Chữ “tín” có dăm ba bảy đường?

Thứ sáu, 07/06/2013, 07:11
Nói như vua Lê Thánh Tông, thề với trời đất phải dùng người quân tử, có như vậy mới không bỏ lỡ cơ hội của sự phát triển đất nước.

Kỳ họp Quốc hội lần này sẽ có nội dung lấy phiếu tín nhiệm với 49 chức danh của Quốc hội và Chính phủ. Đây có thể được xem là bước đột phá trong đánh giá cán bộ thể theo yêu cầu từ lâu của cử tri cả nước.

Nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Đây là đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, đề cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc thực hiện quyền giám sát của QH đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước”.

Trung Tá hay Tán Đường?

Thường người được tín nhiệm phải là người có tài đức, đem tài đức phục vụ cho xã hội được cả cấp trên, cấp dưới ủng hộ. Những người này nếu được đề bạt hay lấy phiếu tín nhiệm đều dễ nhận được sự ủng hộ.

Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng vậy, nhận được phiếu tín nhiệm cao chưa hẳn là người tài giỏi người hết lòng vì dân vì nước. Cái khó chính là ở chỗ đó. Thực tế cuộc sống không ít người chẳng mang lại lợi ích gì, sống theo kiểu “trung dung” “quan ba cũng ừ, quan tư cũng gật” không mất lòng ai lại được tín nhiệm cao. Cũng có trường hợp hai phe tranh giành, ngang cơ nhau, giải pháp tốt nhất là chọn người dễ sai, đứng giữa.

Cũng nhiều trường hợp được tín nhiệm cao do vận động, do “đi đêm”. Nhiều đơn vị, địa phương chuyện mua phiếu, vận động cả dòng họ vào cuộc không phải là hiếm.

tín nhiệm
QH sẽ lấy phiếu tín nhiệm đầu tuần tới. Ảnh: Lê Anh Dũng

Người xưa chọn người tài rất công tâm. Chuyện Tô Hiến Thành chọn người tài là ví dụ điển hình trong lịch sử nước ta. Khi ông lâm bệnh nặng, ông không chọn người ngày đêm phục vụ mình mà chọn người khác thay thế. Khi được Thái hậu hỏi, Tô Hiến Thành trả lời: “Thái hậu hỏi ai là người thay thế thần để lo việc lớn của đất nước, nên thần tiến cử Trung Tá. Còn nếu hỏi ai là người hầu hạ tận tình nhất thì còn ai ngoài Tán Đường”.

Các chế độ xã hội ngày xưa “vua sáng - tôi hiền” bao giờ cũng là cặp bài trùng luôn đi liền với nhau. Một xã hội thịnh trị yếu tố trên thể hiện rõ ràng nhất. Thời đại vua Lê Thánh Tông trong lịch sử phong kiến Việt Nam là xã hội thịnh trị. Lê Thánh Tông trong lịch sử nổi tiếng là vị vua sáng, vì thế ông đã chọn ra những tôi hiền, trong sạch thanh liêm, lại có trí tuệ như Lương Thế Vinh, Thân Nhân Trung…

Ông luôn căn dặn những người thân cận: “Ta và các ngươi đã thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chắm không lơi”. Nhiều người tài của nước ta, đi thi đều đỗ đạt và thực tế họ đã góp công đưa đất nước phát triển. Lịch sử cũng cho thấy, khi một ông vua đã thối nát, chỉ biết ăn chơi sa đọa … thì cả bộ máy cũng chỉ để vơ vét phục vụ cho thói xa hoa trên. Ít có người tài nào “chui” được vào bộ máy.

Đất nước chậm phát triển - chưa chọn được hiền tài?

Quay trở lại với đánh giá của Nghị quyết Trung ương 4, tại sao hiện nay lại có “một bộ phận không nhỏ cán bộ tham nhũng”, hay “không phải một con sâu mà là một bầy sâu”, vậy cơ chế chọn của chúng ta có còn kẽ hở?

Chúng ta vẫn nói: Qui trình tuyển chọn là chặt chẽ, công khai minh bạch…Tuy nhiên đúng hay sai, lại là vấn đề của thực tiễn, vấn đề cuối cùng là xã hội phát triển thế nào. Đành rằng sự phát triển có rất nhiều yếu tố tác động như khách quan, chủ quan, rồi tình hình thế giới, thế lực thù địch chống phá…, nhưng quan trọng nhất là vấn đề cán bộ và chọn cán bộ.

Đất nước chưa phát triển không thể nói chúng ta đã chọn được người tài. Nói cơ hội bị bỏ lỡ, cũng chính là chưa có người tài hay “tập thể tài” để định hướng đúng và trúng…

Ở nước ngoài vận động, mua phiếu là chuyện không hiếm, song mua được vài người chứ không “mua” được cả xã hội. Và người dân một vài lần ảo tưởng chứ không thể ảo tưởng cả đời. Ai, người nào đem lại quyền lợi, cuộc sống cho họ thì họ bầu. Nghĩa là nó tác động đến miếng cơm manh áo.

Tín nhiệm thông qua bỏ phiếu, và khi bỏ phiếu không phải là đã xong xuôi. Phải thông qua thực tiễn để kiểm nghiệm, đánh giá. Lĩnh vực mình phụ trách còn để nhiều bất ổn không thể nói là đã hoàn thành nhiệm vụ. Phải lấy tình hình kinh tế xã hội những năm qua ra mà đánh giá, soi chiếu.

Lần này chúng ta lấy phiếu tín nhiệm một loạt các vị Bộ trưởng. Có thể nói đây là những tư lệnh ngành quan trọng bậc nhất cho sự phát triển. Chỉ cần một khâu yếu trong hệ thống, đất nước phải trả giá. Thực tế hai năm vừa qua những vị Bộ trưởng nào tài trí hết lòng vì dân, vì nước, vì nhân dân, đã rõ. Và các vị đại biểu Quốc hội còn rõ hơn.

Lần này có thể nói đó là một cuộc sát hạch, một cuộc “kiểm tra” thực tế. Không thể có tín nhiệm như nhau ở các vị bộ trưởng, cũng như không thể tất cả đều tín nhiệm cao, vì thực tế đã có câu trả lời- không phải mọi thứ đều đã tốt.

Làm sao, để “tín nhiệm” với dân

Trong báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri cho biết, cử tri và nhân dân hoan nghênh việc QH ban hành nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của QH, HĐND, giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Vì vậy, cử tri và nhân dân kiến nghị các đại biểu QH nêu cao ý thức trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước, để việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành thực chất. Làm sao, để lần đầu tiên, một hoạt động mới mẻ của nghị trường tạo ra được sự… “tín nhiệm” với người dân, không hình thức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Nhà nước thực sự có năng lực, đạo đức tốt, liêm khiết, gương mẫu.

Đội ngũ được tín nhiệm phải thực sự có tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tệ tham nhũng, lãng phí, tệ chạy chức chạy quyền chạy tội, chạy bằng cấp, chạy tuổi… như Nghị quyết Trung ương 5 vừa qua đã chỉ ra.

Cử tri mong những đại biểu mà họ đã bầu hãy nêu cao vai trò trách nhiệm. Hãy đánh giá đúng và thực chất những công bộc của dân. Người nào vì dân vì nước phải được ủng hộ. Đây là công việc của sự phát triển hay nói như vua Lê Thánh Tông, thề với trời đất phải dùng người quân tử, có như vậy mới không bỏ lỡ cơ hội của sự phát triển đất nước.

 

Theo VNN

Các tin cũ hơn