Sau khi cầu Cầu Thơ khánh thành và đưa vào sử dụng, Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác cầu Cần Thơ ra đời trên cơ sở tổ chức và nhân lực từ cụm phà Hậu Giang chuyển qua. Số công nhân này được đưa đi đào tạo để tiếp nhận quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa cầu đường và thu phí đường bộ tại cầu Cần Thơ.
Những người thất nghiệp khốn đốn vì mất nguồn thu nhập
Tháng 1/2013 Trạm thu phí cầu Cầu Thơ ngưng hoạt động theo Quyết định của Bộ Giao thông Vận tải. Thời điểm này có đến 75 nhân viên đang làm nhiệm vụ thu phí tại đây. Công ty chỉ giải quyết được việc làm cho 44 người ở các Hạt quản lý cầu đường; 31 người còn lại thất nghiệp từ đó tới nay.
Công ty đã báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT, Bộ Tài chính đề nghị hỗ trợ nguồn kinh phí trợ cấp mất việc làm từ Quỹ bảo trì đường bộ cho những người này.
Bảng duyệt chi trợ cấp của Tổng cục Đường bộ gửi cho các nhân viên thất nghiệp
Ngày 4/2/2013, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có công văn số 586/TCĐBVN-TCCB về việc giải quyết chế độ cho người lao động tại các trạm thu phí ngưng hoạt động. Công ty Quản lý và khai thác cầu Cần Thơ đã lập hồ sơ của 31 người mất việc nói trên để được cấp kinh phí cho lao động dôi dư, Bộ GTVT đã phê duyệt tổng số tiền 2,2 tỷ đồng.
Sau đó công ty đã hướng dẫn 31 người thất nghiệp ký vào bảng nhận tiền gửi tới kho bạc để kho bạc sẽ chuyển tiền vào tài khoản cho từng cá nhân. Tuy nhiên, thủ tục làm xong, bảng lương cũng đã ký nhưng gần nửa năm nay vẫn không có tiền.
Ngày 11/7/2013, Bộ Giao thông vận tải lại có Công văn số 2996 do ông Nguyễn Xuân Cương - Phó tổng Cục trưởng Cục Đường Bộ Việt Nam - ký, yêu cầu công ty lấy chi phí quản lý của doanh nghiệp để trả cho khoản tiền trợ cấp thất nghiệp của 31 công nhân nói trên. Trong khi đó công ty này lại khẳng định không có khả năng chi trả.
Ông Nguyễn Di Thái - Chủ tịch HĐTV Công ty cho biết Bộ GTVT và Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng thông tư 180 là không hợp lý |
Sáng 30/7, tại buổi gặp những người mất việc, ông Nguyễn Di Thái, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý và khai thác cầu Cần Thơ cho biết:
Bộ GTVT và Bộ Tài chính áp dụng thông tư 180 của Bộ Tài chính ban hành ngày 24/10/2012 về việc giải quyết cho người thất nghiệp trong trường hợp này là không hợp lý, vì 31 nhân viên của công ty này thất nghiệp đều là nhân viên của cụm phà Hậu Giang cũ chuyển qua; đã có mấy chục năm làm việc và hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc đơn vị sự nghiệp có thu.
Cũng theo ông Thái, công ty hiện nay có nguồn thu nhập sau thuế chỉ một vài trăm triệu đồng, Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc của công ty ba năm qua chỉ có 130 triệu đồng, nếu chi trả thất nghiệp cho 31 nhân viên trên là không đủ khả năng và sẽ kéo dài rất lâu.
Bà Võ Thị Kim Lan có 30 năm làm việc ở Cụm phà Hậu Giang bức xúc: “Khi trạm thu phí cầu Cần Thơ ngưng hoạt động, cơ quan vận động chúng tôi nên nghỉ theo chế độ thất nghiệp, phòng tổ chức cũng tính cho tôi một bảng trợ cấp thất nghiệp với khoản tiền 99 triệu đồng, yêu cầu tôi nộp đủ các giấy tờ liên quan cần thiết, nhân viên phòng kế toán sẽ chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Thế nhưng từ đó tới nay chả thấy tiền đâu và bây giờ lại bảo phải thực hiện theo thông tư 180 gì đó”.
Cùng tâm trạng với bà Lan là bà Nguyễn Thị Thu Vân có 32 năm công tác nói, lãnh đạo công ty nói với bà rằng bà có số năm công tác lâu, nếu chịu về hưu sớm sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp một lần là 111 triệu đồng. Thế nhưng đến nay bà vẫn chưa nhận được một đồng.
Ông Nguyễn Phúc Đại chia sẻ: “Tôi đã làm việc cho cụm phà Hậu giang hơn nửa đời người, nhưng nửa năm nay tôi phải nghỉ ở nhà. Nếu nhà nước không trả tiền theo chế độ thất nghiệp thì bố trí lại công việc cho tôi để tôi còn lo lắng cho gia đình”.
Theo Dantri