Dọa đánh hộc máu mồm nếu không mua
Tại Hà Nội có rất nhiều chợ thương mại, mỗi chợ có những điểm đặc trưng riêng nhưng đều phục vụ nhu cầu ăn – mặc – sinh hoạt của cuộc sống. Tuy nhiên, những chợ nổi tiếng về sự đanh đá, ngoa ngoắt của các thương lái tại đây phải kể đến chợ Ngã Tư Sở, chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Đồng Xuân…
Không tự dưng mà người tiêu dùng lại cùng nhau tố cáo và mỗi khi nhắc đến thái độ của các chủ hàng kinh doanh tại đây, rất nhiều người chỉ biết… lè lưỡi, lắc đầu ái ngại. Những người từng “dính phốt” khi mua hàng tại các chợ này còn tự nhủ “cạch đến già”, một lần đi không bao giờ trở lại.
Chủ yếu những chợ "gấu" nhất Hà Nội bán đồ may mặc, mỹ phẩm. |
Những chợ được cho là “gấu” nhất Hà Nội chủ yếu buôn bán các mặt hàng may mặc, mỹ phẩm nhưng lại không gây được thiện cảm cho người tiêu dùng.
Trao đổi với chúng tôi chị Hà Anh (nhân viên chuỗi cửa hàng quà lưu niệm) cho biết: “Hồi còn là sinh viên, tôi cùng bạn ra chợ Ngã Tư Sở mua quần áo, ban đầu chị chủ hàng đon đả chào mua. Tuy nhiên, do không ưng ý chiếc quần đó nên tôi cũng không hỏi giá tiền cũng không mặc cả. Lập tức chủ hàng dúi chiếc quần vào tay rồi nói: “Tưởng đi mà ngon à”, nói xong chủ hàng còn bù lu bù loa lên chửi thậm tệ và ép phải mua bằng được”.
Chị Hà Anh từng bị chửi khi mua hàng tại chợ Ngã Tư Sở. |
Tuy nhiên, không phải ai cũng có “gan” để đôi co với chủ hàng và đủ tỉnh táo như chị Hà Anh. Khi biết mình đang bị bắt nạt, chị cũng nổi khùng lên và nhờ người bạn chạy lại khu vực có bảo vệ chợ đang đứng để nhờ can thiệp.
Còn chị Khiêm Nhu (Lý Thường Kiệt, TP.HCM), do nói giọng Sài Gòn nên dịp chị ra chơi với bạn cũng bị một chủ cửa hàng bán quần áo tại chợ Hôm dọa… đánh hộc máu mồm nếu không mua.
Chị Khiêm Nhu: "Người mua hàng không có quyền trả giá"? |
“Mình ra Hà Nội chơi, được bạn dẫn đi chơi, thăm thú và mua sắm. Không ngờ lần đi Chợ Hôm lại suýt bị đánh vì dám chê đồ dỏm và đắt!”.
Theo lời chị Khiêm Nhu thì chị thích một chiếc khăn mà chủ hàng nói là làm từ lụa tơ tằm. Tuy nhiên sau khi chị Nhu và người bạn xem kỹ thì chất liệu không phải lụa mà là vải tổng hợp nhưng vì thích màu sắc, họa tiết nên chị cũng mạnh dạn hỏi giá. Khi chủ hàng "hét giá" đến hơn 400 ngàn đồng thì chị Nhu và người bạn mạnh dạn trả 100 ngàn đồng sau khi đã kiểm tra hàng kỹ lưỡng.
“Vừa trả giá xong, chưa kịp dứt lời thì bà chủ trợn tròn mắt, văng đủ thứ ra để chửi. Khi tôi nói lại là chiếc khăn này nhiều người bạn cũng từng mua rồi và giá cũng chỉ từng đó thôi thì bị chủ quán giơ tay lên và dọa đánh… hộc máu mồm nếu dám cãi và không mua” - chị Nhu kể.
Ép người mua hàng với giá trên trời. Ai dám quay lại? |
Thậm chí trên một diễn đàn, nhiều người chia sẻ, bản thân đã từng bị mắng chửi, dọa đánh hội đồng khi không ưng chiếc áo, chiếc kẹp tóc… khi đó tất cả 2 - 3 nhân viên cùng bà chủ dùng đủ chiêu hèn kế bẩn để buộc khách phải mua món hàng với giá trên trời.
“Ngủ với thằng bán đồ bơi mới có giá đó”
Không chỉ bị ăn chửi, dọa đánh mà một số người còn bị chủ hàng đốt vía nếu sờ vào mà không ưng bỏ đi.
Trên một diễn đàn, thành viên Bong Bong viết: “Hôm đó khoảng 11 giờ trưa mình vào chợ Ngã Tư Sở định mua chiếc váy chống nắng, nhìn thấy chiếc áo khá đẹp tuy nhiên chất vải không được đẹp nên mình bỏ đi. Lập tức bà chủ đuổi mình như xua tà ấy. Vừa xua đuổi bà ấy vừa đốt tờ lịch đã bóc rồi lẩm bẩm những câu gì đó khiến mình phát khiếp lên”.
Còn trường hợp của MeDop8x thì oái oăm thay, bị bà chủ cửa hàng chửi thậm tệ: “Em vào mua một bộ đồ bơi bà ấy nói giá 180 ngàn đồng, em mặc cả 100 ngàn đồng thì bà ấy mắng một cách không thương tiếc. Rồi bà ấy nói: “Mày về mà ngủ với thằng bán đồ bơi thì may ra mới có giá rẻ thế…”.
Gian hàng mà thành viên MeDop8x bị chửi mắng thậm tệ khi dám trả giá bộ đồ bơi từ 180 ngàn xuống 100 ngàn đồng. |
MeDop8x chia sẻ: “Vẫn biết tất cả chỉ là mưu sinh nhưng cái gì cũng phải có mức độ và phải có giáo dục, chứ cái kiểu vô học là em ghét lắm. Em bực lắm nhưng biết đó là địa phận của bà ấy nên em không dám làm gì, chỉ nguýt một cái cho không bán được hàng nữa”.
Chị Lan Chinh chẳng bao giờ dám đi chợ mua sắm quần áo. |
Chị Lan Chinh (Chuyên viên PR) chia sẻ: “Trước đây có lần đi chợ Ngã Tư Sở, chợ Đồng Xuân đã suýt bị “ăn đòn” bởi mình chưa hiểu “luật rừng” ở những nơi này. Tuy nhiên khi đã biết thì chẳng bao giờ dám mon men tới chợ. Theo mình nghĩ đi chợ mục đích chính vẫn là mua bán, một khi chủ hàng không tôn trọng khách thì đừng hòng mua dù giá có rẻ đến mấy đi chăng nữa. Thế nên mấy năm nay mình chẳng bao giờ đến các chợ đó mà toàn mua sắm quần áo tại các tuyến phố, trong siêu thị hoặc mua trên mạng”.
“Có lẽ những bà chủ hàng tại các khu chợ này “nhìn mặt đặt tên”, họ thường bắt nạt những chị em là sinh viên, nói giọng tỉnh lẻ… chứ những người đã đi làm hoặc nói giọng Hà Nội thì cũng ít bắt nạt hơn”, chị Hoài (Thanh Xuân, Hà Nội) nói.
Đi chợ với đàn ông cũng là một cách bảo vệ bản thân. |
Một số chị em cũng đưa ra những mẹo khi đi những chợ này là nên chọn mua những nơi có niêm yết giá cụ thể, đi với con trai, hay chỉ nên ghé thăm những chủ hàng trẻ tuổi. Khi chẳng may gặp chủ hàng "đầu gấu", không nên đôi co mà hãy lẳng lặng bỏ đi, còn nếu họ làm căng thì báo với bảo vệ chợ để được giải cứu. |
Theo Trí Thức Trẻ