Ngoài ra dự thảo còn quy định, xử phạt chồng (vợ) bắt vợ, (chồng) nộp tiền cho gia đình quá sức; không được sử dụng tài sản chung phi lý...Dự thảo này được đưa ra lấy ý kiến, nhiều người cho rằng, phạt tiền vì các hành vi trên là không khả thi, vì văn hoá gia đình truyền thống của Việt Nam rất khác.
Khó khả thi
Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia việc áp dụng xử phạt hành chính vào mối quan hệ tình cảm ruột thịt trong gia đình sẽ không khả thi và có thể, nó là nguyên nhân để cho bạo lực gia đình và những mâu thuẫn trong gia đình tăng lên?!
Cụ thể, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 1-1,5 triệu đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình. Nếu sử dụng hung khí đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình sẽ bị phạt ở mức cao hơn, từ 1,5-2 triệu đồng.
Đối tượng bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ hoặc đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: Bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách cũng sẽ bị phạt từ 1,5-2 triệu đồng.
Mức phạt này cũng sẽ áp dụng đối với các hành vi tiết lộ hoặc phát tán tư liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Đối với hành vi kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của thành viên gia đình, buộc thành viên gia đình đóng góp tài chính vượt quá khả năng của họ cũng sẽ bị phạt 500.000-1 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Đức ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, nguyên cán bộ ngành toà án đã cười rất ẩn ý khi PV đưa ông đọc dự thảo này. Ông Đức phân tích: Những thành viên trong gia đình bị tàn tật, bệnh tật, ốm yếu, bị bỏ mặc, bị bạo hành… đều yếu thế trong gia đình. Ngoài yếu thế, họ còn kém hiểu biết (mới bị như vậy - PV) nên họ làm sao có kiến thức, có chứng cứ để kiện.
Hơn nữa, những chứng cứ liên quan đến vấn đề gia đình rất tế nhị. Nếu những ai đem đủ được chứng cứ ra kiện, buộc người vi phạm bị phạt thì người đó chịu bị hành hạ hay bạo hành… nhằm mục đích chứ không phải vì tình cảm gia đình.
Bạo lực gia đình có xu hướng ngày càng tăng
Về chuyện, phạt người vợ, chồng, con vì bắt họ đóng góp tài chính vượt quá mức, theo ông Đức cũng là quy định "trên trời". Ông Đức cho rằng, trong đời sống gia đình người Việt, các thành viên đủ tuổi công dân đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ với gia đình về tài chính. Tổng chi tiêu của một gia đình là bao nhiêu, họ sẽ tự lượng hoá, tự bảo nhau cùng kiếm, chẳng ai tố nhau là thế này thế kia cả.
Hơn nữa, hiện tại, giữa lương thực và đời sống, số tiền phải chi tiêu chênh nhau khá lớn. Họ tố cáo nhau rằng, bắt tôi phải tham nhũng để đóng góp tài chính quá mức sao? Điều này chẳng bao giờ xảy ra và có xảy ra thì chỉ những vụ việc mà người trong vụ kiện đều có mục đích gì đó không rõ ràng, trong sáng với nhau.
Luật sư Lê Minh Trường, giám đốc công ty luật Minh Khuê (Hà Nội) cho rằng: "Tôi hoàn toàn không đồng ý với dự thảo Nghị định này. Dự thảo này sẽ rất khó đi vào thực tế và không có tính khả thi. Thực tế, mức phạt 1-2 triệu đồng nếu áp dụng chung cho cả cộng đồng đối với những người có thu nhập trên trung bình và cao thì rõ ràng không ảnh hưởng gì đến vấn đề tài chính của họ.
Cho nên Nghị định này sẽ không tới được những đối tượng có thu nhập cao dưới góc độ về mặt giáo dục, giác ngộ. Trong khi đó, những người có thu nhập trung bình và thấp thì khoản phạt này là khá lớn, tuy nhiên lại không có giá trị răn đe mà thậm chí còn đổ "thêm dầu vào lửa". Một gia đình xảy ra mâu thuẫn rồi lại thêm chuyện túi tiền gia đình bị hao hụt đáng kể, mâu thuẫn lại nảy sinh mâu thuẫn là điều dễ hiểu.
Hơn nữa, nếu người vi phạm bị nộp phạt thì lấy tiền ở đâu ra nộp phạt, trong khi đó luật Hôn nhân gia đình quy định rất rõ tài sản của hai vợ chồng là tài sản chung. Ví dụ, người vợ là nạn nhân bị bạo hành, chồng sẽ là người bị xử phạt, trong khi đó dự thảo Nghị định lại đánh vào túi tiền.
Vậy trong trường hợp này người bị bạo hành lại là nạn nhân của nạn nhân. Như vậy, dự thảo Nghị định này được thông qua sẽ xảy ra sự chồng chéo, xung đột giữa các luật với nhau. Hơn nữa việc chứng minh, đưa ra chứng cứ vụ việc rất khó, do vậy cơ quan chức năng sẽ khó mà xử phạt người vi phạm".
Rào cản văn hóa người Việt: "Xấu chàng hổ ai?"
Bạo lực gia đình qua các con số
Số liệu thống kê của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, hàng năm, cho thấy, Việt Nam có 2,3% gia đình có hành vi bạo lực về thể chất (đánh đập), 25% gia đình có hành vi bạo lực tinh thần, 30% cặp vợ chồng có hiện tượng ép buộc quan hệ tình dục. Số liệu của Trung ương hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thì tính từ năm 2009 đến năm 2012, cả nước có 178.847 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, bạo lực gia đình với phụ nữ là 106.520 vụ, bạo lực gia đình với trẻ em là 23.346 vụ, bạo lực gia đình với người cao tuổi là 16.148 vụ. Số liệu của viện Khoa học xét xử (TANDTC), tại 42 tỉnh trong 5 năm, TAND các tỉnh đã xét xử 10.608 vụ án hôn nhân và gia đình, trong đó 42% vụ án ly hôn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. |
Cũng theo luật sư Trường, câu chuyện về giao thông cũng giống như câu chuyện về bạo lực gia đình, việc xử phạt tiền sẽ không hiệu quả. Ở nhiều quốc gia tiên tiến thường dùng hình thức phạt lao động công ích đối với những người vi phạm.
Dù người giàu hay người nghèo đều bị phạt như nhau, hình thức này rất văn minh, có tính răn đe và không ảnh hưởng đến tài chính. Như vậy dự luật Nghị định này được thông qua, người thiệt và khổ vẫn là người dân.
Dưới góc độ văn hóa và thuần phong mỹ tục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Thúy, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên cho biết:
"Việc phạt tiền đối với người gây bạo lực gia đình không phù hợp với văn hóa người Việt. Như các nước phương Tây vợ hoặc chồng đều có tài khoản riêng nếu bị phạt sẽ trừ trực tiếp vào tài khoản. Nhưng ở nước ta, vợ chồng có tiền đều cho vào quỹ chung, do vậy việc phạt chồng cũng không khác gì phạt vợ".
Chị Nguyễn Thị Tâm, kế toán công ty sản xuất Thương mại và Dịch vụ MTB Việt Nam bày tỏ:
"Dự thảo Nghị định này sẽ rất khó đi vào thực tế. Trong cuộc sống gia đình, có lúc nọ lúc kia, "cơm không lành, canh không ngọt" dẫn đến chuyện "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" ít nhiều cũng xảy ra. Vợ chồng không nên không phải đóng cửa bảo nhau chứ mấy khi tố cáo "xấu chàng hổ ai", chỉ trong trường hợp người bị bạo hành liên tục và nặng không thể chung sống mới tố cáo".
Thay vì xử phạt hành chính, theo bà Thúy, nên có các hình thức xử phạt đánh vào tâm lý và nâng cao hiểu biết cho người vi phạm bạo lực gia đình. Ở nước ngoài người ta vẫn xử phạt lao động công ích, buộc tham gia một lớp học đặc biệt các kiến thức về gia đình, hậu quả của bạo lực gia đình.
Theo Nguoiduatin