Ông Đào Xuân Dũng, Chủ tịch UBND xã Mê Linh, huyện Lâm Hà cho biết, rất may mắn là hai pho tượng này đặt trong gian sau cùng của đền trung tế, được khóa chặt bằng cửa sắt nên kẻ xấu đã không đốt cháy hai pho tượng quý hiếm giống như các đồ vật khác có trong đền.
Ngôi đền bị đốt cháy nham nhở. |
Đây là hai pho tượng gốc, mô phỏng hình ảnh Hai Bà Trưng, tượng được làm bằng gỗ mít. Năm 2000, sau khi nhân dân huyện Mê Linh (Hà Nội) đúc tượng Hai Bà Trưng bằng đồng đã đem tặng hai bức tượng gốc này cho nhân dân xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, là những người gốc huyện Mê Linh (Hà Nội) đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng từ sau những năm đất nước vừa thống nhất.
Vào thời điểm đó, do ở xã Mê Linh chưa có đền thờ Hai Bà Trưng nên hai pho tượng nguyên bản bằng gỗ mít này được đặt ngay tại lầu 2, trụ sở UBND xã Mê Linh, huyện Lâm Hà. Sau đó, lãnh đạo UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) vào thăm người dân địa phương đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng đã hỗ trợ kinh phí, cùng với người dân xã Mê Linh đóng góp thêm tiền của xây dựng ngôi đền khang trang như hiện nay.
Ông Đào Xuân Dũng rất bức xúc trước đền thờ Hai Bà Trưng bị phá hoại. |
Năm 2010, nhà trung tế của đền Hai Bà Trưng được xây kiên cố, UBND xã Mê Linh đã làm lễ rước hai pho tượng này lên vị trí hiện nay để đặt, phục vụ đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương. Tượng Hai Bà Trưng được khóa chặt bằng cửa sắt với ổ khóa kiên cố nhằm tránh tình trạng bị kẻ xấu lấy trộm. Mỗi năm một lần, vào tháng Giêng hàng năm, chính quyền địa phương mới mở kho đem tượng ra lau chùi phục vụ lễ hội.
Ông Đào Xuân Dũng, Chủ tịch UBND xã Mê Linh cho biết, cũng không rõ hai pho tượng Hai Bà Trưng nguyên bản này có từ khi nào. Chỉ biết rằng, khi tiếp nhận từ chính quyền huyện Mê Linh (Hà Nội), ông được những bậc cao niên tiết lộ là đã có từ rất lâu đời.
Những gì còn sót lại sau vụ cháy. |
Trước đó, ông Nguyễn Bình Trọng, Trưởng ban Văn hóa xã Mê Linh, huyện Lâm Hà cho biết, sáng ngày 2/8 vừa qua, một người dân địa phương hốt hoảng chạy đến trụ sở UBND xã thông báo đền thờ Hai Bà Trưng bị đốt cháy nham nhở, hầu hết vật dụng bên trong đều đã thành tro bụi. Lập tức, Chủ tịch UBND xã Mê Linh, ông Đào Xuân Dũng cùng với một số cán bộ xã có trách nhiệm liên quan đã đến đền Hai Bà Trưng để xác minh vụ việc.
Xét thấy đây là một vụ đốt phá đền có tính chất cực kỳ nghiêm trọng nên đã lập biên bản giữ nguyên hiện trường, báo cho công an huyện Lâm Hà tới khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai một số nhân chứng để phục vụ công tác điều tra.
Theo ông Trọng, do đền vừa được xây dựng nên những vật dụng không nhiều, chủ yếu là đồ tế lễ, phục vụ dâng hương cúng vái Hai Bà Trưng hàng năm.
Ông Nguyễn Bình Trọng trao đổi với phóng viên về vụ đốt đền tai tiếng. |
Trước đó, một số người dân địa phương cho rằng đền Hai Bà Trưng bị đốt cháy có thể là do các đối tượng xấu nghi trong đền có chứa đồng đen nên đã kéo đến đốt phá, săn tìm loại báu vật này. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bình Trọng cho biết, do trong đền từ trước đến nay không có vật dụng nào có giá trị lớn ngoài hai bức tượng gỗ Hai Bà Trưng nguyên bản nên khả năng kẻ xấu đốt đền tìm đồng đen chỉ là tin đồn, không đủ căn cứ.
Đền Hai Bà Trưng do người dân địa phương và người dân huyện Mê Linh (Hà Nội) quyên góp tiền của xây dựng nên. Đền hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2010, do không có ai thường xuyên trông coi nên ngôi đền này đã liên tục bị xâm hại.
Toàn cảnh đền Trung tế, nơi bị đốt phá. |
Ông Đào Xuân Dũng cho biết, sau vụ đền Hai Bà Trưng bị đốt cháy, người dân địa phương vô cùng bức xúc, đang nóng lòng chờ các cơ quan chức năng nhanh chóng xác định được những đối tượng đốt phá đền để đưa ra ánh sáng pháp luật.
Theo Kienthuc