Nên ứng xử thế nào trước lời đề nghị sống thử? Sống thử phải chăng chỉ gắn với quan hệ tình dục không lành mạnh, có thai, chia tay hay bị bỏ rơi? Khi nào thì bạn biết mình đã sẵn sàng cho “chuyện ấy”? Nhiều câu hỏi, chia sẻ cởi mở xung quanh chủ đề “Sống thử” đã được các chuyên gia tâm lý và đông đảo sinh viên Viện Quản trị kinh doanh FSB, ĐH FPT chia sẻ trong hội thảo cùng tên tối 16/5 vừa qua.
Vô tình “vượt rào” vì ý nghĩ trong sáng là cho bạn gái ở nhờ phòng trọ, hay bối rối không biết từ chối ra sao khi được bạn gái “rủ” sống thử... là những tình huống tréo ngoe, vừa bi, vừa hài của những nam sinh “thổ lộ” trong buổi tọa đàm. Rất nhiều thắc mắc xung quanh quan niệm, kỹ năng, kiến thức giới tính, tình dục được đưa ra quanh chủ đề “Sống thử” – một thực trạng được cho là “ngày càng phổ biến trong giới trẻ”.
Nhiều thắc mắc được các bạn trẻ nêu lên về thực trạng được cho là “ngày càng phổ biến trong giới trẻ”. |
Có mặt với vai trò là chuyên gia trong chương trình, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mùi cho rằng lối sống cũng như cách yêu của các bạn trẻ bây giờ thực sự rất khác so với những thế hệ trước đây. Tuy vậy, điều quan trọng hiện nay không phải là trả lời câu hỏi nên hay không nên sống thử trong đánh giá của xã hội của mọi người mà mỗi người trẻ cần hiểu mình, hiểu bản thân mình để có lựa chọn đúng đắn.
Trong quan niệm của nhiều người, “sống thử” thường bị “gán” đi kèm những hệ lụy như phá thai, tình yêu tan vỡ, lối sống lệch lạc, hư hỏng… Tuy nhiên, đó đã là một cái nhìn đầy đủ? Sống thử gắn với việc quan hệ tình dục trước hôn nhân và tình dục về bản chất không là xấu.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi cho rằng, nếu ai đó nghĩ tình dục là xấu thì phải xem lại.
Bà phân tích, trong tình yêu, cảm xúc tình dục là cảm xúc hết sức mãnh liệt về sự hòa hợp trọn vẹn giữa hai người, và “điều ấy hết sức tốt đẹp, làm cho tình yêu gắn kết, nồng nàn hơn”... Nhưng không phải ai cũng biết khi nào thì mình sẵn sàng đón nhận điều tốt đẹp đó.
“Sẵn sàng cho quan hệ tình dục lần đầu tiên còn liên quan đến sự trưởng thành về mặt vấn đề xã hội và trưởng thành về tâm lý của mỗi người. Chỉ khi nào bạn thật sự thoải mái, thật sự tin tưởng rằng điều này mang lại sự tốt đẹp cho mình, không phải băn khoăn, lo lắng, ngược lại biết rằng lựa chọn của mình sẽ đi đến đâu, đó mới gọi là sự sẵn sàng” – Tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi nói.
Ở một khía cạnh nào đó, sống thử tạo điều kiện cho người ta hiểu về nhau hơn và có những lợi ích nhất định cho việc sống chung thật sự sau này, tuy nhiên, nó cũng đi liền với những nguy cơ nhất định đe dọa cuộc sống, hạnh phúc của người trẻ nếu họ chưa có hiểu biết và sự trưởng thành cần thiết.
Có những người con gái, chỉ vì trót lỡ với bạn trai mà cảm thấy giá trị của mình giảm đi, không dám từ bỏ người yêu dù tình cảm đã lâm vào bế tắc hay lúc nào cũng hoang mang sợ người yêu bỏ rơi mình... Đó là những câu chuyện buồn có thật khi người trẻ thiếu hiểu biết, thiếu chín chắn khi bắt đầu quan hệ tình dục hoặc sống thử.
Cho rằng, các bạn sinh viên “nên cố gắng nói không với sống thử khi chưa thực sự sẵn sàng là tốt nhất”, bác sĩ Hoàng Thúy Hải phân tích những nguy hại khôn lường khi bạn trẻ quan hệ tình dục hoặc sống thử mà thiếu kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm.
Đó là việc có thai ngoài ý muốn, dễ dãi trong quan hệ với người khác giới và nghiêm trọng hơn cả là những chấn thương tâm lý khi cuộc sống thử tan vỡ, dẫn đến sự lãnh cảm, sợ quan hệ tình dục trong cuộc sống về sau.
“Mọi điều đều có thể xảy ra, đừng để tới khi hậu quả đau lòng mới hỏi tại sao. Trang bị kiến thức, sống có trách nhiệm, có bản lĩnh và trân trọng tình yêu, đối tác của mình để chờ đợi hạnh phúc viên mãn” – bác sĩ Hoàng Thúy Hải đưa ra lời khuyên.
Theo Vietnamnet