Mấy ngày qua, dư luận “dậy sóng” trước việc Thành đoàn Hà Nội tổ chức thi công một đoạn đường giao thông nông thôn (tại xã Phùng Xá, H.Thạch Thất, Hà Nội) với chiều dài 700m, rộng 5m, mà phải huy động tới 1.000 thanh niên tình nguyện tham gia.
Đoạn đường ngắn chật ních thanh niên tình nguyện. (Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Bí thư Đoàn thanh niên xã Phùng Xá - anh Chu Văn Cường, cho biết, trong số 1.000 thanh niên tình nguyện Thủ đô, có 400 thanh niên của huyện Thạch Thất chỉ đến dự lễ khởi công rồi... ra về.
Anh Cường thừa nhận, mặc dù vậy, số ở lại vẫn còn quá đông và anh cũng đã có trao đổi với Thành đoàn về việc phân bổ nguồn nhân lực, ví dụ như cho thanh niên quân đội làm 1 ngày, thanh niên tình nguyện làm 1 ngày… để không tốn chi phí ăn uống mà tận dụng được sức người. Tuy nhiên, ban tổ chức vẫn gộp toàn lực lượng để làm.
Hơn nữa, cán bộ xã Phùng Xá còn cho biết thêm, con đường này, xã đã thuê làm hết các việc từ dọn đường đến chuẩn bị nguyên, vật liệu. Thanh niên tình nguyện tới chỉ làm việc đổ bê tông và thực tế chỉ làm 2 ngày, tới ngày thứ 3, chỉ có 45 đoàn viên thanh niên xã Phùng Xá làm nốt đoạn đường… 60m.
Về việc điều động tới 1.000 người, anh Nguyễn Đình Trung - Trưởng ban Thanh niên nông thôn Thành đoàn Hà Nội, người trực tiếp chỉ huy công trường giải thích: Với các thợ đổ bê tông chuyên nghiệp thì cần nhân lực 30 người/máy trộn, còn đây là thanh niên tình nguyện, chưa quen việc phải cần số người gấp 3 lần cho mỗi máy.
Nếu thợ chuyên nghiệp họ làm từ sáng tới trưa mới nghỉ thì các em chỉ làm được 2-3 tiếng là phải thay ca. Ngoài ra, còn có hơn 100 người của thành đoàn, huyện đoàn, các bên hỗ trợ, giám sát…
Lý giải cho việc đầu tư 1,5 tỷ cho 700m đường nông thôn, anh Trung cho biết, đơn vị thi công tính bao gồm giá vật tư, trang thiết bị, ngày công của 1.000 người trong 3 ngày (trung bình 250.000 đồng/ngày) là 1,3 tỷ. Còn 200 triệu là tiền… ăn uống, vận chuyển thanh niên trong thời gian làm việc.
Trao đổi với PV, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: "Dư luận nói đây là việc làm hình thức, kém hiệu quả là đúng".
GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. |
Ông nói: “Những 1.000 người tham gia làm con đường 700m thì không chỉ lãng phí mà còn không đảm bảo được kỹ thuật. 700m đường với toàn người là người, chật ních như thế thì làm cái gì được.
Thật ra, việc huy động thanh niên đến dự lễ khởi công cũng phải tính toán, bởi vì thời gian cũng là tiền bạc. Quá đông người như vậy, có thể phân công họ làm những việc có ích hơn.Tôi nghĩ, chúng ta không nên lập những kỷ lục kiểu như thế nữa”.
Về việc, những người trong ban tổ chức, và cả cán bộ, lãnh đạo xã đều nhìn thấy số lượng người như thế là quá đông, tuy nhiên lại vẫn để sự việc diễn ra, GS.TS.Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Làm lãnh đạo phải nhạy cảm.
Nghĩa là trong mọi tình huống phải phát hiện được vấn đề, phải thấy điều gì nên làm, không nên làm và có ngay cách giải quyết vấn đề hợp lý hợp tình. Đó là phẩm chất khác biệt giữa lãnh đạo với những người bình thường. Còn không, người ta cũng chẳng cần lãnh đạo làm gì”.
GS Thuyết cũng nói thêm: “Mỗi giai đoạn lịch sử, Đoàn Thanh niên Cứu quốc trước đây và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sau này đều có sáng kiến tổ chức các phong trào thi đua yêu nước của thanh niên. Có những phong trào mang lại những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, như phong trào “Ba sẵn sàng” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tiếp nối thế hệ đi trước, tuổi trẻ hiện nay cũng phát động phong trào “Thanh niên tình nguyện” để động viên thanh niên đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Màu áo xanh tình nguyện xuất hiện ở nhiều nơi, đóng góp khá nhiều cho xã hội.
Tuy nhiên, phong trào này cần có chiều sâu để đóng góp hiệu quả, thiết thực hơn. Thỉnh thoảng, ở nơi này, nơi khác, tình nguyện biến thành việc làm hình thức, chạy theo thành tích như kỷ lục kể trên thì… không nên”.
Theo Kienthuc