Tiền thuế dân nghèo phục vụ nhà giàu?
Mới đây, Hà Nội công bố chủ trương xây dựng các trường công chất lượng cao bậc mầm non, trung học, với mức học phí trần là 2,9 – 3 triệu đồng/tháng. GS đánh giá như thế nào về chủ trương này, thưa GS?
- Trước hết, phải xác định rõ, hệ thống trường công sử dụng ngân sách giáo dục, tức là tiền thuế của mọi công dân Việt Nam đóng góp để mọi trẻ em trên đất nước này đều có quyền và cơ hội ngang nhau khi tiếp cận các dịch vụ giáo dục công.
Tính bình đẳng và công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ giáo dục công được tất cả các nước trên thế giới tôn trọng và thực hiện như một lẽ đương nhiên.
Xét trên nguyên tắc toàn cầu như vậy, việc xây dựng hệ thống trường công chất lượng cao ở Hà Nội đã vi phạm quyền bình đẳng tiếp cận với hệ thống giáo dục công của học sinh Hà Nội.
Theo chủ trương này, chỉ có học sinh nhà giàu mới có thể học các trường chất lượng cao, trong khi phần đông còn lại, trở thành công dân hạng 2, học ở các lớp “chất lượng không cao”.
GS. Nguyễn Đăng Hưng
Điều này đồng thời vi phạm điều 10, Luật Giáo dục Việt Nam, được xây dựng căn cứ vào Hiến pháp Việt Nam: “Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành”. Đó là điểm thứ nhất.
Thứ hai, đã là trường công là đã được Nhà nước bao cấp bằng tiền đóng thuế của nhân dân. Nếu xây dựng trường công chất lượng cao mà chỉ con nhà giàu mới có thể theo học thì có nghĩa là bắt dân nghèo đóng thuế để cung ứng dịch vụ công cho một bộ phận người giàu. Điều đó không công bằng nếu không muốn nói là vô đạo đức.
Thứ ba, việc xây dựng trường công chất lượng cao cho con nhà giàu không công bằng với cả những người sẵn sàng chi trả cho dịch vụ giáo dục công đó.
Bởi lẽ, như trên đã nói, đầu tư cho trường công là lấy từ nguồn đóng thuế của nhân dân, nếu tiếp tục phải đóng phí để theo học có nghĩa là người dân đã phải đóng thuế hai lần. Bắt người dân đóng thêm tiền mà gọi là xã hội hóa là sự ngụy biện của những người có trách nhiệm.
Một điểm quan trọng khác, xét trên khía cạnh xã hội, là trường công chất lượng cao sẽ khơi thêm tính bất bình đẳng trong xã hội. Nó khuyến khích phân tầng giai cấp học sinh thụ hưởng hệ thống giáo dục công từ cấp mẫu giáo đã cảm thấy có mâu thuẫn trong xã hội, có phân biệt đẳng cấp giàu nghèo.
Những người đưa ra quyết sách này dù vô tình hay cố ý thì đều đã khuyến khích cho xã hội gãy đổ, chia rẽ, là nguyên nhân trực tiếp gây nên những bất ổn.
Người ta lý luận rằng, nếu không tạo ra những môi trường chất lượng cao phục vụ một bộ phận người giàu, họ sẽ cho con ra nước ngoài học, dẫn đến việc chảy máu ngoại tệ chi cho giáo dục. GS có đồng tình với lý luận này và tại sao?
- Để đạt được mục đích như vậy thì đồng nghĩa, những trường công lập ấy phải thực sự “chất lượng cao”.
Tuy nhiên, theo tôi, không có tương quan hữu cơ giữa chất lượng giáo dục và mức học phí. Chất lượng giáo dục phụ thuộc chủ yếu vào nhân sự và phương pháp giảng dạy, sách giáo khoa, chương trình giáo dục…, chứ không phải việc phụ huynh đóng thêm bao nhiêu tiền cho nhà trường.
Một ví dụ điển hình là việc các học sinh trung học xé đề cương Sử sau khi nghe thông báo các môn thi tốt nghiệp. Đây là hành động của những học sinh ngây thơ, trong sáng mà chúng ta không nên lên án hay chê trách.
Không có cách nào khác là phải hiểu đó là phản ứng lại với chương trình học khô cứng, giáo điều. Những điều đó mà không cải tiến, không sửa đổi thì dù có đổ thêm bao nhiêu tiền vào giáo dục cũng chỉ như mua một chiếc bình sặc sỡ mà rượu cũ vẫn còn đầy trong đó.
Dường như các vị lãnh đạo giáo dục Hà Nội đang tin rằng, có thể bước một bước từ nền giáo dục còn quá nhiều bất cập như hiện nay lên giáo dục chất lượng cao, vì năm học mới phụ huynh đóng thêm học phí. Điều đó không thể có ở bất cứ nền giáo dục phát triển nào, chứ không nói ở Việt Nam. Như vậy, chỉ còn cách hiểu rằng, đây là cách thu thêm tiền mới của giáo dục Hà Nội.
Phải cải tổ trường công, mở rộng trường tư
Không thể phủ nhận thực tế là tiền chi cho giáo dục từ Việt Nam đang đổ ra nước ngoài. Chúng ta cần có những giải pháp như thế nào để khắc phục tình trạng đó, thưa GS?
- Đây là vấn đề tôi đã phát biểu cách đây 10 năm. Mỗi năm người Việt Nam chuyển ra nước ngoài hàng tỷ đô để cho con đi học. Đáng buồn hơn, những nền giáo dục được phụ huynh lựa chọn để gửi gắm niềm tin không chỉ là Mỹ, Canada, Australia… mà cả các nước như Malaysia, Thái Lan (vốn có xuất phát điểm về giáo dục kém hơn Việt Nam trước những năm 1970).
Hiện tượng này chứng tỏ, người dân Việt Nam đã và vẫn đang mất lòng tin vào nền giáo dục Việt Nam (bao gồm cả hệ thống công lập và trường tư).
Vậy để lấy lại niềm tin đó, Việt Nam phải làm gì? Trước hết là hệ thống trường tư. Người giàu có thu nhập cao, muốn con em học trường tốt hơn, thì chúng ta hãy ủng hộ cho làm trường tư. Tại sao bắt trường công, nơi phải đảm bảo tính công bằng đi làm những việc lẽ ra phải giao cho trường tư, như trường hợp của Hà Nội hiện nay?
Nhà nước hãy tạo cơ hội để trường tư phát triển, hợp tác hay liên kết với các trường trong khu vực và trường quốc tế, đồng thời giám sát chất lượng… ngày càng tiến gần hơn với chuẩn giáo dục quốc tế. Điều này cũng phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục theo đúng nghĩa của nó.
Đối với hệ thống trường công, phải tiến hành cải tổ một cách toàn diện từ chương trình, sách giáo khoa tới phương pháp giảng dạy và chọn lựa người thầy… Trong sự cải tổ đó, nên chú ý đầu tư một số trường công lập trọng điểm trên cả nước bởi vì không thể một sớm một chiều sửa đổi hết các sai lầm của nền giáo dục mấy chục năm nay.
Đó sẽ là những nơi thực hiện tất cả cố gắng, nỗ lực thay đổi nền giáo dục, cải tổ nhân sự giảng dạy, chương trình giảng dạy… . Những trường công lập ấy phải đảm bảo yêu cầu cốt yếu là công bằng, bình đẳng về khả năng tiếp cận với tất cả các học sinh.
Tôi đặc biệt lo lắng về những biểu hiện của nhóm lợi ích xuất hiện trong hệ thống giáo dục. Đó là việc lợi dụng những chính sách công mưu lợi cho một nhóm người, việc những người có trách nhiệm quên đi những cơ sở căn bản nhất của một nhà nước xã hội chủ nghĩa là sự công bằng và bình đẳng của mọi công dân mà ủng hộ những chủ trương gây phân biệt và chia rẽ xã hội.
Tôi cho rằng, những người có thẩm quyền phải hết sức lưu tâm và có quyết tâm xử lý triệt để tình trạng này mới mong có được một nền giáo dục tiên tiến và lành mạnh.
Theo Baodatviet