Bộ Công an đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình”.
Hầu hết những quy định xử phạt về bạo lực gia đình đều giữ nguyên so với Nghị định “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình” có từ năm 2009.
Một nội dung đáng chú ý trong Dự thảo là “phạt tiền từ trên 1,5 triệu đồng - 2 triệu đồng với hành vi: Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ”.
Như vậy theo quy định trên, nếu con cái bỏ mặc, không chăm sóc cha mẹ già yếu sẽ bị phạt 2 triệu đồng.
Hành vi bỏ mặc, không chăm sóc cha mẹ thời phong kiến Việt Nam bị coi là tội bất hiếu. Theo truyền thống, người Việt rất coi trọng giá trị đạo hiếu. Thời nhà Lê, đạo hiếu được quy định trong Bộ luật Hồng Đức.
Con bỏ mặc, không chăm sóc cha mẹ già yếu bị phạt 1,5 triệu đến 2 triệu đồng.
Bộ luật này quy đinh một trong 10 điều ác chính là tội bất hiếu. Tội bất hiếu là dùng lời lẽ để chửi mắng, bỏ đói, bỏ rét ông bà, cha mẹ, hoặc khi có tang ông bà cha mẹ lại không để tang mà nhởn nhơ vui chơi.
Người phạm tội này có thể bị phạt: Đi đày, làm việc khổ sai nặng nhọc, làm binh vụ cho lính ở chiến trường. Trước khi bị đi đày, kẻ phạm tội bất hiếu còn bị đánh 80 trượng trước xóm làng.
Tuy nhiên, xã hội hiện đại, việc bỏ mặc, không chăm sóc cha mẹ chỉ còn bị xử phạt hành chính.
Cũng theo Nghị định, cha mẹ không cho con đọc sách, báo, xem truyền hình hoặc tiếp cận thông tin đại chúng hàng ngày, cũng sẽ bị phạt tiền.
Cụ thể, Dự thảo Nghị định cho biết, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 300.000 đồng nếu: Không cho thành viên gia đình đọc sách, báo, nghe, xem chương trình phát thanh, truyền hình hoặc tiếp cận với thông tin đại chúng hàng ngày.
Nếu cha mẹ thường dọa con bằng cách hình ảnh “ma quỷ”, “ông ba bị”, “ngáo ộp” sẽ bị phạt đến 2 triệu đồng. Cha mẹ bắt con nhịn ăn uống, mặc rách, chịu rét cũng có thể bị phạt cùng số tiền trên.
Vì theo quy định, phạt trên 1,5 triệu – 2 triệu đồng với các hành vi: Thường xuyên dọa nạt thành viên gia đình bằng các hình ảnh, con vật, đồ vật mà người đó hoảng sợ, ảnh hưởng đến tinh thần; Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;
Chiếu theo những quy định trong Dự thảo, một số trường hợp cũng có thể bị phạt tiền đến 300.000 đồng như: Cha từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật. Cha mẹ ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông bà và cháu.
Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 300.000 đồng đối với hành vi: Ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của toà án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
Cha mẹ bắt con đi ăn xin, lang thang kiếm sống sẽ bị phạt đến 2 triệu đồng. Vì Nghị định cũng nêu rõ, phạt tiền từ trên 1 triệu – 2 triệu đồng nếu: Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động; Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.
Tự gây thương tích hoặc đe dọa tự gây thương tích cho mình để đòi hỏi thành viên gia đình đáp ứng yêu cầu của mình, cũng bị phạt 300.000 đồng.
Theo Khampha