Đuổi việc 30% công chức ’cắp ô’ để giữ hơn 20.000 tỷ/năm?

Thứ hai, 29/07/2013, 00:12
30% công chức có cũng được, không có cũng được, vậy tại sao chúng ta không cho họ về với vợ con luôn, để mỗi năm ngân sách tiết kiệm được thêm 20.160 tỷ đồng tiền lương.

Mấy ngày nay, câu chuyện công chức kém hiệu quả tiếp tục làm nóng dư luận khi Bộ Nội vụ công bố kết quả thi nâng ngạch chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp, với 30% công chức dự thi không đạt điểm để xét. Trong số này có nhiều người là lãnh đạo cấp Cục, Tổng cục. Ngay trong Bộ Nội vụ cũng có 9/22 công chức không đạt được số điểm yêu cầu.

Tuy mới, nhưng kết quả trên không khiến nhiều người bất ngờ, vì chất lượng công chức hiện nay ai cũng biết, chỉ là không mấy người dám thẳng thắn nói ra, chỉ khi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nói rằng: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.

cong chuc

30% công chức cắp ô mỗi năm "ngốn" của ngân sách nhà nước khoảng 20.160 tỷ đồng.

Được lời như cởi tấm lòng, sau phát biểu của Phó thủ tướng, lần lượt các lãnh đạo, cơ quan, chuyên gia… lên tiếng thừa nhận thực tế đó.

Thậm chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến có lần còn trích dẫn kết quả điều tra trình độ công chức tại một số tỉnh phía Nam, theo đó, phát hiện hơn 200 cán bộ ở cơ sở thuê người học hộ, thi hộ.

Rồi kết quả của một khảo sát chưa đầy đủ khác cho thấy, chỉ có khoảng 30% số cán bộ sau tuyển dụng làm được việc, 30% phải “cầm tay chỉ việc”, hơn 30% còn lại “cầm tay chỉ việc” vẫn không biết cách làm (phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, ngày 26/3).

Hiện cả nước có khoảng 2,8 triệu cán bộ công chức, viên chức, kể cả lực lượng vũ trang, như vậy sẽ có khoảng 840.000 người chỉ ngồi chơi và hàng tháng hưởng lương (nếu tính cộng gộp cả các đối tượng được hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, thì con số tổng là khoảng 7,5 triệu người).

Ai cũng biết là có số lượng người đó đang ăn bám xã hội, vậy phải làm sao để giải quyết tình trạng đó, vậy xử sao với 30% công chức này? Nhiều ý kiến cũng đã được đưa ra, nhưng xin không liệt kê ra đây vì chỉ làm mất thời gian của quý vị.

Trên cương vị là một người dân đóng thuế, người viết xin đề xuất thẳng, số 30% này nên đuổi việc. Không thể mãi đem tiền thuế của người dân nuôi “báo cô” hơn 840.000 người này. Nếu tính bình quân mỗi người nhận lương 2 triệu đồng/tháng, mỗi tháng ngân sách nhà nước mất hơn 1.680 tỷ đồng, mỗi năm mất hơn 20.160 tỷ đồng.

Đấy quả là con số không nhỏ, đặt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chật vật thu ngân sách khi các nguồn thu chính giảm mạnh, phải tăng thu từ các nguồn khác, các khoản thuế, phí mà lâu nay bị xem là thất thu, nhưng 6 tháng vừa qua cũng chỉ thu được hơn 356.520 tỷ đồng (đạt hơn 43% kế hoạch năm). Trong khi tình hình bội chi ngân sách tiếp tục được đặt ra, khi đã chi gần 60% kế hoạch năm.

Thậm chí, khi Quốc hội bàn về kế hoạch tăng lương hồi năm ngoái, Chính phủ không ít lần xin hoãn, giảm biên độ tăng lương, vì không cân đối được nguồn ngân sách.

Có người sẽ nói rằng, nếu đuổi họ, họ sẽ lấy gì nuôi thân rồi còn gia đình, nhưng nếu nghĩ thế sao không nghĩ tại sao hơn 86 triệu người Việt lại phải chật vật kiếm sống vừa nuôi mình, nuôi gia đình, còn phải đóng tiền nuôi số người chơi xơi nước và nhận tiền này?

Còn làm sao để chọn lọc và loại bỏ được hơn 84 vạn người đó, xin thưa là có thể áp dụng ngay cách thi nâng ngạch công chức mà vừa rồi Bộ Nội vụ đã làm: Tổ chức thi theo phương thức trực tuyến, 3 môn thi trên máy tính, 2 môn thi viết do Hội đồng chấm. Và quan trọng hơn, lãnh đạo Bộ Nội vụ còn nhấn mạnh, đây là kỳ thi được tổ chức khách quan, công bằng, nghiêm túc, phản ánh đúng chất lượng công chức dự thi từ trước tới nay.

Người viết cũng xin thưa với quý vị rằng, muốn chọn lọc và loại bỏ không khó, có nhiều cách, vấn đề là bộ máy có thực sự muốn loại bỏ một cách công tâm hay không?

Điển hình như Hà Nội kiểm tra thông tin chạy biên chế không dưới 100 triệu đồng/suất của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, kết quả là mọi thứ đều đúng, nhưng không ai dám khẳng định là không có.

Như chúng ta vẫn thường nói lâu nay, đặc biệt trong nhiều vấn đề khó: Vấn đề này cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết tâm của lãnh đạo, sự đồng lòng của nhân dân, tôi tin sẽ làm được!

Theo Phunutoday

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích