Tại sao mọi người đối xử với chúng tôi như vậy? Vì đâu tôi mất hơn 10 năm kỳ thị đứa con trai của mình chỉ vì nó chỉ yêu nam? Tôi là đồng tính nam và nếu tôi cưới vợ như gia đình, xã hội mong muốn thì ai sẽ là người khổ đau?
Hàng loạt câu hỏi của cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) và người thân của họ được gửi đến các đại biểu Quốc hội tại Hội thảo “Người đồng tính, song tính và chuyển giới - Quy định pháp luật và quan điểm của cộng đồng” vừa diễn ra tại TPHCM.
Nỗi đau từ sự kỳ thị
“Nhiều người gọi tụi con là “bóng”, “pê đê”, là lũ bệnh hoạn. Tụi con bị kỳ thị từ nhỏ nên học hành không đến nơi đến chốn, đi xin việc ở đâu cũng bị từ chối và phải bươn chải nhiều nghề để sống. Cũng là con người mà sao tụi con bị đối xử như vậy các bác?”, một nam chuyển giới nữ ở TPHCM đặt câu hỏi đầy tâm tư của mình đến các đại biểu.
Trên giấy tờ, tên tuổi của em là nam nhưng hình dáng bên ngoài là nữ nên gặp rất nhiều phức tạp. Cô gái trẻ này mong muốn được pháp luật, xã hội thừa nhận để có thể có công việc và có cuộc sống như bao người.
"Cũng là con người mà tại sao tụi con bị đối xử như vậy?" - Một nam chuyển giới nữ đặt câu hỏi. |
Cô Thủy, nhà ở Q.9, TPHCM, người mẹ có con là đồng tính nam kể câu chuyện rớt nước mắt của gia đình mình kéo dài 10 năm và vẫn dày vò cô đến nay. Khi biết con là người đồng tính, vợ chồng cô đã không xem con là một con người mà như kẻ bệnh hoạn. Mong muốn con quay lại làm “đàn ông đích thực” , cô quay sang hắt hủi con, xa lánh con.
Không thể nhớ hết những lời nói hành động, kỳ thị của mình dành cho con, cô khẳng định một điều rằng lúc đó đến những đồng tiền chân chính con kiếm được đưa về biếu, vợ chồng cô cũng chẳng dám cầm vì “ghê ghê”. Vì sự chửi bởi, khinh miệt của người sinh ra mình, con trai cô từng tìm đến cái chết cũng như nhiều lần vào nhà thương điên.
Sau này cô Thủy nhận ra nỗi khổ của cha mẹ chưa thấm vào đâu so với những gì con phải chịu đựng. Nếm trải mọi sự hắt hủi, sống không bằng chết, sau hơn 10 năm bị chính cha mẹ dày vò, "con gái" cô mới được cha mẹ chấp nhận.
Cô Thủy (thứ hai từ phải qua) - người mẹ đã mất hơn 10 năm để chấp nhận đứa con đồng tính của mình. |
Một đồng tính nam chưa lộ diện cho hay, nhiều gia đình có con đồng tính đều mong muốn con lấy chồng, lấy vợ như bao người. Chính cậu bị gia đình thúc ép cưới vợ.
“Có bao giờ chúng ta tự hỏi, những người vợ, người chồng sẽ khổ sở đến mức nào khi lấy người đồng tính chưa? Một gia đình khổ chưa đủ hay sao mà phải kéo thêm một gia đình nữa? Rồi những đứa con sinh ra trong gia đình mà cha khổ và mẹ cũng khổ sẽ như thế nào?”, cậu đưa ra hàng loạt câu hỏi nói lên suy nghĩ của mình về hậu quả của việc cấm hôn nhân đồng tính.
Theo chàng trai này, chỉ khi pháp luật thừa nhận thì những người khác trong xã hội cũng như bố mẹ cậu mới tin rằng đây là vấn đề bình thường. Họ sẽ không đau khổ vì con hay ép con kéo theo nhiều nỗi đau khác. “Hôn nhân đồng giới không lấy đi quyền lợi của ai mà chỉ làm mọi người thêm hạnh phúc mà thôi”, cậu khẳng định.
Hôn nhân đồng giới - cần cân nhắc kỹ
Luôn tay trong tay với bạn gái, cô gái Thảo Nguyên đến từ Tiền Giang rất lạc quan bày tỏ suy nghĩ về tình yêu cùng giới của mình. Sự lạc quan đó đã lấy nước mắt của không ít vị đại biểu Quốc hội trong hội trường.
Thảo Nguyên nói rằng, cô không quan tâm đến các khái niệm gay (đồng tính nam) hay les (đồng tính nữ) và không muốn nghiêm trọng hóa nó lên bởi đơn giản đây là chuyện tình cảm của mỗi con người, sinh ra đã như vậy.
“Tôi yêu thương người này, cho dù đó là nam hay nữ thì cớ gì bắt tôi yêu và lấy người khác? Cho dù tình yêu này sẽ không cho chúng tôi một lần được lên xe bông, không được gia đình và mọi người công nhận, bị mất nhiều quyền lợi do pháp luật không thừa nhận thì tình yêu đó vẫn tồn tại”, nghe Thảo Nguyên nói, bạn gái của cô siết chặt tay người yêu hơn.
Thảo Nguyên (trái) và bạn gái: "Chúng tôi không quan tâm đến gay hay les mà quan trọng là chúng tôi muốn được sống với người mình yêu". |
Cho dù pháp luật chưa thừa nhận nhưng đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Thanh Bình (tỉnh Bến Tre) không ngại ngần ủng hộ hôn nhân đồng giới. Sự thay đổi này sẽ rất khó khăn, nhất là những văn bản pháp luật liên quan, nhưng theo bà: “Không phải vì khó mà không làm. Người đồng tính cũng như bất kỳ ai đều có quyền con người mà họ vốn dĩ được hưởng”.
Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Bạch Mai (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM) cho biết, bản thân bà luôn xem việc bình đẳng giữa mọi giới là cấp thiết và quan trọng. Bản thân bà sẵn sàng chia sẻ, học hỏi thêm những thông tin kiến thức, cũng như mở rộng đối thoại với các cơ quan ban ngành và cộng đồng LGBT, để qua đó giúp người dân sớm thông cảm và ủng hộ cho người LGBT.
Ông Vũ Công Giao (Khoa luật, ĐH Quốc gia Hà Nội) phân tích, cộng đồng LGBT ở nhiều quốc gia phải đối mặt với nhiều hình thức bạo lực cả về thể chất lẫn tinh thần. Cho dù đến nay, những vấn đề về y tế và pháp lý liên quan đến cộng đồng này đã được làm rõ.
“Đồng tính không phải là bệnh, đồng thời không phải là hành vi gây nguy hại sức khỏe đạo đức của cộng đồng hay trật tự an ninh xã hội. Vì thế, các quyền con người, quyền công dân của LGBT không thể bị hạn chế hay tước bỏ”, ông Giao nhấn mạnh.
Theo phân tích của TS Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), trong số 200 nước trên thế giới hiện mới chỉ có 11 quốc gia thừa nhận hôn nhân đồng giới. Mới đây nhất, Pháp thông qua đạo luật công nhận hôn nhân đồng giới sau hàng chục năm cân nhắc về vấn đề này.
Hiện ở Châu Á, chưa có nước nào thừa nhận hôn nhân đồng giới. Vấn đề hôn nhân đồng giới ở Việt Nam theo ông Tú cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, cần những buổi đối thoại cũng như thông tin về cộng đồng này một cách đúng đắn.
Ông Tú cũng cho biết, sau cuộc đối thoại với cộng đồng LGBT tại Hà Nội ngày 10/5 vừa qua và giờ tổ chức ở TPHCM, Viện nghiên cứu lập pháp sẽ tổng hợp các ý kiến thu thập được làm báo cáo gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội, gửi các cơ quan thẩm quyền. Nếu có thể, sẽ biên tập các thông tin thu thập được thành tài liệu để gửi đến từng vị đại biểu Quốc hội để họ có thêm thông tin về cộng đồng LGBT.
Theo Dantri