Việt Nam sắp công nhận bằng Harvard

Thứ năm, 01/08/2013, 15:58
Cái nước ngoài gọi là chứng nhận, chứng chỉ khi về VN được xác nhận là bằng tiến sĩ, thì hà cớ gì ta không xem bằng giáo sư, tiến sĩ của nước ngoài mà Bộ GD&ĐT chưa xác nhận chỉ là “chứng chỉ”, “chứng nhận” khi dùng ở VN.

Theo quy định mới của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ ngày 30/8/2013, người Việt Nam có văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải gửi hồ sơ về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) để công nhận văn bằng. Người đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải nộp phí theo quy định của Bộ Tài chính. Nếu Cục này từ chối công nhận phải có lý do.

Nếu như vậy, trong trường hợp người có văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp không được Bộ GD&ĐT công nhận vì hệ thống giáo dục VN hiện không có văn bằng nào tương đương, thì lúc này cần phải hiểu thế nào, xem như người đấy chưa được đào tạo gì, văn bằng nước ngoài đó trong trường hợp này đem về nước chỉ là tờ giấy lộn chỉ vì giáo dục VN khác thế giới.

Có lẽ lúc này những nhân tài muốn về nước cống hiến lại tìm đường ra đi, chỉ vì cách thu hút nhân tài của VN lạ quá, kêu gọi cống hiến đấy, nhưng phải hợp kiểu mới được cống hiến, còn không giống thì “No see you again”. Đấy là cách thu hút nhân tài của VN, cũng chả giống ai như chính cái ngành giáo dục VN đang giảng dạy, hay chuẩn sách giáo khoa vậy.

Còn trường hợp người nào có văn bằng nước ngoài mà không nộp hồ sơ xin Bộ GD&ĐT chứng nhận thì không biết phải ứng xử ra sao, vì người nào muốn được chứng nhận phải gửi Bộ vậy hiển nhiên hiểu rằng, người không được Bộ xác nhận thì văn bằng đó là không giá trị trên toàn lãnh thổ VN.

bang cap

Cái nước ngoài gọi là chứng nhận thì về VN được xác nhận là bằng tiến sĩ.

Như TS. Alan Phan, người có bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Mỹ và Tiến sĩ ở Úc, về VN tuy được gọi là tiến sĩ vậy thôi nhưng muốn cái bằng tiến sĩ của mình có giá trị trên lãnh thổ VN phải làm gấp hồ sơ và gửi kèm lệ phí tới Bộ GD&ĐT để được chứng nhận thì may ra, còn giờ chức danh này chỉ có giá trị trên mặt báo.

Vẫn còn rất nhiều trường hợp như TS. Alan Phan, không chỉ người Việt, người gốc Việt hay người nước ngoài đang làm việc và nghiên cứu tại VN có đủ các loại bằng cấp khác nhau, từ giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ… và chắc chắn nhiều trong số đó chưa làm thủ tục để được Bộ GD&ĐT chứng nhận là bằng đạt chuẩn, nhưng vẫn “nổ” là giáo sư, tiến sĩ nọ kia, nhưng thực chất đấy chỉ là cái danh, còn về mặt pháp lý thì khi chưa được Bộ công nhận nó vẫn chỉ là một tờ giấy bìa cứng, có dấu đỏ và chữ ký của một trường nào đấy xa xăm ngoài lãnh thổ VN.

Nếu không có giá trị pháp lý, vậy những người mà được các cơ sở giáo dục nước ngoài cấp bằng giáo sư, tiến sĩ… khi vào VN thì học tập, làm việc, nghiên cứu thì phải lấy danh là gì? Phải chăng chúng ta cũng nên có một cái tên rất “thuần Việt” cho loại bằng cấp nước ngoài mà không giống VN, chưa được Bộ GD&ĐT thừa nhận.

Người viết xin được đề xuất gọi chung những thể loại bằng cấp của nước ngoài đấy là “chứng chỉ” hay “chứng nhận” thôi, vì nó chưa được thừa nhận ở VN, chỉ khi nào được Bộ GD&ĐT ký và đóng dấu mới được xem là bằng cấp. Mà ở VN ta, thì chỉ có bằng cấp là thứ cực kỳ quan trọng, trong các báo cáo thành tích về nhân sự thì bằng cấp là thứ được nhắc tới đầu tiên như là một nỗ lực thu hút nhân tài.

Còn trong vấn đề đi xin việc, thì bằng cấp là điều quan trọng thứ hai, và thứ duy nhất có thể vượt qua nó là cái thứ dân gian vẫn nói ngược là “đầu tiên”.

Đấy là ở khía cạnh không được công nhận, còn ở phần văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được Bộ GD&ĐT chứng nhận cũng có nhiều kỳ tích đáng phải ghi nhận. Khi mà biến một giấy chứng nhận thành hẳn một bằng tiến sĩ.

Trường hợp điển hình kể trên là của nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, ban đầu người ta tưởng rằng cái ông đang có trong tay do một trường đại học Đức cấp là bằng tiến sĩ, vì được một lãnh đạo trong Bộ GD&ĐT ký xác nhận, và ông Thứ trưởng này cũng hiển nhiên tự nhận mình là tiến sĩ, cũng một phần nhờ đó ông lên tới chức Thứ trưởng.

Nhưng khi sự việc bại lộ, cơ quan điều tra vào cuộc, người ta mới té ngửa rằng, đấy chỉ là một cái giấy chứng nhận rằng ông đã bảo vệ đề tài để tham gia chương trình đào tạo tiến sĩ. Và rồi giờ ông Thứ trưởng một thời chuyển về làm chuyên viên một Cục thuộc Bộ.

Ví dụ của ông Thứ trưởng trên cho ta thấy một thực tế không thể chối cãi, cái nước ngoài gọi là chứng nhận, chứng chỉ mình xem là bằng tiến sĩ, thì hà cớ gì ta không xem bằng giáo sư, tiến sĩ của họ mà Bộ GD&ĐT chưa xác nhận là “chứng chỉ”, “chứng nhận”.

Và vì giáo sư, tiến sĩ của người ta chỉ được xem như chứng chỉ, chứng nhận của mình, nên những bằng giáo sư, tiến sĩ của mình sẽ được xếp vào hàng Giáo sư chất lượng cao, Tiến sĩ chất lượng cao, những người được nhận bằng này đều được học trong những cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, và phải học từ mầm non tới đại học như Hà Nội đang áp dụng và tương lai sẽ tiếp tục được nhân rộng, với mục tiêu tất cả hệ thống giáo dục của mình đểu là các trường chất lượng cao, vượt hẳn tầm thế giới.

Lúc đấy thế giới cũng phải công nhận các giáo sư, tiến sĩ của VN đều là chất lượng cao, vì họ được đào tạo trong một nền giáo dục chất lượng cao mà cả thế giới không có. Vậy thì đâu còn ai ý kiến được gì nữa.

Theo Phunutoday

Các tin cũ hơn