Phạt 20 triệu chống CSGT: Tiền thôi... đủ sức răn đe?

Thứ hai, 29/07/2013, 20:07
“Phạt từ 15 đến 20 triệu áp dụng với hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ (CSGT) là quá nặng", Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nói.

Mới đây Bộ GTVT đã hoàn thành Dự thảo xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt để thay thế cho các Nghị định 34 và 71 và lấy ý kiến rộng rãi. Đây là bản dự thảo đã được sửa đổi, bổ sung xử phạt thêm nhiều lỗi trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, mà các văn bản trước đây đều chưa quy định.

Đáng chú ý trong dự thảo lần này là quy định phạt từ 15.000.000 đồng - 20.000.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô có hành vi lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ gây tai nạn hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ.

Với những hành vi trên, nếu áp dụng với các trường hợp người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, người điều khiển xe mô tô, xe máy, người vi phạm sẽ bị phạt từ 100.000 đồng - 14.000.000 đồng.

Chống người thi hành công vụ
Chống người thi hành công vụ sẽ bị xử phạt nặng

Với việc đưa ra mức xử phạt khá cao với những hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, dự thảo trên hi vọng đủ mức nặng để răn đe đối với những người vi phạm, giúp giảm tải tình trạng vi phạm quy tắc giao thông, giảm tải những vụ tai nạn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt như trên là quá nặng. Cần phải nêu rõ những hành vi nào là chống người thi hành công vụ, nếu chỉ không dừng hiệu lệnh của người thi hành công vụ (CSGT), mà ô tô bị xử phạt cao nhất 20 triệu, xe máy cao nhất là 14 triệu thì là quá nặng.

Hơn nữa, nếu mức phạt với hành vi chống đối người thi hành công vụ thì phải đưa ra những cách xử lý thích hợp, không thể rượt đuổi theo xe vi phạm để xử lý bằng được, sẽ rất nguy hiểm cho người khác. Quan trọng nhất vẫn là việc tuyên truyền để người dân chấp hành, chứ không chỉ áp dùng hình phạt nặng mới đủ sức răn đe.

Chống người thi hành công vụ
Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, ông Bùi Danh Liên cho rằng, phải căn cứ từng trường hợp cụ thể để đưa ra mức xử lý cho phù hợp. Nếu cùng với tội chống người thi hành công vụ, nhưng xe không chấp hành hiệu lệnh mà bị phạt tới 15 – 20 triệu là khá nặng, trong khi chống trả quyết liệt người thi hành công vụ mà chỉ phạt 15-20 triệu là quá nhẹ.

“Cần căn cứ vào từng mức độ vi phạm cụ thể để đưa ra mức phạt hợp lý, người vi phạm mới đồng thuận. Nếu người thi hành công vụ tuýt còi mà không dừng lại, xử phạt xe ô tô lên đến 20 triệu đồng là rất nặng, khó để người dân chấp hành; khi đó sẽ dẫn đến tình trạng chống trả quyết liệt, hoặc bất chấp để bỏ trốn thì sẽ rất nguy hiểm cho những người tham gia giao thông.

Ngược lại, mức phạt 20 triệu ấy nhưng áp dụng với hành vi chống trả quyết liệt, đánh người thi hành công vụ thì lại là quá nhẹ. Quan trọng nhất là phải căn cứ vào mức độ vi phạm để đưa ra hình thức mức phạt thích hợp”, ông Bùi Danh Liên nhận định.

Chống người thi hành công vụ
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Thịnh.

Ở góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng Văn Phòng Luật sư Đức Thịnh cho rằng, mức xử phạt vi phạm an toàn giao thông đường bộ tăng lên như vậy chủ yếu là mang tính răn đe phòng ngừa chung, nhằm làm giảm tai nạn giao thông và xây dựng văn hoá giao thông đúng qui định pháp luật, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, nhân văn hơn trong hoạt động cứu giúp người không may bị tai nạn giao thông.

“Nếu làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong an toàn giao thông đường bộ và thực thi tốt mức phạt này sẽ làm giảm các vụ tai nạn giao thông đường bộ, đồng thời còn giảm các vụ án về vi phạm an toàn giao thông đường bộ, giảm các vụ án chống người thi hành công vụ, giảm các vụ án đua xe trái phép, giảm các vụ án về tội không cứu giúp người bị nạn...

Tóm lại, mức xử phạt tăng như vậy là nặng nhưng cần thiết, nếu phạt hành chính giảm được tai nạn thì đồng nghĩa giảm được các tội phạm hình sự có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, văn hoá giao thông được xây dựng và phát triển tốt, mọi người cảm thấy an toàn hơn khi đi ra đường”, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến cho biết.

Dự thảo xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt cũng đưa ra nhiều mức phạt với các hành vi vi phạm khác, ví như, người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với người điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn.

Điều khiển xe đi không đúng phần đường, làn đường gây tai nạn giao thông; Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; tránh, vượt không đúng quy định gây tai nạn giao thông hoặc không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông… sẽ bị phạt từ 7.000.000 - 8.000.000 đồng.

Dự thảo cũng quy định chi tiết mức xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện).Cụ thể, các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với một trong các hành vi điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn; Phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi: Chuyển hướng không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không giảm tốc độ, không nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính gây tai nạn giao thông; Phạt tiền từ 5.000.000 - 7.000.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm các hành vi: Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị…

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn