Bị tín nhiệm thấp sẽ chủ động xin từ chức

Thứ ba, 21/05/2013, 07:40
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (ảnh) nói: Với trường hợp chức danh nào có quá 2/3 số ĐBQH đánh giá tín nhiệm thấp thì đương nhiên sẽ chủ động xin từ chức.
tín nhiệm

* Thưa ông, đây là kỳ họp đầu tiên QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 49 chức danh chủ chốt do QH bầu hoặc phê chuẩn. Đến thời điểm này, các ĐBQH đã có đủ thông tin liên quan để việc đánh giá tín nhiệm chính xác, khách quan, công tâm, trung thực?

 - Đây là lần đầu tiên QH thực hiện Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ do QH bầu và phê chuẩn.

Toàn bộ tài liệu, báo cáo đánh giá kết quả công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi đến các ĐBQH 20 ngày trước khi diễn ra kỳ họp. 

Các tài liệu cũng phản ánh được kết quả công tác, đạo đức, tác phong của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Tuy nhiên, kết quả còn phụ thuộc nhiều yếu tố, ví dụ như kết quả qua giám sát của QH, của các ủy ban của QH trên tất cả các lĩnh vực mà các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đã và đang phụ trách, lãnh đạo; rồi thông qua chất vấn của QH, hoặc thông qua thực tiễn, ý kiến nhận xét đánh giá của cử tri…

Tôi cũng được biết cử tri rất hy vọng. Lấy phiếu tín nhiệm là một bước đổi mới trong quá trình cải tiến hệ thống cơ chế, chính sách, trong đó công tác cán bộ hết sức quan trọng. Đây là lần đầu nên chắc sẽ phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời cũng phải làm thận trọng. 

tín nhiệm
Đại biểu QH phát biểu tại nghị trường - Ảnh: Ngọc Thắng

* Có ý kiến ĐB nhận xét một số bản đánh giá vẫn mang tính chủ quan, chưa được kiểm chứng đầy đủ. Ủy ban TVQH có đề nghị cung cấp tới ĐBQH bản tự kiểm điểm của các chức danh được lấy phiếu trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 vốn đã được tập thể đánh giá để có thêm căn cứ đánh giá tín nhiệm hay không?

Thách thức của việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm

tín nhiệm
Luật sư Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: Ngọc Thắng

Ngoài bản tự nhận xét của người được lấy phiếu, từng đại biểu sẽ phải tự mình tìm kiếm thông tin, ví dụ qua báo chí, dư luận xã hội, tiếp xúc cử tri, nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện để tự mình có tất cả những thông tin cần thiết cho việc quyết định bằng lá phiếu, nhất là cùng lúc cho 49 chức danh cao cấp như vậy. Đó là thách thức thứ nhất.

Dư luận đang đặt ra lo ngại về tình trạng “chạy phiếu”. Đây chính là thách thức thứ hai của việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm. Tất nhiên, những ĐBQH thực sự vì dân sẽ không chấp nhận điều đó và sẽ có dũng khí để đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.

Luật sư Trương Trọng NghĩaĐBQH TP.HCM

- Trong bản đánh giá của những người được lấy phiếu cũng đã có kiểm điểm, đánh giá về kết quả công tác của mình cũng như về đạo đức, tác phong… phản ánh phần nào việc thực hiện kiểm điểm trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 rồi.

* Theo quy định thì cử tri cũng có quyền đánh giá tín nhiệm các chức danh được lấy phiếu thông qua Mặt trận Tổ quốc. Đến thời điểm này, Ủy ban TVQH đã nhận được ý kiến nào chưa, thưa ông?

- Theo quy định nếu có ý kiến đánh giá của cử tri thì MTTQ VN gửi sang trước 10 ngày (diễn ra kỳ họp - PV). Đến thời điểm này chúng tôi chưa nhận được ý kiến nào.

* Đối với những chức danh có tới 2/3 số ĐBQH đánh giá tín nhiệm thấp thì liệu QH có thực hiện thay thế ngay tại kỳ họp này sau khi lấy phiếu hay phải chờ đến kỳ họp tới?

- Bây giờ thì chưa rõ về kết quả, nhưng theo quy định của Nghị quyết 35 thì có mấy việc xử lý kết quả tín nhiệm. Nếu quá 2/3 ĐB không tín nhiệm, tín nhiệm thấp thì đương nhiên chức danh đó sẽ chủ động xin từ chức.

Trường hợp nào 20% số ĐBQH có văn bản đề nghị thì cũng bỏ phiếu tín nhiệm ngay. Khi xử sự vào tình huống cụ thể thì phải chờ vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

* Qua các cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước kỳ họp cho thấy có ý kiến lo ngại về khả năng “chạy” phiếu, vận động hành lang để đạt phiếu cao. Ủy ban TVQH có quy định hay giải pháp gì ngăn chặn, xử lý tình trạng này trong quá trình thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, thưa ông?

- Hy vọng sẽ không có chuyện đó xảy ra; còn nếu ai đó bị phát hiện “chạy phiếu” thì đương nhiên uy tín thấp, sẽ bị ĐB và cử tri đánh giá thấp tín nhiệm. Việc có hủy kết quả lấy phiếu trong trường hợp đó hay không sẽ thuộc quyền của ĐBQH.

* Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm chắc chắn sẽ có tỷ lệ lấy phiếu của từng chức danh. Thông tin về tỷ lệ lấy phiếu có được công khai rộng rãi đến cử tri không, thưa ông?

- Sau khi lấy phiếu xong sẽ có nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu, chắc là sẽ công khai thôi. 

  Nên tổ chức đối thoại giữa ĐBQH với chức danh được lấy phiếu 

tín nhiệm
Ông Lê Như Tiến - Ảnh: Ngọc Thắng

 Bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm là thước đo trách nhiệm cá nhân của từng vị ĐBQH khi được cử tri ủy quyền.

Muốn làm tốt phải có thông tin về người được lấy phiếu, nhưng vừa rồi báo cáo của các chức danh được lấy phiếu gửi ĐB thông qua Ủy ban TVQH tôi có xem.

Qua đó, thì thấy một số báo cáo theo đúng quy định hướng dẫn của Ủy ban TVQH, nhưng một số lại rất đơn giản, chủ yếu kể về quá trình công tác, những việc đã làm được.

Cái mà ĐBQH cần biết là những tồn tại, yếu kém trong lĩnh vực anh phụ trách là gì và giải pháp khắc phục trong thời gian tới ra sao thì có báo cáo không được thể hiện đầy đủ.

Nên có tổ chức đối thoại giữa ĐBQH với các thành viên được lấy phiếu để giúp ĐB làm rõ hơn vấn đề mình quan tâm, cử tri gửi gắm

(ĐB Lê Như TiếnPhó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)

  

Giải trình, tiếp thu góp ý về Hiến pháp tại phiên khai mạc

Theo nghị trình, QH chính thức thông qua tại phiên trù bị sáng 20/5, kỳ họp thứ 5 của QH khai mạc lúc 9 giờ sáng và được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Sau lời khai mạc của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ngân sách nhà nước năm 2012 và kết quả thực hiện trong những tháng đầu năm 2013.

Tiếp sau Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Huỳnh Đảm trình bày, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Sau đó là các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách về các nội dung báo cáo kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước của Chính phủ.

Chiều cùng ngày, QH nghe Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đọc tờ trình đề nghị QH phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011 và nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình Báo cáo thẩm tra về nội dung này. Theo dự kiến, QH sẽ thảo luận về dự thảo luật Giáo dục quốc phòng - an ninh. 

 

Kiến nghị việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành thực chất

Ủy ban Trung ương MTTQ VN vừa hoàn tất báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri cả nước thông qua 1.724 ý kiến gửi tới QH, trong đó đề cập đến nhiều lĩnh vực trong đời sống, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, giáo dục, y tế.

Báo cáo này được Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Huỳnh Đảm trình tại phiên khai mạc kỳ họp QH sáng 20/5.

Ở lĩnh vực kinh tế, bên cạnh quan ngại trước tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh hết sức khó khăn; DN giải thể hàng loạt khiến số người mất việc làm tiếp tục gia tăng, cử tri cũng bày tỏ sự băn khoăn về việc quản lý điều hành thị trường vàng khi giá vàng trong nước còn chênh lệch lớn với giá vàng thế giới hiện nay.

Từ lo lắng này, cử tri và nhân dân kiến nghị QH, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, có những giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng trên; đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp lại các tập đoàn kinh tế nhà nước; tái cấu trúc các DN, kiên quyết giải thể các DN nhà nước sản xuất, kinh doanh thua lỗ làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước.

Liên quan tới các chính sách an sinh, xã hội, cử tri và nhân dân kiến nghị nhà nước cần tiếp tục có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, ngư dân, diêm dân, để người dân yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc, giữ ổn định xã hội ở địa bàn nông thôn.

Với nội dung lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp này, cử tri hoan nghênh, đồng thời kiến nghị các ĐBQH nêu cao ý thức trách nhiệm để việc lấy phiếu được tiến hành thực chất, không hình thức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của nhà nước thực sự có năng lực, đạo đức tốt, liêm khiết, gương mẫu, có tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Đồng thời kiến nghị QH cần tăng cường công tác giám sát; yêu cầu bộ trưởng, trưởng ngành và người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường trách nhiệm trong quản lý ngành, lĩnh vực; tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ tại các phiên chất vấn của QH, Ủy ban TVQH.

 

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn