Bộ GD công nhận bằng cấp nước ngoài: Ai muốn thì làm!

Thứ ba, 13/08/2013, 08:27
"Việc yêu cầu công nhận văn bằng là việc của cá nhân, ai có nhu cầu thì xin công nhận, ai không có nhu cầu Cục cũng không ép buộc" - Phó cục trưởng Cục khảo thí - Bộ GD&ĐT - Trần Văn Nghĩa cho biết.

Quy định công nhận văn bằng của người Việt học ở nước ngoài do Bộ GD&ĐT ban hành sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 30/8 tới đây, xin ông nói rõ hơn về quy định này. Theo ông, mục đích khi Bộ đưa ra quy định này là gì, thưa ông?

Trong những năm gần đây, cùng với chính sách mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường hội nhập của Đảng và Nhà nước ta, số lượng các cơ sở đào tạo nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và số học sinh du học tăng lên rất nhanh.

bang cap
Muốn công nhận văn bằng tốt nghiệp ở nước ngoài, sinh viên phải tự cung cấp hồ sơ

Tuy nhiên có một thực tế là hệ thống giáo dục của các nước trên thế giới rất đa dạng, không hoàn toàn giống với hệ thống giáo dục ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học lại rất khác nhau, ngay ở Mỹ - nơi có hệ thống giáo dục đại học rất phát triển, các nhà quản lý giáo dục của Mỹ trong các hội thảo cũng vẫn cảnh báo về việc  tồn tại các “lò sản xuất bằng cấp- Diploma mill”.

Ở Việt Nam cũng đã xảy ra nhiều trường hợp không đi du học vẫn có được bằng tiến sĩ do cơ sở nước ngoài cấp.

Chính vì vậy, quy định này là nhằm hiện thực hóa, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, "gạn đục khơi trong" để lựa chọn được những trường hợp học thật, có chất lượng để công nhận bằng cho họ.

Trên thực tế, hầu hết các nước trên thế giới đều có cơ quan công nhận văn bằng và đã hình thành nên các mạng lưới công nhận văn bằng (ví dụ như các nước châu Âu có “The NARIC Network”) để cùng trao đổi kinh nghiệm, cung cấp thông tin và hỗ trợ lẫn nhau trong công tác công nhận văn bằng.

Ở Việt Nam, khoản 1 Điều 110 của Luật Giáo dục quy định “Việc công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Với quy định này, Cục có giới hạn văn bằng của trường nào trên thế giới sẽ phải thẩm định lại không? Đối với sinh viên tốt nghiệp trường đại học Havard thì quy trình thẩm định sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Để có cơ sở pháp lý để triển khai công tác công nhận văn bằng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/12/2007.

Khoản C Điều 3 của Quyết định  77/2007/QĐ-BGDĐT quy định điều kiện để công nhận là: “Văn bằng được cấp bởi các cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài mà các chương trình giáo dục đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng”.

Như vậy:

a) Khi công nhận văn bằng, Cục không “thẩm định” các trường đại học trên thế giới mà chỉ kiểm tra xem các trường này và các chương trình đào tạo có được nước sở tại (nước có trường đại học) công nhận về chất lượng hay không.

b) Khi công nhận văn bằng, tùy theo trường hợp cụ thể Cục có thể phải phối hợp với: các cơ sở giáo dục đại học để xác định học viên có học và tốt nghiệp tại trường đó không; với cơ quan đảm bảo chất lượng hoặc cơ quan công nhận văn bằng của nước sở tại để khẳng định cơ sở giáo dục có tuân thủ đúng các quy định pháp luật của nước đó không. Và với cách thức công nhận như vậy sẽ hạn chế được  tình trạng bằng giả, bằng kém chất lượng.

Đối với sinh viên có bằng của Havard thì không phải thẩm định lại trường nữa nhưng vẫn phải thẩm định xem sinh viên đó có thật sự học tại trường Havard không.

Nếu quy định này được thực hiện, xin ông cho biết hồ sơ, cơ cấu tổ chức, nhân sự được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được thực hiện theo các quy định tại Quyết định 77/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thông tư số 26/2013/TT-BGDĐT ngày 15/7/2013, sửa đổi  bổ sung một số điều của Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/12/2007.

Để thực hiện công việc này Cục khảo thí đã thành lập phòng quản lý tuyển sinh và công nhận văn bằng và đang xúc tiến xây dựng Đề án thành lập Trung tâm công nhận văn bằng để tổ chức việc công nhận văn bằng theo hình thức “dịch vụ công”.

Người ta lo ngại, công việc này sẽ tạo thêm việc cho Cục khảo thí, từ một đơn vị vốn không nhàn rỗi nay lại phải kiêm nhiệm công việc của một phòng công chứng, ông nghĩ sao về điều này?

Việc yêu cầu công nhận văn bằng là việc của cá nhân, ai có nhu cầu thì xin công nhận, ai không có nhu cầu Cục cũng không ép buộc.

Nếu muốn được công nhận văn bằng bắt buộc cá nhân đó phải đảm bảo cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ có liên quan để làm thủ tục được công nhận. Dựa vào hồ sơ của người cần cấp bằng cung cấp, Cục sẽ xem xét và công nhận văn bằng cho họ. Việc này Cục không làm thay.

Xin cảm ơn ông!

Theo Baodatviet

Các tin cũ hơn