Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão: Bỏ phiếu tín nhiệm khó khả thi
Nói về tính khả thi của việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ tiến hành hàng năm ở Quốc hội (QH), nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH Vũ Mão cho rằng: "Việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm phải qua các công đoạn: Một là, đương sự có bản trình bày về công việc mà mình đã làm trong năm qua; có ưu điểm, khuyết điểm gì. Hai là, đương sự được trình bày trước QH. Ba là, QH thảo luận, đóng góp ý kiến. Bốn là, lấy phiếu tín nhiệm của các đại biểu.
Thời gian dành cho công việc này sẽ không ít. Dù có giới hạn đối tượng lấy phiếu tín nhiệm thì cũng khoảng 50 người. Làm việc khẩn trương thì mỗi ngày được 4-5 người. Tổng thời gian phải 10 ngày.
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. |
Có người sẽ lập luận rằng không phải qua nhiều công đoạn như thế, nhưng tôi nhận thức rằng, đã xem xét một con người thì phải rất thận trọng, không thể đốt cháy giai đoạn. Tiếp theo là giai đoạn bỏ phiếu. Phân tích như vậy để thấy rằng sẽ tăng thêm khối lượng công việc và một khoảng thời gian rất lớn trong kỳ họp QH. Như thế có khả thi không?".
Ngoài ra, ông Vũ Mão cũng nhận định: "Nên dùng từ bỏ phiếu bất tín nhiệm cho đúng bản chất. Không nên đặt ra hai quy trình lấy phiếu và bỏ phiếu. Những quy trình, thủ tục nêu trong đề án rất dài và vì vậy khó thực hiện".
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Sợ nhất là "hòa cả làng"
Xoay quanh việc bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu QH Dương Trung Quốc cho rằng đây là bước tiến tích cực, nhưng đòi hỏi bản lĩnh của đại biểu QH và cả người được lấy phiếu tín nhiệm.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ảnh:Tiền Phong |
Ông Quốc nhìn nhận: "Bỏ phiếu tín nhiệm là một tập quán quốc tế, nhưng với Việt Nam lại là điều mới vì vậy việc thực hiện sẽ gặp những khó khăn ban đầu. Tôi không nghĩ cơ chế hoàn thiện được ngay trong những lần đầu tiên, nếu chưa phù hợp thì phải điều chỉnh xem không hợp vì lý do gì. Chúng ta không đặt hy vọng quá lớn, nhưng rõ ràng đây là bước tiến cần thiết.
Việc bỏ phiếu tín nhiệm đặc biệt quan trọng vì liên quan tới sinh mệnh chính trị của từng người và tôi đã từng nêu lo lắng nhất của mình chính là ở thái độ của các đại biểu QH. Những người được dân bầu liệu có hành xử đúng với vai trò là đại biểu của dân không, hay hành xử với nhiều cân nhắc khác. Điều này, cũng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ và ông cũng có lo lắng giống tôi".
"Tôi cho rằng có hai điều đáng lo ngại. Thứ nhất, về cách lấy phiếu tín nhiệm hiện nay vẫn trên cơ sở là ý kiến của các đại biểu QH. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có cơ chế giám sát kỹ năng, chất lượng và hiệu quả thực thi vai trò của các Đại biểu QH.
Việc đại biểu QH bấm nút hay bỏ phiếu kín đều khiến cho người dân – cử tri không giám sát được đại biểu QH. Người dân không rõ đại biểu có đáp ứng yêu cầu của họ, có làm theo ý nguyện và sự tin tưởng của mình hay không?
Thứ hai, về phía các đối tượng bị - được bỏ phiếu. Họ sẽ tìm giải pháp an toàn và vo tròn mình lại. Điều này sẽ triệt tiêu các nhân tố mới, các cá tính mạnh, những người dám ‘phá rào’… vốn là những nhân tố cần thiết cho thời điểm cần sự đột phá như hiện nay".
Về kết quả 100% không có ai bị đánh giá yếu kém trong đợt thí điểm lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (8/1), ông Dương Trung Quốc cho rằng: "Như tôi quan sát, Hà Nội có bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng không ai rõ kết quả cụ thể ra sao. Tôi lo rằng sẽ có tâm lý “hòa cả làng” trong việc bỏ phiếu tín nhiệm. Và muốn phá bỏ được điều này cần phải có sự giám sát của công luận.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao năng lực dân chủ của mình, cần cho họ công cụ, cho họ được thực thi. Dân chủ là một quá trình và thúc đẩy dân chủ như một tiềm năng, cần được đánh thức và tổ chức nó".
"Cuộc lấy phiếu này cũng là một thử thách cho chính QH . Việc bỏ phiếu tín nhiệm, nếu kết quả cuối cùng không phản ánh đúng lòng dân thì QH sẽ mất uy tín.
QH muốn mạnh thì phải nâng cao trách nhiệm của đại biểu,mạnh dạn tháo bỏ những cơ chế không cần thiết, không còn phù hợp. Trong bối cảnh hiện nay, QH đang có vị thế, nếu không giữ được vị thế thì sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của người dân" - ông Dương Trung Quốc phân tích.
Thường vụ Quốc hội góp ý lấy phiếu tín nhiệm
Tham gia đóng góp ý kiến đánh giá nội dung Nghị quyết 35, đại biểu K’sor Phước, Chủ tịch hội đồng dân tộc không đồng tình với việc nêu quá nhiều nội dung với nhiều tiêu chí và cho rằng Nghị quyết chỉ nên tập trung vào một số nội dung, vấn đề chính của những người được lấy, bỏ phiếu.
Đại biểu Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội nhận xét: “Điều 6, căng thẳng quá. Cần quy định thời gian xác minh xong mọi việc, chứ thế này thì còn phức tạp hơn cả bầu cử quốc hội. Điều 10, 11 cần bổ sung hướng dẫn quy trình nếu người ta muốn từ chức. Trong điều 1 không nên dùng từ từ chức”.
Đại biểu Đào Trọng Thi thì cho rằng, không nên quy định không hợp lệ, nếu không sẽ phải làm theo từng người một.
“Vì nếu làm sơ sài để đánh giá một việc mang tính bản chất thì không chấp nhận được. Trong 1 phiếu có bốn người, người bỏ phiếu bầu 3 người, không bầu một người, nhưng vì lý do nào đó phiếu này không hợp lệ thì 3 người được bầu sẽ mất đi một phiếu”, ông Thi lý giải cho ý kiến của mình.
Nghiêng về quan điểm thảo luận của một số vị ủy viên, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng nên viết lại nội dung nói trên đơn giản hơn, vì nếu “làm quá kỹ thì quá phức tạp”. Ông cũng yêu cầu hướng dẫn thêm về quy trình từ chức với người được tín nhiệm thấp để dễ thực hiện.
Theo Kiến thức