Bên trong Trung Nam Hải: Những cuộc họp kín

Thứ năm, 01/08/2013, 09:25
Những cuộc họp kín của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc diễn ra trong căn phòng rộng gần 100 m2. Nguyên tắc được đề cao nhất trong các cuộc họp của những người quyền lực nhất này là: thống nhất.

Trung Nam Hải

Tấm bảng Tân Hoa Môn và dòng chữ "Vì nhân dân phục vụ" tại cổng chính của Trung Nam Hải. Ảnh: Sina

Việc họp bàn diễn ra ở Cần Chính Điện, là tòa nhà nằm trên một dải đất hẹp giữa hai chiếc hồ nhân tạo, Trung Hải và Nam Hải, trong khuôn viên Trung Nam Hải. Căn phòng giản dị bên trong Cần Chính Điện chính là nơi Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc tụ họp và là nơi ban hành những chính sách quan trọng nhất của đất nước.

Ông Bào Đồng, 80 tuổi, từng là trợ lý cho ông Triệu Tử Dương thời ông Triệu là tổng bí thư những năm 1980 mô tả lại cảnh tượng căn phòng và không khí các cuộc họp.

"Không có trang trí gì trong phòng họp. Điều duy nhất đập vào mắt chỉ là màu xanh ngút ngát của những rặng cây bên ngoài cửa sổ", ông Bào nói.

Nhà chức trách Trung Quốc chưa bao giờ công khai thông tin về những cuộc họp như vậy.

Cần Chính Điện được cho là nơi làm việc của Hoàng đế Quang Tự cuối đời nhà Thanh của Trung Quốc. Tòa nhà được sửa sang lại sau khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949.

Ông Bào nhớ lại cuộc gặp vào khoảng năm 1987, khi một tuyên bố quan trọng được đưa ra: "Tôi muốn đề cử đồng chí Giang Trạch Dân làm bí thư thành ủy Thượng Hải. Các đồng chí nghĩ sao về việc này?"

Sau khi ông Triệu Tử Dương bị bãi nhiệm chức vụ tổng bí thư vào tháng 5/1989 vì có xu hướng ủng hộ các nhà hoạt động dân chủ, ông Giang Trạch Dân được đề cử thay thế ông Triệu. Cuộc họp năm 1987 thảo luận về việc thăng chức cho ông Giang lên vị trí quan trọng ở Thượng Hải.

Các cuộc họp Thường vụ Bộ Chính trị được tổng bí thư triệu tập. Vào những năm 1980, một tuần diễn ra một hoặc hai cuộc họp. Các cuộc họp thường được tiến hành với việc tất cả các thành viên thường vụ bày tỏ quan điểm về các nội dung mà tổng bí thư đưa ra.

Những vị lão thành cách mạng như Dương Thượng Côn, Vạn Lý và Bạc Nhất Ba, được mời tham dự và phát biểu ý kiến. Sau khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình rời khỏi Ủy ban Thường vụ năm 1987, ông không bao giờ tham dự những cuộc họp như thế này nữa, nhưng những trợ lý của ông luôn xuất hiện và ghi chép kỹ lưỡng.

Phòng họp rộng khoảng 100 m2 và có chiếc bàn hình chữ nhật dài khoảng 5-6 m. Tổng bí thư luôn luôn ngồi ở vị trí quan trọng nhất trong khi các thành viên khác có thể ngồi đâu tùy theo ý muốn. Các trợ lý ngồi tại hàng ghế kê sát tường.

Nguyên tắc của các cuộc họp là nhất trí. Nếu có ý kiến phản đối thì có thể sửa đổi đề xuất ban đầu. Nếu không thống nhất được ý kiến, tổng bí thư sẽ nói "fangqi" (bỏ qua) và vấn đề sẽ được quyết định sau.

Ông Bào kể rằng trong 9 năm ông tham dự các cuộc họp, chưa có trường hợp nào quyết định được ban hành dựa trên nguyên tắc đa số, mà hoàn toàn dựa trên sự nhất trí. Đây là truyền thống được đặt ra để ngăn chặn sự chia rẽ trong nội bộ các nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng.

Vì không bỏ phiếu theo nguyên tắc đa số, nên các lãnh đạo thời đó chỉ có một sự lựa chọn là làm theo ý kiến mà lãnh đạo cao nhất đưa ra mỗi khi có các ý kiến khác biệt.

(Còn nữa)

Theo VNN

Các tin cũ hơn