Xóa rồi vẫn ngập
Những ngày qua, mỗi khi trời mưa là nhiều hộ dân sống trên những trục đường (Đồng Đen, Bàu Cát, Hòa Bình, An Dương Vương, Nguyễn Hồng Đào, Tân Hóa, Trương Công Định...) thuộc địa bàn các quận 6, 11, Tân Bình, Tân Phú lại lo lắng bị ngập.
Những cơn mưa lớn đầu mùa trước đó, các trục đường này thường xuyên bị ngập sâu 30-50cm khiến nước tràn vào nhà dân. Đáng nói là một số khu vực như đường Bàu Cát, Đồng Đen, Hòa Bình trước đây đã được thi công lắp đặt các tuyến cống thoát nước quy mô lớn thay thế cống nhỏ hiện hữu.
Nhiều khu vực ngập nặng do công trình kênh Tân Hoá - Lò Gốm chặn dòng chảy. |
Người dân cũng cảm thấy phấn khởi khi những tuyến này được công bố nằm trong danh mục đã được xóa ngập của thành phố.
Ông Nguyễn Văn Quản - đường Bàu Cát, P.14, Q.Tân Bình - bức xúc: “Trước đây, khu vực này vốn thường xuyên ngập khi trời mưa. Cách đây 2-3 năm, Nhà nước đã đầu tư nhiều tỉ đồng thi công cải tạo xong hệ thống thoát nước khu vực này, người dân chưa kịp mừng thì nay tình trạng ngập lại có xu hướng trầm trọng hơn”.
Tương tự, chỉ qua hai cơn mưa ngày 3/7 và ngày 8/7 vừa qua, tuyến đường Gò Dưa, tỉnh lộ 43, Lê Thị Hoa (Q.Thủ Đức) bị ngập sâu từ 60-80cm khiến phần lớn các phương tiện xe gắn máy, thậm chí xe ôtô qua đoạn đường này cũng bị chết máy...
Thi công làm chặn dòng chảy
Ông Đỗ Tấn Long - Trưởng phòng cấp thoát nước Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM cho rằng, nguyên nhân ngập nặng một số tuyến đường Q.Thủ Đức chủ yếu xuất phát từ việc chặn dòng chảy để thi công dự án lắp đặt hệ thống thoát nước khu dân cư Bình Chiểu (Q.Thủ Đức), làm giảm khả năng thoát nước hiện hữu.
Đặc biệt, đối với nhiều khu vực thuộc Q.6, 11, Tân Bình, Tân Phú bị ngập nặng gần đây do ảnh hưởng của quá trình thi công dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm.
Hạng mục chính của dự án là lấp kênh, thay thế bằng cống hộp có kích thước từ 2m x 2,5m x 3,0m đến 4 x 2,5m x 3,0m. Tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm có nhiệm vụ thoát nước cho lưu vực rộng hơn 1.400ha, nhưng trong quá trình chặn dòng phục vụ thi công, các đơn vị liên quan lại không đảm bảo phương án tạm dẫn dòng hiệu quả, làm cho khả năng thoát nước bị thu hẹp. Và, dù trạm bơm chống ngập Phú Lâm hoạt động hết công suất vẫn không phát huy được hiệu quả, dẫn đến nhiều nơi ngập nặng.
Nhằm đảm bảo thoát nước trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm, hạn chế gây ngập trong mùa mưa, UBND TP.HCM vừa yêu cầu các nhà thầu thực hiện ngay một số biện pháp dẫn dòng thi công.
Cụ thể như: Tháo dỡ các vách ngăn trong lòng cống hộp; nạo vét các mương dẫn dòng từ hạ lưu đường Âu Cơ đến cầu Hòa Bình; lắp đặt thêm tuyến cống dẫn dòng băng đường Hòa Bình; nạo vét các cửa xả cống hộp tại các đường Hòa Bình, Lũy Bán Bích, Tân Hóa, Đặng Nguyên Cẩn, Hồng Bàng, Văn Thân, Phạm Văn Chí...
Ông Trần Thế Kỷ - Phó GĐ Sở GTVT - cho biết thêm, các đơn vị liên quan cũng đang thực hiện các giải pháp dẫn dòng tạm, tuy nhiên do mặt bằng thi công chật hẹp, đồng thời phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nên tình trạng ngập một số khu vực bị ảnh hưởng vẫn chưa thể cải thiện ngay.
Dự kiến đến tháng 9/2013, việc lắp đặt cống hộp của kênh Tân Hóa – Lò Gốm hoàn thành thì các khu vực như Bàu Cát, Đồng Đen, Hòa Bình, An Dương Vương... mới hết ngập.
Theo báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, giai đoạn 2011-2012, thành phố đã giải quyết xóa ngập được 43/58 khu vực bị ngập nước do mưa, trong đó giải quyết ngập vùng trung tâm 27 điểm, vùng ngoại vi 16 điểm. |
Theo Laodong