Cách chức người không được tín nhiệm ngay tại kỳ họp

Thứ tư, 16/01/2013, 14:42
Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã thống nhất phương án tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hàng năm. Quyết định miễn nhiệm, hoặc cách chức sẽ thực hiện ngay tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất. 

Sáng 16/1, TVQH đã thông qua Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2012/QH 13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Về thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, TVQH thống nhất sẽ thực hiện định kỳ tại kỳ họp thường lệ đầu tiên hằng năm của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, kể từ năm thứ hai của mỗi nhiệm kỳ. Báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm được gửi đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm.

Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng nội dung báo cáo của người được lấy phiếu còn quá nhiều nội dung. Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’sor Phước cho rằng chỉ nên tập trung vào một số nội dung, vấn đề chính.

Bên cạnh đó ông đại biểu cũng nêu, người được lấy phiếu chỉ gửi báo cáo lên từng đoàn hay từng ĐBQH. Nếu báo cáo gửi cho từng đại biểu thì sẽ dày cộp, không biết đọc bao giờ mới xong. Rồi có khi người này gặp người kia trao đổi lại bị nghi ngờ đi vận động.

phieu tin nhiem

Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ thực hiện định kỳ hàng năm. Ảnh HNM

Nội dung khác được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến là mẫu phiếu sử dụng trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Dự thảo Nghị quyết đưa ra hai phương án. Phương án một, trên phiếu ghi đầy đủ danh sách tất cả những người được lấy phiếu tín nhiệm theo từng nhóm chức vụ. Phương án hai sẽ gồm các phiếu riêng cho từng chức vụ hay nhóm chức vụ tương ứng.

Cả hai mẫu lấy phiếu tín nhiệm đều kèm theo các ô tương ứng với các mức độ "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp". Đối với mẫu bỏ phiếu tín nhiệm là phiếu riêng đối với từng người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm kèm theo các ô tương ứng với các mức độ "tín nhiệm" và "không tín nhiệm".

Theo quy định được đưa ra, những phiếu sau đây sẽ được coi là không hợp lệ: Phiếu không theo mẫu quy định do Ban kiểm phiếu phát ra; Phiếu không có dấu của Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân; Phiếu gạch xóa họ tên người được in trên phiếu hoặc có viết thêm tên người ngoài danh sách hoặc các thông tin khác vào phiếu; Phiếu dùng trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm mà không có đánh dấu ở bất cứ ô nào hoặc có đánh dấu ở cả hai ô trên phiếu.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu lấy mẫu theo phương án một sẽ phát sinh những phiếu không hợp lệ dẫn đến thiệt cho người này, lợi cho người kia. Ông Đào Trọng Thi đưa ví dụ, đại biểu ghi tín nhiệm ba người trong phiếu, còn một người thì không. Nhưng nếu vì một lý do sơ suất nào đó dẫn đến phiếu không hợp lệ. Lúc đó ba người được tín nhiệm sẽ bị mất đi một phiếu, còn người không được tín nhiệm kia lại được lợi.

Dự thảo Nghị quyết quy định trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp tiếp theo.

Trường hợp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải có hướng dẫn chi tiết như bầu cử Quốc hội. Bên cạnh đó cũng phải tìm người thay thế, nhất là đối với những trường hợp có tỷ lệ bỏ phiếu thấp quá một nửa.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn