẻ em phạm pháp được đối xử phù hợp và đảm bảo quyền của các em.
Bên cạnh đó, trước vấn đề ứng xử với trẻ em phạm pháp, các em đề xuất, cần giúp đỡ những em vi phạm pháp luật để các em không thấy mặc cảm tội lỗi mà sửa đổi bản thân. Tăng cường tập huấn tâm lý cho những cơ quan liên quan. Điều tra viên và kiểm soát viên phải hiểu biết về tâm lý trẻ em và có những hiểu biết nhất định đến việc có liên quan đến trẻ em.
Các em cũng kiến nghị giải pháp phòng ngừa trẻ em phạm pháp, cần tăng cường các buổi tư vấn tâm lý nhằm hỗ trợ kịp thời đến các em, xây dựng những chương trình hoat động có nội dung tích cực. Tăng cường hệ thống dịch vụ tại cơ sở, khuyến khích các em tham gia vào những trò chơi có ích.
Cũng tại buổi gặp gỡ, các em đã nêu câu hỏi: Nhà nước ta cần thực hiện biện pháp gì để cán bộ khi làm việc với trẻ em có những hiểu biết và những kỹ năng nhất định nhằm đảm bảo quyền của các em?
Trả lời câu hỏi này, Phó Cục trưởng cục C45 (Bộ Công an), Trần Văn Toản nhấn mạnh: “Các em chưa thành niên vi phạm pháp luật là người chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần chính vì vậy trong quá trình làm việc với các em (những em vi phạm pháp luật và những em là nạn nhân của những hành vi vi phạm pháp luật) phải có những quy định đặc biệt và phải có chế tài cụ thể. Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam có cả một chương riêng dành cho người chưa thành niên”.
Ông cũng nhấn mạnh hiện nay cơ quan chức năng và các bộ ngành đã nghiên cứu và đưa vào trong chương trình giảng dạy cán bộ trong nhà trường và trong các học viện. Cụ thể đã có những chương trình, đề án tập huấn nâng cao kỹ năng của cán bộ trực tiếp điều tra truy tố nạn nhân.
Tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp làm công tác điều tra, truy tố, xét xử liên quan đến trẻ vị thành niên như xây dựng phòng điều tra thân thiện, lấy lời khai thân thiện đối với trẻ em để đảm bảo quyền cho các trẻ em.
Ông Trần Văn Toản, Phó Cục trưởng Cục C45- Bộ Công an trả lời các em (Ảnh Hồng Chuyên) |
Bày tỏ nguyện vọng của mình, em Nguyễn Thanh Hiền, học sinh lớp 8 trường THCS Quy Kỳ huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên chia sẻ:“Nên có hai cơ quan pháp luật (điều tra, xét xử- PV) riêng biệt để xử phạt đối với những người vi phạm pháp luật là những người chưa thành niên và những người đã đủ tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Em bày tỏ mong muốn các điều tra viên và kiểm soát viên phải hiểu biết về tâm lý của trẻ. Và mức xử phạt nên chỉ mang tính răn đe, cảnh cáo để các em có cơ hội sớm hòa nhập với cộng đồng.
Bằng cách thể hiện sinh động những khuyến nghị, các em đã thực sự thuyết phục những người tham gia diễn đàn bằng sự hồn nhiên, trong sáng nhưng cũng không kém phần thông minh của các em. Với một khát khao, mong muốn trẻ em cả nước được ưu tiên chăm sóc và bảo vệ, diễn đàn thực sự đã thành công khi để các em thể hiện quyền tham gia của mình.
6 khuyến nghị của trẻ em Diễn đàn có sự tham gia của 171 em nhỏ đến từ 29 tỉnh thành cả nước. Tại diễn đàn các em nhỏ chia ra là 6 nhóm chủ đề. Các em gửi 6 khuyến nghị đến cơ quan Nhà nước và Ban soạn thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi. Nội dung khuyến nghị bao gồm:
Thứ nhất, Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền nên thường xuyên lắng nghe, trao đổi phản hồi các ý kiến của trẻ em, đặc biệt trẻ em vùng sâu vùng xa. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cần có biện pháp để bảo đảm quyền tham gia của trẻ em, diễn đàn trẻ em và các hoạt động thực hiện quyền tham gia của trẻ em cần được quy định cụ thể trong luật này để trẻ em được lắng nghe và bày tỏ nguyện vọng và phát triển kỹ năng thực hiện quyền tham gia. Tạo điều kiện để chúng em có thể đóng góp ý kiến vào việc xây dựng và giám sát thực hiện pháp luật, chính sách có liên quan đến trẻ em. Thứ 2, Cần có quy định cụ thể trong các luật hình thức gây tổn hại cho trẻ em, bắt buộc, tố cáo và xử lý nghiêm khắc các hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cán bộ xã hội, chính quyền xã, phường, các cấp, các ngành trong việc bảo đảo quyền được bảo vệ của trẻ em. Thứ 3, Có quy định cụ thể trách nhiệm xây dựng môi trường sống an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cần tổ chức nhiều hơn các lớp dạy bơi, phổ biến kỹ năng, kiến thức an toàn cho trẻ em trong trường học và cộng đồng. Thứ 4, Quy định cụ thể trong các luật việc ưu tiên xây dựng, sửa chữa và vận hành các cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ em. Xử lý nghiêm khắc những người sản xuất, buôn bán, cung cấp đồ chơi, trò chơi không phù hợp, độc hại, nguy hiểm đối với chúng em. Có chính sách hỗ trợ, giảm, miễn phí để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng khó khăn và gia đình nghèo được tham gia hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí. Thứ 5, Cần quy định cụ thể các biện pháp truyền thông, giáo dục, xử phạt hành vi kỳ thị, cản trở quyền học tập của trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV/AIDS. Có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đầy đủ hơn để trẻ em bỏ học, trẻ em khuyết tật và trẻ em nhiễm HIV/AIDS được đi học. Thứ 6, Cần có nhiều hơn các chương trình, biện pháp phòng ngừa, giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật tại cộng đồng để giảm bớt số trẻ em phải vào trường giáo dưỡng, trại giam, giúp đỡ trẻ em vi phạm pháp luật hòa nhập với cộng đồng. Đáng chú ý khuyến nghị đề xuất thành lập tòa án riêng để việc xét xử trẻ em vi phạm pháp luật được thân thiện hơn với trẻ em. |
Theo Infonet