Chuyện công chức nhậu và "con bò béo"

Thứ hai, 20/05/2013, 16:59
"Thực tế hầu hết các cuộc nhậu không do cán bộ, công chức bỏ tiền ra, hay đúng hơn là dùng tiền chùa... Mọi người thi nhau bòn rút định chế nhưng bản thân không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì", PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhận định.

Từ nhàn đàm đến nhậu nhẹt

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học), tình trạng công chức nhậu nhẹt thái quá như hiện nay nên được xem là một vấn nạn nhức nhối trong xã hội.

Thực trạng này nguy hiểm ở chỗ nó triệt tiêu sự cố gắng, phá hủy nhiều nguồn lực, gây lãng phí, băng hoại và kìm hãm sự phát triển chung của xã hội, kích thích trò nịnh bợ, hối lộ, tham nhũng...

cong chuc

PGS.TS Trịnh Hòa Bình

Sau khi mở cửa kinh tế thị trường, một bộ phận công chức thoát khỏi tình trạng nghèo tương đối, có của ăn của để một chút, đời sống khấm khá hơn, hình thành xu hướng tụ tập, uống rượu.

Tuy nhiên tình trạng công chức, cán bộ nhậu nhẹt tơi bời như hiện nay mới chỉ nở rộ khoảng 5-7 năm nay.

Thực tế cho thấy hiệu quả công việc của khu vực làm công ăn lương không cao. Công việc làm theo kiểu "nước chảy bèo trôi", làm cũng được, không làm cũng được, nay không làm, để mai cũng chẳng sao. 

Mỗi cá nhân chưa bao giờ làm hết năng lực của mình nhưng cơ quan liên tục kêu thiếu người...

Khi đối diện với các thách thức, khó khăn trong đời sống, xu hướng nhàn đàm bùng phát, gắn với đó là thái độ thờ ơ, vô cảm nhất định với sự nghiệp chung, họ túm 5 tụm 3 để nhậu nhẹt, bàn luận về mọi chuyện đang diễn ra hàng ngày.

"Không chỉ có hành chính sự nghiệp có công việc nhàm chán, đơn điệu mới nảy sinh nhậu nhẹt mà kể cả khu vực cung cấp dịch vụ công - nơi luôn chịu áp lực từ quần chúng, người ta vẫn có thể trà lá, hút sách", PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhận định.

Chúng ta không nên đổ lỗi cho việc các quán nhậu mọc lên như nấm. Bởi thực tế những dịch vụ này mở ra là để đón hệ thống nhu cầu xã hội, chứ không phải tự nó kích thích.

Nhậu bằng... tiền chùa

Rõ ràng lương công chức không cao, nhưng đời sống nhậu nhẹt rất phong phú, vậy tiền nhậu đó lấy từ đâu?

Theo công bố, hiện tại lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng... tối thiểu 60% mức sống của cá nhân người làm công ăn lương. Vậy thử hỏi họ còn gồng gánh, cõng theo được những người ăn theo nào khác?

cong chuc

Hầu hết các cuộc nhậu của cán bộ, công chức không do họ tự bỏ tiền. Ảnh minh họa

Vậy rõ ràng trên thực tế người ta vẫn "đục khoét", vẫn kiếm tìm ở đâu đấy để không những lấp bù mức tối thiểu mà còn phải trên mức đó. Và như vậy sẽ lấy từ khu vực khác, dưới nhiều hình thức như tham nhũng, biếu xén, hối lộ, tri ân, hoặc kéo dài công việc ra rất nhiều ngày…

Thực tế hầu hết các cuộc nhậu không do cán bộ, công chức bỏ tiền ra… hay đúng hơn là dùng tiền chùa, tiêu dùng tiền nhà nước. Nhậu xong lấy hóa đơn về cơ quan thanh toán.

Tiền chùa ở chừng mực nào đó là "cha chung không ai khóc", giống như có một "con bò béo" để mọi người thi nhau bú mớm, bòn rút định chế chung nhưng bản thân không phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì.

Xét đến cùng, nó là một thứ "sản phẩm" từ thời bao cấp. Người ta quen được nuôi, được bao không tiền bạc, nếu hết được cấp tiếp, nếu nhiệm vụ không hoàn thành được châm chước để hoàn thành... không đánh giá lao động theo kết quả, không nhìn nhận sự phát triển tiến độ… mà đa số đánh giá theo vị thế, theo số lượng kiểu to ăn to, nhỏ nhỏ ăn nhỏ.

Từ nhậu nhẹt theo thói quen, dần dần người ta xử lý công việc, bàn thảo, đánh giá, ký kết cũng trên bàn nhậu.

Đây là những thứ biến tướng của thời kinh tế thị trường chưa phát triển đầy đủ. Vẫn là thói quen của một tập tục sản xuất thủ công lúa nước, nhàn tản, nước chảy bèo trôi, nhưng được nhúng vào không gian của kinh tế thị trường, và nó vẫn có cái đuôi của sự bao cấp, của chủ nghĩa tập thể, đục khoét mà không phải chịu trách nhiệm.

Còn những người thực sự giàu có, họ tiêu pha xứng đáng với đồng tiền bát gạo, chứ không hề có chuyện ném tiền qua cửa sổ.

Nhưng nếu nhìn theo con đường phát triển, song song với nạn phong bì, sớm muộn gì tình trạng nhậu nhẹt thái quá như hiện tại cũng phải tiêu vong khi chúng ta hòa chung với dòng chảy của thế giới.

Nói về giải pháp để giải quyết triệt để vấn nạn này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng nên chú trọng đến việc giáo dục ý thức.

Xã hội chúng ta giáo dục theo thể thức nêu gương, do đó cần một cuộc vận động lớn, toàn xã hội, nhưng cần thiết cụ thể hóa vào trong những tầng lớp xã hội, những nhóm chuyên biệt

Lâu nay nhiều cơ quan có quy định đấy, có kiểm điểm đấy, nhưng còn hình thức, vậy nên tất cả đều thấy vui vẻ.

Do vậy, muốn chấm dứt nhậu nhẹt thái quá, cần phải bắt đầu từ những cấp cao nhất và cần có những hình thức kỷ luật nghiêm túc.

"Nên nhớ mọi hình thức kỷ luật dù có hà khắc đến mấy cũng đều nhằm để con người tự giác hơn, chứ hình phạt không lấy cứu cánh là tiêu diệt. Kể cả hình phạt cao nhất là tử hình, thì ngay cả khi đưa ra hình phạt này, người ta cũng không nhằm có nhiều án tử hình.

Những vận động xã hội đó để tất cả mọi người đều thấy lợi ích chung, thay vì các lợi ích nhóm, để người ta thay đổi quan niệm bao cấp đi, thay đổi lối suy nghĩ to ăn to, nhỏ ăn nhỏ, tôi chẳng có gì nên tôi giải lao, nhậu nhẹt. Đó là một thứ lãn công, một thứ phủ định, bất hợp tác", PSG.TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.

Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn