Ngày 29/7, ông Sam Rainsy, lãnh đạo đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP), cho rằng có gian lận trong cuộc tổng tuyển cử ngày 28/7. Ông này kêu gọi thành lập cơ quan điều tra với sự giám sát của quốc tế. Thực sự, đây chẳng phải lần đầu tiên ông này chỉ trích hay tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử ở Campuchia mỗi khi đảng Nhân dân Campuchia (CPP) thắng cử.
Cũng vào ngày 29/7, hai tổ chức giám sát quốc tế bao gồm Hội nghị quốc tế các đảng phái chính trị châu Á và Dân chủ quốc tế trung lập châu Á - Thái Bình Dương đã tuyên bố công nhận bầu cử ở Campuchia.
Trong báo cáo của mình, hai tổ chức này nói rằng bầu cử đã diễn ra công bằng và đúng luật. Cả hai ca ngợi sự tiến bộ về dân chủ ở Campuchia và kêu gọi các bên tôn trọng quyền dân chủ của người dân nước này.
|
Trước đó, ngay khi Ủy ban Bầu cử quốc gia (NEC) chưa đưa ra kết quả bầu cử, người phát ngôn chính phủ Campuchia tự công bố kết quả của mình và đảng đối lập ngay buổi tối của ngày bỏ phiếu. Theo đó, CPP được 68 ghế và CNRP được 55 ghế, kết quả này được cho là đáng tin cậy.
Như vậy, quốc hội Campuchia chỉ có 2 đảng, trong tổng số 8 đảng tham gia tranh cử, chiếm giữ hết 123 ghế. Mặc dù chiếm phần áp đảo, nhưng CPP tỏ ra lo lắng trước sự thay đổi bất ngờ này. CPP mất 22 ghế trong quốc hội trước sự vươn lên của phe đối lập từ 29 ghế trong cuộc bầu cử 2008.
Một nguồn tin đáng tin cậy của Thanh Niên cho biết chỉ có hơn 50% cử tri đi bầu trong tổng số 9,7 triệu cử tri đã dẫn đến kết quả bất ngờ này.
"Tuy nhiên đó không phải điều xấu mà là dấu hiệu tốt cho nền chính trị Campuchia. Khi ghế đối lập nhiều hơn sẽ gây áp lực mạnh hơn đối với chính quyền, khi đó sẽ tốt hơn cho đất nước", giám đốc một doanh nghiệp Việt Nam, không muốn nêu tên, làm ăn lâu năm ở Campuchia nhận định.
Vị giám đốc này nói với Thanh Niên rằng CPP cầm quyền quá lâu khiến họ kém năng động nên cần động lực thay đổi để hạn chế tham nhũng.
Theo Thanhnien