Sướng như người Brunei

Thứ sáu, 18/01/2013, 09:59
Chỉ cần đóng 40.000 đồng viện phí, người dân Brunei có thể khám và chữa bất cứ bệnh gì từ hắt hơi sổ mũi cho đến bệnh nan y

brunei

Ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi về Brunei darussalam không phải về những Thánh đường Hồi giáo nguy nga mà là về chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Hoàng gia Brunei. Đã đến giờ cất cánh, nhưng nó vẫn đủng đỉnh tới 30 phút nữa. Chưa kịp hỏi nhau vì sự trễ giờ này, màn hình nhỏ trước mắt chúng tôi đã hiện lên dòng chữ “Mời quý khách cùng hướng tới đức Thánh Allah và Đấng Tiên tri Mohamed” bằng tiếng Brunei và Anh. Tiếp đó là tiếng phát thanh viên vang lên mời hành khách cùng cầu nguyện cho hòa bình, thịnh vượng và sự an toàn của chuyến bay.

Ở Brunei, cầu nguyện là một trong những lễ trọng hằng ngày của người dân. Bước vào một ngày mới, trước mỗi cuộc hội thảo, hay bất kỳ một sự kiện quan trọng nào đó, lễ cầu nguyện đều diễn ra với sự thành kính, trang trọng. Thứ năm và chủ nhật hằng tuần được chọn là ngày cầu nguyện. Các công sở đều đóng cửa trong ngày này để người dân thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của mình.

Sống chậm ở Brunei

Thủ đô Bandar Seri Begawan nằm ở quận Brunei Muara, 1 trong 4 quận lớn ở Brunei, với những con đường đan chéo nhau. Tuy nhiên, ở đây không hề có chuyện vi phạm luật giao thông hay xe cộ chen chúc nhau để lấn đường.

“Luật giao thông ở Brunei rất nghiêm. Người dân cũng ý thức được mình phải đi đúng luật nên rất hiếm khi xảy ra tai nạn”. Anh Ngô Sỹ Thanh, một cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ở Brunei, giải thích. Tuy nhiên, đối với người nước ngoài lần đầu tới đất nước này, việc gọi được 1 chiếc taxi để khám phá Bandar Seri Begawan là rất khó. “Chúng tôi có rất ít taxi, các chị phải chịu khó chờ thôi”, cô lễ tân ở khách sạn Kilup Plaza, nơi chúng tôi ở, nói.

“Các chị nhớ phải mặc cả với tài xế nhé”. Dù được dặn dò kỹ lưỡng, nhưng chúng tôi vẫn bất ngờ. Vì 15 phút, 20 phút đã trôi qua, vẫn chưa thấy chiếc taxi nào. Hỏi một chị làm trong Tiểu ban tuyên truyền thông tin ASEAN ở Brunei, thì chị cho biết cả Brunei chỉ có khoảng 50 chiếc taxi. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, chị giải thích mỗi gia đình ở Brunei có 2 đến 3 chiếc ôtô. Nhà nào ít nhất cũng có 1 chiếc. Vì thế hầu như taxi chỉ để phục vụ du khách. Nếu không gọi được xe thì bạn chỉ còn nước…đợi tiếp hoặc đi bộ.

Với dân số vẻn vẹn chừng hơn 401.000 người (tính đến tháng 7.2011), có lẽ Brunei là một trong những quốc gia ít dân cư nhất thế giới, nhưng lại là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới.

Hiện Brunei là chủ nợ lớn của nhiều cường quốc, trong đó có Anh, nợ Bandar Seri Begawan lên tới 160 tỉ USD. Và nhờ thế, dù không phải là nước lớn, nhưng tiếng nói và ảnh hưởng của Brunei cũng có trọng lượng trên chính trường quốc tế. Là quốc gia sản xuất dầu khí lớn thứ ba Đông Nam Á và xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn thứ 9 thế giới, thu nhập bình quân đầu người của Brunei năm 2011 là gần 50.000 USD, cao hàng thứ năm thế giới. Vì thế, người dân Brunei sống rất thoải mái.

Câu chuyện của anh Hi Alias, lái xe của Đài Phát thanh truyền hình Brunei, là một ví dụ. Anh cho biết mình rất hài lòng với cuộc sống. Nhà anh chỉ có 3 người, nằm ở quận Daerah Tutong cách thủ đô khoảng 20 km. Ngày ngày, 8h30 anh đến công sở và trở về lúc 16h30. Nhà anh có tới 7 chiếc ôtô và 3 người giúp việc. “Chúng tôi không phải nộp thuế, bản thân tôi có mức lương 3.000 đô la Brunei/tháng (khoảng 50 triệu đồng). Phòng khách nhà tôi rộng lắm có thể kê được tới 8 bộ salon”, anh khoe. Vậy anh làm gì với số tiền kiếm được? “Tôi mua ôtô thôi”, anh trả lời. Thế làm sao anh có thể lái hết?, chúng tôi hỏi tiếp. “Tôi và vợ con mỗi ngày lái 1 chiếc đi làm, nếu không sử dụng hết, chúng tôi cho thuê”, anh cho biết.

Anh Haja Wan, lái thuyền du lịch trên sông Brunei, cho biết mình cũng rất hài lòng với cuộc sống. “Kia là bệnh viện trên làng nổi Kampong Yayer. Nếu bệnh, chỉ cần tới đó, nộp viện phí 1 đô la Brunei là xong. Bác sỹ sẽ khám bệnh kê đơn rất chu đáo. Con cái chúng tôi ở làng nổi học hành cũng không mất tiền”. Sau khi đưa chúng tôi đi một vòng trên sông Brunei, anh hồ hởi chỉ 1 ngôi nhà nổi trên sông. “Nhà tôi kia kìa”. Khi chúng tôi khen, nhà anh to nhỉ, anh Haja Wan cười lộ vẻ sung sướng.

Không chỉ có lương và cuộc sống, người dân Brunei còn được chính phủ quan tâm tới nhiều nhu cầu thiết yếu khác. Hiện nay, Quốc vương Brunei đã cho xây hàng trăm căn nhà trên làng nổi Kampong Yayer để những người chưa có nhà đến thuê với giá “rẻ như cho” 200 đô la Brunei/tháng và 7 năm sau ngôi nhà đó sẽ thuộc sở hữu của họ. Nếu hộ nào than thở khó khăn, nhà vua có thể cho họ ở miễn phí.

Đem câu chuyện này đến hỏi một nhà ngoại giao Việt Nam ở Brunei, ông cười và xác nhận: “Văn hóa của người dân ở đây rất đặc biệt. Nhà vua và Hoàng gia rất quan tâm đến cuộc sống của người dân”.

Ông cho biết thêm, năm 2012, do tác động của khủng hoảng kinh tế, nên mức viện phí ở Brunei đã tăng gấp đôi là “2 đô la Brunei”. Chỉ với 2 đô la Brunei ấy, bất kỳ người dân nào cũng có thể đến khám và chữa bệnh theo yêu cầu, từ hắt hơi sổ mũi cho đến bệnh nan y. Và có lẽ Brunei là quốc gia duy nhất trên thế giới đảm bảo việc làm cho công dân. Chỉ cần mang quốc tịch Brunei, khi mang hồ sơ xin việc đến bất kỳ cơ quan nào, bạn cũng sẽ được nhận vào làm việc.

Thời gian ngắn ngủi ở Brunei chưa đủ để chúng tôi khám phá hết cuộc sống ở quốc gia Hồi giáo này, nhưng nó cũng đủ để thấy người dân Brunei đang sống rất thong thả. Sự yên bình, những mái vòm của nhà thờ Hồi giáo, ánh mặt trời chiếu xuống dòng sông Kamper Yayer và dòng ôtô nối đuôi nhau… Tất cả đã tạo nên sự phồn thịnh và một nét rất riêng cho Brunei.

Theo Nhipcaudautu

Các tin cũ hơn