Sáng nay 8/6, theo tin từ Bộ Nội vụ Campuchia, ông So Khêng - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia - đã đồng ý đề nghị của Thủ đô Phnom Penh cho phép tổ chức cuộc biểu tình phản đối phát biểu của ông Kem Sokha, quyền Chủ tịch đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP), cho rằng nhà tù Tuol Sleng của chính quyền Khmer Đỏ “là đồ giả, do Việt Nam dàn dựng”.
Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh, bộ này chỉ cho phép giới hạn trong 10.000 người biểu tình tại Quảng trường Tự do, đồng thời cũng cho phép 500 người biểu tình mang thông điệp phản đối đến trụ sở đảng Cứu quốc Campuchia.
|
Báo Arevathor của Campuchia thông tin có ít nhất 20.000 người dân đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc biểu tình đòi ông Kem Sokha xin lỗi.
Bài báo cho biết: Người dân từ 9 quận của thủ đô Phnom Penh cùng với các tỉnh lân cận thủ đô, như tỉnh Can Dal, Prei Veng, Tà Keo, Campong Cham, Campong Chnang… sẽ tập trung tại thủ đô Phnom Penh để thực hiện cuộc biểu tình vào ngày mai.
Trước sức ép quá lớn, ông Kem Sokha lại phủ nhận mình có phát biểu như thế và đổ vạ cho đảng Nhân dân Campuchia (CPP) “cắt ghép”. Tuy nhiên, lời "cải chính" cùa ông Sukha bị các tổ chức, cá nhân phản bác vì ông Sokha phát biểu trước rất nhiều người và được phát lại trên nhiều phương tiện truyền thông Campuchia.
Đáng chú ý, tại cuộc biểu tình dự kiến diễn ra vào ngày mai, ngoài các nạn nhân là cựu tù thời Khmer Đỏ, gia đình những nạn nhân đã chết... còn có các chức sắc của Campuchia.
Ông Chhum Mey, Chủ tịch Hội các nạn nhân Khmer Đỏ và là cựu tù ở Toul Sleng, và di ảnh của những người bị sát hại ở nhà tù Tuol Sleng khét tiếng - Ảnh: AFP |
Ông Chiêm Diêm, một đại biểu Quốc hội Campuchia đến từ tỉnh Svay Rieng, cho biết ông sẽ tham gia cuộc biểu tình chống lại ông Kem Sokha. Ông Chiêm Diêm là đại biểu quốc hội thứ hai, sau ông Chiêng Bun, thông báo sẽ tham gia cùng đoàn biểu tình.
Cả hai ông cho biết, là nạn nhân của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, lại có nhiều người thân chết trong thời kỳ này, nên hai ông cần phải tham gia chống lại vu cáo xuyên tạc lịch sử của ông Kem Sokha, hoàn toàn không liên quan gì đến chính trị.
Sức ép ngày càng lớn lên đang đè nặng lên ông Kem Sokha, nhân vật được xem là thân cận với chính trị gia lưu vong Sam Rainsy, người đang trốn án tù vì tội vu cáo Chính phủ Campuchia và nhổ cột mốc biên giới với Việt Nam.
|
Trước đó, do làn sóng phẫn nộ trong nước, ông Kem Sokha đã rời Campuchia một thời gian. Cũng có tin nói ông ra nước ngoài để “vận động tranh cử”, và “chưa dự định quay về”. Tuy nhiên, trước sức ép của đảng Cứu quốc Campuchia, chiều hôm qua, ngày 7/6, ông này buộc phải quay về Phnom Penh để đối mặt với cuộc biểu tình. Các lãnh đạo đảng Cứu quốc Campuchia (đảng đối lập) cho rằng đây là “chuyện cá nhân” của ông Kem Sokha nên ông phải chịu trách nhiệm, không để ảnh hưởng tới đảng.
Phó thủ tướng Campuchia, ông Yim Chay Ly, cho biết thời điểm đến gần cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia, các đảng tranh cử tăng cường đưa ra các hoạt động tuyên truyền, vận động tranh cử.
Ông Yim Chay Ly không loại trừ những thông tin sai sự thật được đưa ra là nhằm vào Chính phủ do đảng Nhân dân lãnh đạo, trong đó, có cả những luận điệu phá hoại chính sách hữu nghị giữa Campuchia và Việt Nam.
Theo Thanhnien