Đó là nhấn mạnh của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà tại cuộc họp về kế hoạch ứng phó khẩn cấp trong trường hợp hồ thủy lợi Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) bị vỡ đập hoặc xả lũ theo thiết kế, chiều 31/7.
Cũng theo ông Hà, thảm họa thường nằm ngoài dự tính, gây thiệt hại vô cùng lớn. Do đó, để giảm nhẹ thiệt hại đến mức tối đa thì cần phải tính toán, mô phỏng cụ thể và chi tiết như: vùng nào bị ngập sâu, bao nhiêu dân phải di tản, di tản dân đi đâu và bằng phương tiện gì; vấn đề cung ứng lương thực, thực phẩm, thuốc men, nguồn điện chiếu sáng như thế nào cho vùng bị ảnh hưởng…
Cửa xả lũ hồ Dầu Tiếng. |
Trước đó, theo báo cáo của Chi cục thủy lợi và phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM), hầu hết diện tích vùng thấp trũng của TP.HCM sẽ bị ngập sâu nếu hồ thủy lợi Dầu Tiếng “không may” bị vỡ đập hoặc xả lũ theo thiết kế.
Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chi cục phó chi cục thủy lợi và phòng chống lụt bão, trường hợp hồ Dầu Tiếng bị vỡ hoặc xả lũ theo thiết kế sẽ có hơn 100 xã, phường thuộc 18 quận, huyện nằm trong khu vực trọng điểm ngập lụt. Cụ thể các quận, huyện bị ảnh hưởng gồm: huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè; quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân, Phú Nhuận và quận 2, 4, 7, 8, 9, 10, 12.
“Cụ thể hơn, nếu mưa lớn kéo dài sinh lũ lớn và nếu hồ Dầu Tiếng xả lũ với lưu lượng 3.600 m3/s, thì thời gian lũ về đến huyện Củ Chi (cầu Bến Súc - 42 km) là 6 giờ 34 phút, chiều sâu ngập là 5,71m; thời gian lũ về trung tâm thành phố (cửa kênh Thị Nghè - 133 km) là 27 giờ 20 phút, chiều sâu ngập là 2,07m.
Đặc biệt, nếu xảy ra sự cố vỡ đập chính hồ Dầu Tiếng kết hợp lũ lớn nhất khả năng (hay còn gọi là lũ cực hạn - PMF), thì thời gian lũ về đến huyện Củ Chi (cầu Bến Súc - 42 km) là 2 giờ 8 phút, chiều sâu ngập là 11,97m; thời gian lũ về trung tâm thành phố (cửa kênh Thị Nghè - 133 km) là 23 giờ 18 phút, chiều sâu ngập là 2,38m”, ông Hoàng cho biết.
Theo SGTT